Cảnh giác trước những rủi ro thương mại

Cập nhật: 13-10-2023 | 08:56:26

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không chỉ đối diện với rủi ro lừa đảo thương mại, mà còn đối diện với nguy cơ mất “cả vốn lẫn lời” khi đối tác nhập khẩu tuyên bố phá sản hay bảo hộ phá sản.

Một nhà phân phối, nhà sản xuất và bán lẻ đồ nội thất gia đình trong nhà và ngoài trời với hệ thống phân phối trên khắp các kênh thương mại điện tử của Hoa Kỳ mới đây đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ đã dấy lên sự lo ngại cho các DN ngành gỗ ở thời điểm khó khăn hiện nay. Theo các DN trong ngành gỗ, việc nộp đơn bảo hộ phá sản, các khoản nợ đối với các đối tác trước mắt đều phải dừng trả và việc nhận hàng cũng sẽ bị đình lại.

Sau khoảng 30-60 ngày, khi bước đầu tòa án chấp nhận việc cơ cấu do nhà mua mới hay tái cơ cấu lại, DN sẽ có thể lấy lại hàng. Về các khoản nợ cũ, các nhà cung cấp sẽ phải thương lượng với lãnh đạo mới của DN. Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi các DN xuất khẩu có thể mất vốn. Việc DN chờ để đòi được các tài sản đã bán theo phán quyết của Tòa án Hoa Kỳ cũng là một điều khó khăn.

Còn nhớ, Công ty Cổ phần Lâm Việt cách đây 2-3 năm cũng vướng vào việc này tại thị trường Anh. Lâm Việt mất khoảng 2,6 triệu đô la Mỹ (tương đương 62 tỷ đồng do đối tác nợ), ngoài ra vẫn còn hàng tồn kho. Không chỉ có Lâm Việt mà còn nhiều DN khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ không chỉ nợ nhà cung cấp của Việt Nam mà còn nợ các nhà cung cấp ở các nước khác.

Trước thực trạng này, các DN cần các đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài vào cuộc, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền các nước nhằm nắm bắt tình hình và xử lý các tình huống xảy ra. Để từ đó, hỗ trợ DN có thể tham gia vào quá trình theo dõi, quản lý, giám sát và thu hồi nợ một cách tốt nhất. Về phía các DN cũng cần phải gắn kết, trao đổi với nhau nhằm nắm bắt thông tin từ các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần hoạch định, xây dựng cơ chế tài chính phòng ngừa rủi ro. Vấn đề lớn nhất cần xem lại là khoảng trống bảo hiểm rủi ro cho các DN xuất nhập khẩu rất lớn khi phần lớn các DN xuất khẩu không có các biện pháp phòng ngừa với tình huống đang xảy ra.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên