Cảnh báo tình trạng làm giả CCCD trên mạng xã hội

Cập nhật: 30-05-2022 | 08:53:27

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội quảng cáo công khai, giới thiệu dịch vụ làm bằng cấp, hồ sơ, bằng lái xe giả các hạng. Mới đây nhất nở rộ dịch vụ làm giả căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và các giấy tờ nhà đất với cam kết “y như thật”, “được giao đến tận nhà” và được “Kiểm tra hàng trước khi thanh toán”…

Vào tháng 3-2022, một thanh niên ghé vào tiệm điện thoại di động trên đường D6, khu dân cư Lai Uyên, huyện Bàu Bàng mua một chiếc điện thoại di động với giá hơn 10 triệu đồng. Sau khi xem điện thoại, đối tượng đồng ý mua trả góp theo tháng. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục, đối tượng này đưa ra một thẻ CCCD gắn chíp có tên Nguyễn Trung Toàn (sinh năm 2001, quê An Giang). Chủ tiệm tiến hành quét mã QR thì thấy thông tin hiện lên như các thẻ CCCD gắn chíp khác. Tuy nhiên, quan sát kỹ màu sắc và một số thông tin, thông số có “tính đặc thù” trên CCCD này, chủ tiệm điện thoại phát hiện có nhiều chi tiết bất thường. Nghi ngờ đối tượng sử dụng CCCD gắn chíp giả để thực hiện giao dịch, chủ tiệm điện thoại đã từ chối bán điện thoại. Bị từ chối, thanh niên nhanh chóng thu lại CCCD và rời đi. Vì đối tượng đã bỏ đi và sự việc cũng chưa gây hậu quả gì nên chủ tiệm điện thoại đã không trình báo công an.

Thượng tá Nguyễn Văn Lược, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào công an tiếp nhận, xử lý liên quan đến việc người dân sử dụng CCCD giả. Liên quan đến vấn đề này, khi nghi ngờ, phát hiện trường hợp nào sử dụng CCCD giả nói riêng và giấy tờ giả nói chung, người dân cần trình báo cơ quan công an địa phương. “Khi làm giả và sử dụng các loại giấy tờ giả bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Lược cho biết.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty Luật Becamex, cho rằng đối với loại tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì Bộ luật Hình sự có quy định rõ về hành vi và chế tài xử lý nghiêm minh đối với người phạm tội và răn đe những đối tượng có ý định phạm tội.

“Theo quy định, có thể phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Thậm chí, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù nếu người thực hiện hành vi phạm tội với các tình tiết như sau: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, nếu người nào làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để tạo lòng tin cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân”, luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên