Cảnh giác trước “ma trận” lừa đảo qua mạng

Cập nhật: 14-09-2023 | 10:44:23

Đang ngồi nói chuyện với mấy người bạn trong khu nhà trọ ở TP.Tân Uyên, điện thoại của chị T. liên tục đổ chuông. Chị nửa muốn nghe, nửa muốn không. Từ khi bị các số máy lạ gọi vào chào mời, rủ rê đủ các kiểu làm ăn, chị T. trở nên “dị ứng” với các số điện thoại lạ…


Một đối tượng tham gia nhóm chuyên lừa trên không gian mạng bị Công an tỉnh Bình Dương triệt xóa. Ảnh: CABD

“Sợ” số điện thoại lạ

Đó là tâm sự của chị T. (ngụ TP.Tân Uyên) khi thời gian qua chị liên tục bị các số điện thoại lạ gọi lôi kéo tham gia các công việc làm thêm, nhưng theo chị, thực chất đây là trò lừa đảo.

Mới đây nhất, tối 3-9, khi đang ngồi với bạn trong khu nhà trọ thì điện thoại của chị nhận được cuộc gọi của một số máy lạ với số đuôi là … 974 gọi vào rủ tham gia “đánh giá sao cho phim với thu nhập từ 300-500 ngàn đồng/ngày”. Mặc dù lúc này đã hơn 20 giờ tối nhưng thấy chị T. hỏi tới, một người nữ tự xưng là nhân viên của một công ty truyền thông cho biết chị T. có thể tham gia làm việc ngay và lãnh tiền liền.

Theo nhân viên này, hiện công ty chị ta đang hợp tác với các nhà phát hành phim để “đánh giá sao” cho các phim. Người được chọn chỉ cần kết bạn qua địa chỉ bên công ty chỉ định, không cần nộp tiền, hồ sơ, chỉ cần làm theo hướng dẫn thì sẽ tự động có tiền chuyển vào tài khoản đều đều mà không mất công gì lại vừa thỏa đam mê xem phim, vừa có thu nhập cao. Tuy nhiên, khi chị T. yêu cầu nữ nhân viên nọ kết bạn với chị qua Zalo bằng số chính chủ thì đầu dây bên kia ậm ờ rồi cúp máy.

Ngày hôm sau, chị T. gọi lại số điện thoại có đuôi là … 974 thì đầu dây bên kia bật chế độ nghe nhưng không có ai trả lời mà lại vang lên lời bài hát đang thịnh hành hiện nay với một giọng ca nữ ngân nga “Cùng bên nhau mai sau là điều ước muốn lớn nhất…”. Lúc này phí cước điện thoại của người gọi đang bị trừ.

Phản ánh đến Báo Bình Dương, anh V.L cho biết nhờ đọc được nhiều thông tin cảnh báo trên các báo chí chính thống mà anh đã tránh được “bẫy” nghe nhạc được lãnh lương. Theo anh L., anh nhận được cuộc gọi của một cô gái tự xưng là nhân viên công ty truyền thông muốn tìm người nghe nhạc để… trả lương. Khi anh L. đồng ý tham gia thì có một số điện thoại khác gọi cho anh và yêu cầu kết bạn qua Zalo với tài khoản Tran Bao.

Qua trao đổi, người này mô tả công việc hết sức hấp dẫn: Do yêu cầu tăng lượt nghe của nghệ sĩ nên phía công ty sẽ chuyển một đường link bài hát cho anh L., nhiệm vụ của anh là chỉ nghe và “thả tim”. Mỗi bài hát sau khi nghe xong và “thả tim”, sau đó chụp ảnh màn hình gửi cho nhân viên công ty, anh L. được trả 10.000 đồng. Mỗi ngày được nghe tối đa 7 bài hát. Ngoài ra bên công ty sẽ trả “tiền lương” cho anh mỗi ngày là 300.000 đồng vào 20 giờ hàng ngày.

Mới nghe mô tả công việc, anh L. đã thấy mê ngay vì đúng sở thích của mình là nghe nhạc, nhưng lần này vừa được nghe nhạc là vừa có tiền. Thấy anh L. tỏ ra hào hứng, đối tượng dẫn dụ anh vào một “mê cung” với các bước như tải ứng dụng về điện thoại để thực hiện quy trình tiếp theo của công việc. Lúc này đối tượng luôn hối thúc anh L. thực hiện vì đã “gần khóa sổ số người được nhận trong ngày”. Tuy nhiên, được biết ứng dụng này tự xóa tin nhắn, có thể gây khó khăn cho việc chứng minh các giao dịch nên anh L. chần chừ. Khi nhân viên ra sức thuyết phục anh L. không được thì bỏ cuộc. Hôm sau tài khoản Tran Bao cũng tự xóa khỏi danh bạ Zalo của anh L.

Số vụ việc bị lừa ngày càng tăng

Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã liên tục cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội với thủ đoạn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà của bị hại. Công an tỉnh cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa cho người dân để nâng cao cảnh giác đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng internet và mạng xã hội.

Theo đó, người dân không tham gia đầu tư qua không gian mạng và chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Đặc biệt không nhấn vào các đường link lạ cũng như nghe lời rủ rê việc nhẹ lương cao rất dễ bị lừa… Tuy nhiên, hiện nay khi số người thất nghiệp tăng, nhiều người muốn tìm một công việc để có thu nhập, thế là họ trở thành “mồi” để các đối tượng “giăng bẫy”.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Công an Bình Dương đã tiếp nhận 42 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền bị chiếm đoạt là 58 tỷ đồng. Trong năm 2022, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã tiếp nhận gần 50 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận). Trong đó thủ đoạn tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử làm nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng, tăng tương tác, doanh số… theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi, sau đó chiếm đoạt đang khá phổ biến.

Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội


Một tin nhắn với lời mời chào tham gia nhóm để được “nghe nhạc và lãnh lương”

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet cho bất kỳ ai không quen biết.

Người dân không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời, chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường…

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3500
Quay lên trên