Cảnh báo tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai - Bài 1

Cập nhật: 27-06-2017 | 08:22:31

Bài 1: Người dân bị ảnh hưởng

Những năm gần đây, một số hộ dân sống dọc sông Đồng Nai (đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên) đã bị mất nhà cửa, ruộng vườn vì bờ sông sạt lở. Không những thế, tình trạng sạt lở hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Diễn biến phức tạp

Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An của tỉnh Bình Dương với chiều dài khoảng 60km. Tình hình sạt lở bờ sông Đồng Nai thời gian qua xảy ra chủ yếu trên địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Trao đổi với phóng viên (P.V) về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Can, Chủ tịch UBND xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 điểm sạt tại các ấp 1, 2, 3 và 4 với chiều dài từ 40 - 60m, rộng từ 5 - 10m. Trong năm 2015 xuất hiện một điểm sạt lở mới, còn 3 điểm sạt lở xuất hiện từ năm 2014 trở về trước. Các điểm sạt lở trên chủ yếu ảnh hưởng đến đất sản suất và đất ở của người dân. Ngoài ra, tình trạng trên còn ảnh hưởng đến khối nhà đoàn thể của UBND xã và trạm cấp nước tập trung của xã. Hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo dừng thi công các công trình phụ ở hai địa điểm trên”.

Năm 2014, trên nhánh sông con (ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội) xảy ra sạt lở đất với chiều dài 70m và khoét sâu vào bờ 3m. Trong đó, hộ ông Hồ Văn Nghĩa và Mai Văn Cường bị cuốn theo nhiều cây ăn trái và đất sản xuất. Ngày 19- 6-2015, căn nhà cấp 4 của ông Đoàn Văn Thế (ngụ KP.2, P.Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) có diện tích 32,5m2 và 1 chuồng heo có diện tích 175m2 của gia đình ông đã bị sạt lở và trôi xuống sông Đồng Nai. Rất may gia đình ông sớm phát hiện và kịp chạy thoát thân nên không ai bị thương. Tháng 7-2016, trời mưa lớn cùng lượng nước từ thượng nguồn ào ạt chảy xuống khiến bờ sông Đồng Nai, đoạn chảy qua KP.Ba Đình, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, xuất hiện điểm sạt lở kéo dài hàng chục mét làm nhiều phần đất của người dân bị đổ xuống sông. Sự việc trên đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho 9 hộ với gần 50 nhân khẩu đang sinh sống tại đây.

So với xã Thường Tân, tình trạng sạt ven sông Đồng Nai đoạn qua xã Lạc An nghiêm trọng hơn với 6 điểm sạt lở tại ấp 3 và ấp 4, với chiều dài trung bình từ 60 - 100m, khoét sâu vào bờ sông tạo thành “hàm ếch” từ 3 - 5m. Điều đáng nói là hiện hàng chục hộ dân có nhà nằm tại các điểm sạt lở này. Bà Nguyễn Thị Bình (ngụ ấp 4, xã Lạc An), cho biết: “Trước đây, tôi có nuôi heo nhưng bờ sông sạt lở khiến chuồng heo cũng trôi xuống sông. Đã vậy, tình trạng sạt lở còn khiến bờ sông trở nên dốc hơn mỗi khi gặp mưa lớn cùng với triều cường, đất ở bờ sông cứ trồi dần xuống sông. Đến nay, mép bờ sông cách nhà tôi chỉ 0,5m và khoảng cách này có thể rút ngắn thêm vì đang là mùa mưa”. Chia sẻ nỗi lo của hàng xóm, chị Phạm Thị Ngọc Uyên chỉ tay vào “hàm ếch” ở bờ sông sau nhà nói: “Trước đây, từ nhà tôi đến bờ sông gần 10m nhưng đến nay chỉ khoảng 3m vì bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Nhờ bụi cây tầm vông chắn ngang nên quá trình sạt lở chậm lại, nhưng không biết bụi cây trụ được bao lâu nữa. Đề phòng chuyện bất trắc, chúng tôi rào lưới B40 và hạn chế sinh hoạt gần bờ sông vì sợ nguy hiểm”.

Nhiều hộ dân ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên có nguy cơ mất nhà, mất đất vì tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai 

Nhiều hộ dân tại ấp 3, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên cũng đang trong tình cảnh tương tự vì xuất hiện 3 điểm “nóng” sạt lở với chiều dài từ 70 - 100m, khoét sâu vào bờ đến 10m. Đây là những điểm sạt lở mới xuất hiện trong 2 năm gần đây. Theo người dân địa phương, các điểm sạt lở trên không dừng lại vì nước sông chảy rất xiết vào mùa mưa.

