Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại – Bài 2

Cập nhật: 26-03-2022 | 09:11:53

Bài 2 : Nhiều chiêu trò biến tướng

Theo Trung tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an (CA) tỉnh, hiện nay rất nhiều đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã chuyển sang hình thức dụ dỗ bị hại đầu tư giao dịch ngoại hối (còn gọi là giao dịch Forex-PV). Vì không am hiểu các chiêu trò bẩn nên nhiều người đã sập bẫy.


Từ những cuộc gọi giả danh, nhiều nạn nhân đã bị lừa tiền tỷ. Ảnh: TÂM TRANG

Hứa được thưởng ngoại tệ

Ở phương thức lừa đảo này, đối tượng mua các trang Web của nước ngoài sau đó hướng dẫn người chơi tham gia các sàn Forex và hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận cao. Đối tượng đưa ra thông tin gian dối là các đồng tiền kỹ thuật số mà người chơi bỏ tiền ra mua có thể đổi lại thành đô la Mỹ hoặc tiền mặt Việt Nam đồng, sau đó chúng sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để phát triển hệ thống, lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước. Mục đích là đánh vào lòng tham của người chơi nên các đối tượng cho người chơi thắng vài lần với lượng tiền nhỏ, cuối cùng chúng can thiệp vào lệnh, can thiệp vào hệ thống để điều chỉnh kết quả chơi.

Khi người chơi có nhiều tiền trong tài khoản thì đối tượng can thiệp vào các lệnh khiến cho người chơi liên tục thua cho đến khi hết tiền. Khi chiếm đoạt được tiền của nhiều bị hại, đến một thời điểm nhất định thì các đối tượng đánh sập hệ thống, chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn.

Trung tá Hồ Thọ Hải, Phó Trưởng Phòng PA05 CA tỉnh cho biết trong quá trình điều tra các vụ án lừa đảo thông qua mạng xã hội rất khó khăn trong việc xác định đối tượng phạm tội, do hiện nay vẫn còn nhiều số điện thoại không đăng ký thuê bao (sim rác); khi gây án, các đối tượng sử dụng sim rác hoặc sử dụng mạng xã hội và thực hiện hoàn toàn trên mạng bằng các thông tin giả mạo.

Một thủ đoạn thường gặp nữa là mời chào nạn nhân vay vốn với nhiều ưu đãi, thủ tục đơn giản không qua thẩm định, giải ngân trong vòng 15 phút, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp… để thu hút khách hàng. Sau đó đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay. Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng gửi thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng và được yêu cầu đăng nhập ứng dụng để giải ngân. Sau đó đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay… Cứ như thế, chúng vẽ ra và yêu cầu người vay phải nộp rất nhiều các khoản phí. Thực tế là sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào và mất toàn bộ số tiền đã nộp theo yêu cầu.

Được biết hiện nay nạn nhân chủ yếu của thủ đoạn này là công nhân lao động. Nhiều người cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên họ cần tiền để làm ăn, trang trải cuộc sống, vì thế khi thấy các nội dung quảng cáo như thế này trên mạng hấp dẫn nên tham gia, không ngờ vừa không vay được tiền mà còn bị mất tiền. Có người dừng kịp lúc nên số tiền mất không nhiều, tuy nhiên có người nghe theo lời “rủ rê” của người cho vay nên số tiền nộp cho chúng càng ngày càng tăng.

Người dân cần cảnh giác

Từ đầu năm 2022 đến nay, CA tỉnh đã tiếp nhận 8 vụ tố giác tội phạm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh với hình thức lợi dụng mạng điện thoại, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra ban đầu, Phòng PA05 đã làm rõ 2 vụ án và phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh bắt giữ các đối tượng gây án.

Điển hình như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, bị hại là Công ty TNHH Bệnh viện X., thiệt hại số tiền 2,4 tỷ đồng. Đối tượng sử dụng số điện thoại sim rác liên hệ chào bán bộ test Covid-19; tự giới thiệu là nhân viên Công ty TNHH Vật tư máy móc thiết bị y tế Y. báo giá là 80.000 đồng/ một que test. Thấy giá thấp hơn giá thị trường và hợp lý nên bên Bệnh viện X. đồng ý mua 30.000 que test Covid với số tiền là 2,4 tỷ đồng, thống nhất gửi hợp đồng qua Zalo xem trước. Sau khi ký hợp đồng, phía Bệnh viện X. đã chuyển số tiền 2,4 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Y. Sau khi chuyển tiền, bên mua nhiều lần liên hệ với đối tượng nhưng không liên lạc được. Phía bị hại tiếp tục liên hệ với Công ty Y. thì được biết Công ty Y. không có mua bán gì với Bệnh viện X., biết mình bị lừa nên bị hại đến cơ quan CA trình báo.

Ngay khi tiếp nhận tố giác, Phòng PA05 đã xác định các đối tượng lừa đảo sử dụng tên giả và tài khoản “ảo” để thực hiện hành vi mua bán hàng. Bằng biện pháp nghiệp vụ và sự quyết tâm của cán bộ chiến sĩ, trong 20 ngày, Phòng PA05 đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự xác định được các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi củng cố hồ sơ, chứng cứ, cơ quan CA đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với các đối tượng tham gia phi vụ trên.

Theo khuyến cáo của cơ quan CA, hiện nay chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ tùy thân là “mặt hàng” tội phạm công nghệ cao thường nhắm tới để khai thác. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, hiện nay các đối tượng lừa đảo đã lên mạng mua lại chứng minh nhân dân rồi về dán ảnh khác vào để đăng ký thành công các sim điện thoại. Sau khi “thăm dò” con mồi sa lưới, chúng dùng những sim rác này và liên tục gọi điện thoại và tạo ra hiện trường giả bằng cách cho một người nói chuyện với nạn nhân, những đối tượng còn lại sẽ cố ý nói thật to cho nạn nhân nghe như có quyết định truy tố, điều CA đến bắt ngay làm cho nạn nhân tưởng thật và sau đó phải thực hiện các yêu cầu chúng đặt ra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CA đã bắt và xử lý nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo. CA khuyến cáo, người dân không nên đưa các thông tin cá nhân như CCCD, giấy chứng minh, các loại thẻ đang sử dụng lên mạng, đây là cơ hội béo bở để kẻ xấu lấy thông tin thực hiện hành vi lừa đảo, khi đó người dân vô tình thành người phạm pháp.

Theo Trung tá Hồ Thọ Hải, Phó Trưởng Phòng PA05, CA tỉnh, trong quá trình điều tra các vụ án lừa đảo thông qua mạng xã hội rất khó khăn trong việc xác định đối tượng phạm tội, do hiện nay vẫn còn nhiều số điện thoại không đăng ký thuê bao (sim rác); khi gây án, các đối tượng đều sử dụng sim rác hoặc sử dụng mạng xã hội và thực hiện hoàn toàn trên mạng bằng các thông tin giả mạo. Trường hợp xác định được số tài khoản, chủ tài khoản nhưng qua điều tra xác định danh tính của chủ tài khoản xác lập tại ngân hàng cũng không chính xác hoặc xác định được đối tượng nhưng đối tượng lại ở nước ngoài, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, làm rõ nhân thân, hành vi của đối tượng phạm tội. (Còn tiếp)

 Mất hàng chục triệu đồng vì bị “hù” liên quan đến ma túy

Khi đang ở công ty thì chị T.T.H (tạm trú phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) nhận cuộc gọi, có một giọng nam xưng là nhân viên bảo hiểm ở TP.Hồ Chí Minh nói chị H. vi phạm hợp đồng bảo hiểm nên phải bồi thường gần 30 triệu đồng. Khi chị H. trả lời mình không hề vay tiền bên bảo hiểm thì đối tượng này hù dọa nếu chị không thanh toán số tiền trên, vụ việc sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an (CA).

Không lâu sau có số điện thoại khác gọi cho chị H., một người tự xưng là cán bộ CA TP.Hồ Chí Minh thông báo chị H. có liên quan đến một đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Văn Long cầm đầu. Sau đó người này cho số tài khoản và yêu cầu chị H. chuyển hết tiền trong thẻ ATM qua số tài khoản vừa cung cấp để “phục vụ điều tra, xác minh”. Do lo sợ nên chị H. đã chuyển 27,5 triệu đồng qua số tài khoản mà đối tượng cung cấp. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày thì đối tượng trên tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển thêm 200 triệu đồng. Lúc này chị H. nghi ngờ đã bị lừa nên không thực hiện theo yêu cầu, hủy kết bạn Zalo, chặn liên lạc và đến trình báo sự việc tại cơ quan CA.

 

T.TRANG - Q.ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1059
Quay lên trên