Cảnh giác cuối năm

Cập nhật: 14-01-2011 | 00:00:00

Mua bán cuối năm thường có yếu tố “chụp giựt” với đủ mọi chiêu thức, mà đơn giản nhất là “đại hạ giá 50%”. Nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi xuất hiện khiến người mua hàng dễ dàng lâm nạn. Giới thương buôn đau đầu vì bị mạo danh làm mất uy tín...

 Chẻ tiền!

Hiện nay ở địa bàn huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xuất hiện bọn tráo tiền nhanh như ảo thuật. Các cửa hàng kinh doanh là đối tuợng để bọn lừa đảo này nhắm vào. Nhiều người đã bị lừa mất cả chục triệu đồng để rồi chỉ biết kêu...trời!

 Chị Đặng Thị Hà chủ cửa hàng kinh doanh máy tính ở xã Hoa Thành, Yên Thành kể: “Buổi sáng em vừa mở cửa hàng thì có 2 khách một nam một nữ trạc khoảng 40 - 45 tuổi đi trên một xe máy vào hỏi mua 4 màn hình Samsung. Thống nhất giá là 2.480.000 đồng/cái. Khi gói hàng xong họ trả cho em loại tiền 2.000, 5.000 và 500.000 đồng. Tiền lẻ họ để phía trên, tiền 500.000 đồng bỏ phía dưới. Em đếm xong, người phụ nữ bảo “để chị kiểm lại chút”. Chị ta kiểm lại tiền thì người đàn ông hỏi hết cái nọ đến cái kia. Khi em cầm lại tiền thì họ lại hỏi mua một số linh kiện khác nhưng chẳng lấy. Ôm hàng đi khỏi, họ còn ngoái lại hỏi đủ thứ về giá cả của mặt hàng điện tử. Tưởng là sáng nay may mắn bán được hàng nhưng khi kiểm lại tiền thì ôi thôi mất tiêu 9 triệu đồng, chỉ còn lại cục tiền lẻ! Thì ra, khi chúng bảo kiểm lại tiền là lúc chúng rút tiền loại 500.000 đồng phía dưới. Trong lúc thằng kia hỏi để đánh lạc hướng gây mất chú ý nên em không nhận ra”.

Cũng với thủ đoạn trên, bọn chúng đã lừa được nhiều người kinh doanh các mặt hàng ở địa bàn Yên Thành và Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Trường hợp gần đây nhất là chị Phan Thị Bình bán sim thẻ điện thoại ở Diễn Thái, Diễn Châu cũng bị chúng dùng “ảo thuật” lấy mất 10 triệu đồng.

“Những ngày giáp tết với lưu lượng khách hàng tăng, là thời điểm béo bở, thuận tiện cho bọn lừa đảo kiểu “ảo thuật” này hành nghề. Bà con kinh doanh, bán hàng cần cảnh giác cao độ khi mua, bán hàng”. Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo.

Chưa cầm cháo, chớ vội đưa tiền

Cuối năm 2010, giới kinh doanh qua mạng ở TP.HCM đã hỗn loạn vì trường hợp lừa đảo của một cao thủ trẻ tên Thạch Sĩ Châu (quận 8). Châu đã lừa đảo cả trăm người tới hàng trăm triệu đồng từ việc buôn bán qua mạng. Châu lập trang web camerajapan123.110mb.com để bán các loại máy ảnh qua mạng, sau đó đăng quảng cáo về website của mình tại nhiều trang mua bán trên mạng... Trên thực tế, Châu không hề có cửa hàng cũng như không có chiếc máy ảnh nào, nhưng khi ai có nhu cầu mua máy thì đối tượng yêu cầu phải đặt trước 20% giá trị và chuyển khoản vào tài khoản của Châu dưới một cái tên giả. Sau khi mọi người đã chuyển tiền thì Châu ra rút hết số tiền đặt cọc đó, còn người mua thì vẫn cứ dài cổ mà chờ máy...

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh qua mạng, người mua hàng chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch uy tín, bảo đảm quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. Nên tìm kiếm thông tin về mặt hàng, các đặc tính kỹ thuật, hình ảnh ở nhiều góc độ. Kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, email...), có thể sử dụng cách tìm kiếm trên Google để kiểm tra. Tìm hiểu chính sách mua bán, quy định, bảo hành. Đặc biệt nên chọn lựa hình thức thanh toán an toàn, nên sử dụng phương thức thanh toán tạm giữ để bảo đảm được bồi hoàn tiền khi có sự cố xảy ra. 

Hồn Trương Ba, da hàng thịt!

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, những dòng xe tay ga đã qua sử dụng được trưng bày nhiều hơn xe số. Theo dân “thợ”, vì xe tay ga được khách chuộng và thịnh hành nên giá xe rất cao, xe cũ chỉ bằng 1/4 đến 1/2 giá xe mới nên được nhiều người chuộng. Nhưng khi lựa chọn xe tay ga cũ, người mua nên thận trọng, bởi dân buôn xe có hàng trăm mánh khóe “móc túi” người mua.

Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Văn Nhương ở Hà Nội. Sợ dịp tết xe đắt, cuối năm anh đã mua một chiếc xe Spacy cũ ở chợ, xe với giá 68 triệu đồng. Chiếc xe có hình thức như chiếc xe đời mới, nhưng giá chưa bằng 1/4. Xe đi chưa đầy tháng thì bắt đầu “đổ bệnh”: sơn vỏ bắt đầu tróc, liên tục phải thay cục nạp, máy kêu như máy cày... Anh Nhương mang xe ra tiệm quen, thợ thông báo, xe của anh là dạng “bình cũ ruột mới”. Chiếc xe này có năm sản xuất là 1998 (dạng hàng bãi) được đăng ký ở Sài Gòn. Do người tiêu dùng ở Hà Nội đang chuộng loại xe này, nên xe được chuyển từ Sài Gòn ra, kèm theo bộ hồ sơ (gọi là xe rút hồ sơ) đăng ký mang biển số mới ở Hà Nội và được dân thợ xe ở đây “dọn dẹp”, sơn tút “mông má” thành xe mới. Giá trị thực của chiếc xe này tại Sài Gòn chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/xe (tùy chất lượng).

Tương tự như vậy, với dòng xe SH, loại sản xuất năm 2008, màu nâu cà phê đang được dân chơi xe ưa chuộng nên giá thành đội lên rất cao (đắt hơn cả đời 2010). Dân thợ đã tập hợp khoảng vài chục xe đời thấp hơn, thậm chí cả đời cao hơn hoặc cùng đời nhưng khác màu sơn, rồi rút hồ sơ chuyển về các tỉnh khác (chủ yếu ở Sài Gòn) để đăng ký, sau đó rút toàn bộ hồ sơ những xe này chuyển ngược trở ra Hà Nội đổi màu sơn thành màu nâu cà phê và đăng ký biển mới. Thực hiện chu trình này mất rất nhiều công đoạn, chi phí cho mỗi đầu xe từ 5 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xe đã về biển số mới ở Hà Nội và ra màu sơn nâu cà phê, lãi thu được cũng từ 1.000 - 1.500 USD/chiếc.

Nhà mạng vô can?

Chuyện tin nhắn lừa đảo “dụ” các chủ thuê bao soạn tin “cách X cách Y”  ngày càng tinh vi hơn do các tin nhắn sử dụng hàng loạt chiêu thức giả mạo thân thiện, khiến không ít khổ chủ dùng di động lầm tưởng được ai đó quen biết gửi cho, chỉ đến khi tài khoản bị trừ tiền, họ mới “ngã ngửa” nhận ra mình đã bị lừa!

Không chỉ ăn theo các nhà mạng, tin nhắn lừa đảo qua điện thoại di động còn ăn theo vào những dịp lễ lớn, nhất là mùa tết. Các tin nhắn thường vẫn có những nội dung: “Bạn nhận được quà tặng năm mới từ tổng đài 1900xxxxx là cài đặt GPRS tự động cùng 5 hình nền và 5 nhạc chuông hot nhất. Để nhận, bạn soạn tin AGA gửi 8714” hay “nhắn tin xem hướng xuất hành may mắn đầu xuân thấy hay lắm, bạn thử coi”: Soạn TET NAM/NU - ngày sinh (VD bạn là nữ, soạn: TET NU 26.10.1986) gửi 8775”... Tinh vi hơn, các tin nhắn lừa đảo này còn lợi dụng cả những chiêu khuyến mại, dịch vụ của nhà mạng để lừa khách hàng, như: “Có người tặng bạn bài hát. Để biết tên và số điện thoại của người đó, soạn tin XYZ gửi 67xx..” hay “TB 0912... được một người bạn gửi tới bộ hình ảnh hot nhất cùng lời nhắn qua TD 6786. Soạn tin CN 2 gửi 6786 để tải về và biết tên người gửi”...

KHÁNH VÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=536
Quay lên trên