Người dân lo lắng

Không riêng gì ở huyện Bắc Tân Uyên, một số địa phương trên địa bàn TX.Tân Uyên cũng tồn tại nhiều “điểm nóng” sạt lở, khiến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Điển hình tại xã Thạnh Hội, nhiều người dân sống cạnh sông cũng đang lo lắng trước tình trạng sạt lở đất. Theo người dân, trong 5 năm gần đây, tình trạng sạt lở tại các đoạn sông ở khu vực ấp Thạnh Hiệp và Tân Hội diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa khiến ảnh hưởng đến nền đất ở bờ sông. Ông Hồ Văn Nghĩa, người dân sống hàng chục năm cạnh bờ sông cho biết, thời gian qua diện tích đất của gia đình ông ngày càng bị thu hẹp do việc sạt lở bờ sông. Chỉ tay về cây mít nặng trĩu trái đang có nguy cơ bị sông cuốn trôi mất, ông Nghĩa cho biết: “Trước đây, từ cây mít đến bờ sông khoảng gần 10m nhưng đến nay chỉ còn 3m, ước tính chúng tôi mất gần 200m2 đất cùng nhiều cây ăn trái. Không những thế, con đường liên tổ ven sông dài gần hơn 300m cũng chìm xuống sông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Chúng tôi sinh sống nhiều thế hệ ở đây và chưa bao giờ thấy tình trạng sạt lở nặng nề như vậy”.

Người dân ở ấp Tân Hội cho biết thêm, trên địa bàn ấp hiện có 2 điểm “nóng” sạt lở đe dọa đến đất sản xuất cùng nhiều nhà dân sống dọc nhánh sông con và sông lớn (sông Đồng Nai). Điểm thứ nhất từ nhà ông Lê Hoàng Dũng đến nhà ông Hồ Văn Nghĩa với chiều dài 300m. Điểm thứ 2 từ nhà ông Mai Văn Cường đến nhà ông Võ Văn Quảng với chiều dài 500m. Nếu 2 điểm sạt lở trên không được nhanh chóng khắc phục thì có thể “cổ rùa” này sẽ tách ra khỏi cù lao Thạnh Hội và có nguy cơ biến mất vì hiện nay khoảng cách ngắn nhất từ nhánh sông lớn đến nhánh sông con chỉ còn 80m.

Trong khi đó, từ nhiều năm qua, hàng chục người dân phường Thạnh Phước đứng ngồi không yên vì khoảng cách từ bờ sông đến nhà ở đang ngày càng rút ngắn. Không những thế, người dân địa phương còn lo lắng đình Dư Khánh (KP.Dư Khánh) vừa được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở. Ông Đỗ Thanh Tròng, ông từ đình Dư Khánh, cho biết: “Gần đây, bờ sông Đồng Nai sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến một số công trình phụ của đình. Các miếu thờ, bảng long mã đã bị xuống cấp. Nghiêm trọng hơn là cây dầu “mẹ bồng con” hơn 150 tuổi đang có nguy cơ bị ngã đổ bất cứ lúc nào vì sông Đồng Nai không ngừng xâm thực vào nền đất khu vực đình”.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 13 điểm sạt lở dọc bờ sông Đồng Nai. Cụ thể, xã Lạc An có 6 điểm, xã Thường Tân có 4 điểm và xã Tân Mỹ có 3 điểm. Trong đó, có 6 điểm sạt lở xuất hiện từ trước khi chia tách và thành lập huyện Bắc Tân Uyên. Năm 2014 xuất hiện 5 điểm, năm 2015 có thêm 1 điểm và năm 2016 xuất hiện thêm 1 điểm sạt lở mới. Mỗi điểm sạt lở có chiều dài từ 40 - 100m và “ăn” sâu vào bờ từ 3 - 10m. Tình trạng sạt ven sông Đồng Nai diễn ra trên địa bàn huyện chủ yếu ảnh hưởng đến phần đất ở, đất canh tác sản xuất của nhân dân.

Tương tự, tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai cũng đang gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của một số người dân phường Uyên Hưng, phường Khánh Bình, xã Thạnh Hội, phường Thạnh Phước và phường Thái Hòa (TX. Tân Uyên). Trong đó có 83 hộ dân có nhà ở cách bờ sông từ 2 - 14m thuộc diện phải di dời.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước, cho biết: “Hàng năm, UBND phường đều thành lập tổ đánh giá tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai, đồng thời đến từng hộ dân ghi nhận lại ý kiến của người dân để xem xét mức độ ảnh hưởng. Tính đến tháng 5-2017, địa phương có 31 hộ dân có nguy cơ sạt lở. Các hộ dân này có nhà cách bờ sông từ 1 - 8m. Trong đó có 2 điểm có nguy cơ sạt lở ở KP.Dư Khánh và KP.Cây Da với 4 hộ dân” .

 NGUYỄN HẬU

Bài 2: Nguyên nhân nào khiến dòng sông Đồng Nai trở nên “hung dữ”?

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên