Cảnh giác khi… chơi hụi!

Cập nhật: 10-08-2013 | 00:00:00

  Nhiều nạn nhân tham gia dây hụi của bà Đ. ở xã An Sơn, TX.Thuận An bức xúc, trình bày sự việc (ảnh tư liệu)

 Luật quy định chưa chặt!

Theo quy định tại điều 479 Bộ luật Dân sự (BLDS) thì: Hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là hụi) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán; trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức của hoạt động này nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân và không được tổ chức dưới hình thức cho vay nặng lãi. Hướng dẫn cho điều này, Nghị định 144/2006/ NĐ-CP ngày 27-11-2006 đã đưa ra các chế định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này nhưng cũng chỉ là chung chung. Hiện tại vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi: trường hợp bể hụi nào thì bị khởi tố hình sự, trường hợp nào là giao dịch dân sự. Do đó, trong nhiều trường hợp vỡ hụi xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, các chủ hụi không hề bỏ trốn. Nhiều chủ hụi còn thừa nhận là có nhận tiền từ người tham gia và hứa sẽ trả nhưng không biết đến khi nào!? Do đó, trong trường hợp này thì các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự!

Để có cơ sở xem xét khởi tố chủ hụi về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS, thì dấu hiệu bắt buộc là chủ hụi đã bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường rất yếu. Một phần là do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng lời nói, khi xảy ra vỡ hụi lại không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Còn việc xem xét có xử lý chủ hụi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không thì phải chứng minh được rằng: chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản, mới có thể khởi tố theo điều 139 BLHS. Trong thực tế, ít cơ sở để xác định ngay từ đầu là chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối; bởi vì các chủ hụi thường tỏ ra “rất uy tín” ngay từ lúc đầu nhằm tạo lòng tin và khi đến thời điểm “chín muồi” thì mới tuyên bố… bể hụi!

Vì vậy, hầu như những vụ bể hụi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; khi nạn nhân đến cơ quan có thẩm quyền để trình báo vụ việc đều được hướng dẫn khởi kiện ra tòa để giải quyết theo trình tự thủ tục của một vụ kiện dân sự. Tuy nhiên, một khi chủ hụi đã “dám tuyên bố” vỡ hụi thì việc khởi kiện để đòi lại tài sản là một quá trình “vô cùng gian khổ” và khả năng bị “mất cả chì, lẫn chài” của các hụi viên là rất cao; vì khi tuyên bố “bể hụi” thì kể như chủ hụi đã không còn tài sản hoặc có còn thì cũng chẳng đáng bao nhiêu! Do đó, lúc này những người tham gia chơi hụi chỉ mong lấy lại được phần tiền gốc đã là may lắm rồi, chứ dám nói gì đến đòi… lãi suất!

Cẩn trọng khi tham gia chơi hụi!

Hụi là một giao dịch dân sự hợp pháp được quy định trong các văn bản pháp luật; tuy nhiên trong quá trình tham gia chơi hụi, có thể vì quá tin tưởng vào chủ hụi hoặc thấy lãi suất quá cao nên họ cứ “nhắm mắt đưa tiền cho chủ hụi” mà không cần bất cứ giấy tờ, biên nhận gì. Thế rồi, đến khi chủ hụi tuyên bố bể hụi thì họ mới giật mình “than trời, trách đất” vì khoản tiền tham gia chơi hụi xem như mất trắng; bởi lúc này có khởi kiện sự việc ra tòa thì lấy cơ sở nào để chứng minh mà đòi lại tài sản!?

Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi vụ việc vỡ hụi xảy ra, những người tham gia chơi hụi cần có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền. Cần thiết, có thể chụp hình và ghi âm lại những cuộc đối thoại giữa các bên liên quan; bởi vì đây là một trong những bằng chứng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tham gia chơi hụi.

Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, cần xác định rõ sự vi phạm và ý chí chủ quan của người vi phạm là chủ hụi. Không hình sự hóa quan hệ dân sự nhưng cũng không dân sự hóa quan hệ pháp luật hình sự. Để chứng minh sự vi phạm hình sự không quá khó; ngay từ dấu hiệu của chủ hụi dùng hành vi hốt hụi thay cho các thành viên và gian dối trong việc công bố người hốt hụi. Dù chủ hụi không bỏ trốn, hành vi này cũng đã hội đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 BLHS. Nếu chủ hụi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS.

Vay tiền ngân hàng để… chơi hụi!

Cách đây gần 2 năm, báo Bình Dương có bài phản ánh về tình trạng bể hụi ở xã An Sơn, TX.Thuận An. Đây là vụ bể hụi khá lớn với số tiền ước tính hơn 10 tỷ đồng. Sau khi chủ hụi là bà Đ. tuyên bố “bể hụi” thì nhiều hụi viên như “ngồi trên lửa”; vì có người đã đi vay ngân hàng để… chơi hụi! Như trường hợp của bà V. đã đi vay vốn từ ngân hàng để tham gia chơi hụi, với số tiền lên đến 675 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có không ít gia đình thuộc diện khó khăn cũng vay tiền của ngân hàng chính sách để tham gia… chơi hụi. Do đó, khi bà Đ. tuyên bố bể hụi, đông đảo cư dân ở xã An Sơn xôn xao, rúng động!

Luật gia XUÂN LẠC - NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=642
Quay lên trên