Cảnh giác với cái bang thời... hội nhập!

Cập nhật: 17-12-2011 | 00:00:00

Vốn là đất tứ xứ nên ăn xin ở Sài Gòn cũng đến từ khắp nơi, thậm chí không chỉ Việt Nam mà còn từ “ngoại quốc”. Một số dân xứ Chùa Tháp lưu lạc qua Sài Gòn, thường trú ngụ quanh quẩn khu Cầu Hang Gò Vấp, ở đường Lý Thái Tổ, An Dương Vương.

Rất dễ nhận ra những đứa bé nước da đen nhẻm đặc trưng nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ riêng của chúng và hoàn toàn không hiểu tiếng Việt. Người lớn cũng vậy, cả gia đình lưu lạc đủ đàn ông, đàn bà ngồi túm tụm với nhau không thể giao tiếp với ai được do rào cản ngôn ngữ.

Khu Tây ba lô đường Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão thường có cầu thủ đá banh từ châu Phi sang lập nghiệp, vì đồn qua miệng nghe nói nhiều anh chàng sang trước ký được các hợp đồng béo bở. Không tìm được cơ hội và ở lâu cạn tiền hết đường xoay sở, họ thường loanh quanh, ăn thức ăn thừa ở các quán ăn, ngủ hàng hiên khách sạn, đôi khi may mắn gặp đồng hương cho lên phòng tắm nhờ và thỉnh thoảng được khách du lịch cho chút ít tiền sống lây lất không biết đến khi nào. Đây cũng là dạng cái bang thời hội nhập. 

Giữa dòng xe tấp nập cái bang nhỏ tuổi này vẫn len lỏi kiếm tiền

Ðặc biệt sau mỗi vụ thiên tai bão lụt, rét lạnh, hạn hán, dịch bệnh phá hoại mùa màng thì số dân phiêu bạt càng gia tăng. Xứ lạ quê người đâu có biết làm gì, không vốn liếng, sức lực, họ hàng quen biết... nên người già, trẻ con mau lẹ trở thành ăn mày. Những người này thường thuê nhà trọ ở gần nhau. Ban ngày họ tỏa đi khắp nơi, tối về quây quần với nhau nương dựa. Có nhiều hình thức để phô trương “bày hàng” trong lúc “hành nghề”. Một số mặc quần áo dơ bẩn rách rưới, đầu bù tóc rối ra vẻ thảm hại, ngoài ra chân còn khập khiễng chống nạng hay tay khoèo cán vá khêu gọi lòng trắc ẩn. Riêng “cốc” lết, tức là những hành khất vốn tật nguyền thực sự hay giả dạng thương tật với những vết thương lở loét tự tạo, nằm trên tấm ván gắn bánh xe lết đi khắp nơi quá bêu riếu, bây giờ hầu như không còn thấy ở trung tâm thành phố do bị truy quét, thu gom vào trung tâm xã hội. Nếu không phải thế thì bà bầu hoặc trẻ sơ sinh cho uống thuốc an thần bế lắt lẻo trên tay. Mấy bà ăn xin chuyên nghiệp lúc nào cũng vác bụng bầu. Khi đẻ rồi có thể bế con đi xin hoặc cho người khác thuê đứa bé ấy bồng đi xin. Lỡ có bị công an hốt cũng sớm được thả do ưu tiên bụng bầu, con nhỏ. Thật là một công lợi đôi chuyện!

Nhiều người ngửa tay, chìa mũ không ai cho thì im lặng qua chỗ khác. Có điều cứ “lịch sự” như thế e suốt ngày kiếm ăn chẳng bao nhiêu nên trẻ con dai dẳng nhất định lẳng nhẳng theo khách hoặc đứng lì một chỗ ăn vạ cho đến khi nào “con mồi” chịu hết nổi, đành xì tiền ra cho đỡ bực. Trường hợp này thường xảy ra ở các khu du lịch khiến du khách hết sức ngán ngại, không kể tuy tiếng là ăn xin nhưng gặp khách lơ là, nhóm cái bang này không bỏ lỡ cơ hội ra tay móc túi, cướp giật ngay. Gặp bồ bịch đi chơi với nhau, để tận dụng giây phút quý báu bên nhau được tự do, được riêng tư không bị quấy nhiễu và nhất là tỏ ra rộng rãi, không phải người keo kiệt, có lòng thương người khốn khó... trước mặt nàng thì chàng đành phải rút ví dù chẳng vui tí nào.

Dạng cái bang khác: Ăn xin kể lể không ngưng đầy mủi lòng về vết mổ trốn bệnh viện, vợ chết con đau, nhà cháy, mất cắp không tiền mua vé xe về quê, bị giật xấp vé số... Ấn tượng nhất là màn ngã lăn đùng mặt đất lên cơn động kinh thình lình, sùi bọt mép, tay chân giãy tê tê. Tiết mục này hấp dẫn và tập luyện không khó lắm. Không người nào ngoài giới có thể tưởng tượng để gán ghép cho bản thân mình nhiều tai ương đến vậy. Hoạn nạn càng thảm thiết càng lôi cuốn lòng thương hại, càng dễ ăn tiền. Tuy nhiên giọng điệu kiểu này quá quen thuộc, dần dần không ai tin nữa vì nghe mãi thành nhàm.

Phương thức ăn xin ngày càng được cải tiến hết sức mới mẻ và hợp pháp. Dân ăn xin không cần ăn mặc bẩn thỉu, vá víu khiến người ta dễ ngại ngần xa lánh, vả lại quần áo cũ hiện nay bán từng bành qua đường biên giới Tây Ninh, An Giang rất rẻ, 10.000 đồng một chiếc áo thun hay sơ mi, 15.000 đồng một quần tây khá mới và đẹp thì hình ảnh bộ quần áo dơ cũ ở thành phố có một vẻ gì hơi “phô trương”!

Hành khất thời nay ăn mặc sạch sẽ, mặt mũi có vẻ hiền lành xòe cho thấy trong lòng bàn tay một tấm thẻ photo bọc plastic đàng hoàng. Tấm thẻ mờ nhòe nhoẹt không đọc ra chữ và dĩ nhiên chủ đích là không để ai đọc thấy một nơi chốn, tên tuổi cơ sở nào cả. Chủ nhân sẽ “thông dịch” tấm thẻ để chứng nhận cho nguồn gốc đàng hoàng của mình là xuất thân từ một mái ấm, nhà tình thương hay là giấy chứng nhận nghèo... với đầy đủ “lý lịch” là tên tuổi, năm sinh, quê quán, địa chỉ... nào đó. Tuy không cách nào đọc nổi và cũng không ai có ý định đọc hiểu nghĩa cho bằng được nhưng rõ ràng một thứ giấy tờ có in chữ nghĩa gì đó với con mộc to nhỏ đóng chỗ này chỗ nọ, theo thói quen, đã tạo niềm tin khá chắc. Vì thế lúc mới xuất hiện, dân cái bang loại này cũng kiếm ăn được kha khá rồi mau chóng lụi tàn.

Người ta đâu có bị gạt hoài nên các thứ “hồ sơ” đó nhanh chóng mất hiệu lực. Khoảng vài năm nay xuất hiện kiểu ăn xin mới. Một đứa bé, thậm chí cậu thiếu niên 15, 16 tuổi quỳ gối xuống đất xòe tay. Không van xin ỉ ôi, cũng không giấy má chứng thực. Loại này trông đầy vẻ “nô lệ” quá nên không thấy xuất hiện ở khu trung tâm thành phố mà thường ở nơi đông đúc có phần bình dân. Quán cà phê vỉa hè khu vực Hàng Xanh, một cô bé như vậy từ đâu không biết bất ngờ quỳ trước mặt khách một cách lanh lẹ. Nhiều khách ngạc nhiên hỏi thăm nhưng bé nín lặng không nói, lại đứng lên quỳ sang bàn khác rất nhanh, biến mất trong chớp mắt một cách rất chi chuyên nghiệp. Có người rút máy ảnh ra nhưng anh bạn ngồi cùng bàn ngăn ngay: “Chụp lén thôi, có đầu nậu đi cùng đó, nó gây sự với mình bây giờ...”.

Quả nhiên, cách vài thước là một thanh niên độ ngoài 30 tuổi lững thững theo sau cô bé như người đi đường ngẫu nhiên. Màn “trình diễn” quá đỗi giả tạo và cảnh người ăn xin quỳ dưới đất khiến khách khó chịu chứ không động lòng nổi. Bang chủ Cái Bang trong kiếm hiệp là Kiều Phong, một hảo hán khiến nhiều người thích chọn tên chàng làm biệt hiệu, nhưng đứng đầu của lũ ăn mày ngoài đời hiện nay lại là những kẻ bất nhân mệnh danh “đầu nậu”. Một tên đầu nậu chăn đám nô lệ xua đi khắp nơi xin tiền để mang về nộp hàng ngày nuôi hắn phủ phê. Nguồn nô lệ thường là già cả, trẻ em, người tàn tật... dụ dỗ từ các làng xã nghèo mang đến thành phố lớn, thậm chí mang qua Campuchia, Thái Lan... ăn xin.

Bọn trùm mỗi ngày thả họ đến địa điểm nào đó hẹn giờ lại đón, họ tự lang thang xin để cuối ngày tự quay về nộp tiền hoặc bọn chúng ngồi gần canh chừng. Trong khi bọn trùm tụ tập đánh bài, ăn quà, nhậu nhẹt, tán gẫu với nhau, lũ nô lệ không dám xao nhãng công việc, càng không dám trốn để mỗi người có thể mang về nộp khoảng 200.000 hay 300.000 đồng mỗi ngày mà vẫn bị đánh đập, chửi mắng, hành hạ bỏ đói.

Ði lang thang không bờ bến nhất định tiện đâu ghé đó là dân cái bang một thân một ngựa. Còn chiếm lĩnh một khoảnh thị trường đông đúc béo bở nào đó thường là nhóm 5 - 7 người chia nhau ra người đầu này, người đầu kia hoặc hai ba đứa bé cùng nhóm tuổi xô đẩy, tíu tít với nhau quần khắp khu vực không bỏ sót chỗ nào. Khu Bình Hưng Hòa trước đây ai cũng biết một ông ăn mày mập mạp, cụt chân di chuyển bằng hai chiếc ghế nhỏ. Khu này gần nghĩa trang và đài hỏa táng là nơi vì thương tưởng đến người quá vãng nên người sống dễ móc túi hào phóng. Ông ăn mày Bình Hưng Hòa chỉ ngửa tay xin tiền mà nuôi được vợ và ba con gái. Bà vợ sồn sồn và ba cô con gái rất xinh đẹp suốt ngày chỉ bận mỗi một việc ngồi khoanh chân, xòe tay, không phải để xin ăn kiếm sống mà là đánh tứ sắc mê mải giết thời gian.

Nay thì hành khất không còn bất đắc dĩ đường cùng mà là nghề nghiệp hẳn hoi khi Sài Gòn “đất lành chim đậu”, là thành phố đông dân, kinh tế phát triển và tính người phóng khoáng. Một ông già trước đây ngồi ăn xin ở Cầu Kho (khu này hiện đã giải tỏa) từ mấy chục năm qua, nhờ đó mà ông nuôi các con khôn lớn. Nay con cái đứa đi làm, đứa lấy vợ lấy chồng đều đủ sống, không cần ăn mày nữa nhưng ngồi nhà cũng buồn, ông vẫn ra ngoài đường kiếm chỗ thuận tiện ngồi như nghề cũ quen thuộc khó bỏ. Tươm tất và thoải mái trong bộ pyjama, có khách thì ông chống nạng đứng lên chìa mũ ra, không khách thì ngồi xuống uống cà phê, giương mục kính đọc báo, điện thoại di động nhét trong túi khi nào con gọi ăn cơm thì về. Một công việc thích hợp với người già, hết sức an nhàn và thu lợi không hề kém!

Lẽ ấy bắt đầu xuất hiện khá nhiều ăn xin thong dong, một số người lớn tuổi nhưng chưa già yếu dù cố tình đẩy chiếc lưng to bè gù xuống, vẫn không thể che giấu được đôi mắt tinh tường...

NGUYỄN GIA ĐỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên