Gần đây, báo chí đưa tin một số người dân phải nhập viện vì ăn cây Thương lục do nhầm lẫn cây Thương lục với cây Sâm. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những thông tin về cây Thương lục do lương y Trần Đình Hợp, Chủ tịch Hội Laser y học tỉnh cung cấp nhằm giúp bạn đọc có những hiểu biết đúng đắn về cây Thương lục, tránh tình trạng sử dụng cây Thương lục một cách thiếu hiểu biết gây hậu quả đáng tiếc…
Cây Thương lục (họ Thương lục Phytoalaccaceae)
Gần đây có một số trường hợp phải nhập viện do ăn một loại cây có củ giống củ Sâm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn và co rút tay chân. Qua hình ảnh kèm theo rễ, củ cây thuốc trên, đồng thời trao đổi với các chuyên gia dược liệu và các thầy thuốc Đông y tại Bình Dương, Bình Phước có thể nhận ra cây thuốc gây ra nhầm lẫn trên chính là cây Thương lục.
Thương lục còn có tên là Trưởng bất lão, Kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb (P. esculenta Van Houtte) là cây mới được di thực du nhập vào nước ta mấy thập kỷ gần đây. Trong nước vốn có sẵn loài Thương lục Phytolacca dencandra L. còn gọi là Thương lục Mỹ (Phytolacca americana L.) hay dân gian còn gọi Sâm Voi vì cây mau lớn, sau 6 - 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm (đây chính là sự nhầm lẫn gây hậu quả đáng tiếc). Trong Thần Nông bản thảo xếp Thương lục vào nhóm “hạ phẩm” vì là thuốc có độc, không được dùng nhiều và lâu dài, nên ít được thầy thuốc sử dụng phổ biến. Cây Thương lục có chứa chất phytolaccatoxin gây co giật và kích thích tuần hoàn. Rễ Thương lục có chất độc là phytolaccatoxin, các saponin triterpen esculentosid a, b, c, d, e, f, g, h, I, k, l, m, n, o, p, q. Hạt chứa chất màu vàng: thành phần chất độc trong hạt là phytolaccatoxin tương tự như picrotoxin (theo Wealth of India vol VIII; 1969, p.42).
Mô tả hai loại Thương lục:
1. Phytolacca esculenta Van Houtte (tên đồng nghĩa: Phytolacca acinosa Roxb. Var. esculenta Mak) cây nhỏ, sống lâu năm, cao 0,4 - 1m. Rễ củ mập, hình trụ, có nhiều ngấn ngang. Thân hình trụ, nhẵn, hơi hóa gỗ ở gốc, màu lục hoặc màu tía, phân cành ở gần ngọn. Lá mọc so le, hình bầu dục - mũi mác, dài 10 - 20cm, rộng 6 - 8cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gân chính nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá dài. Cụm hoa mọc đối diện với lá thành chùm, dài hơn lá, thường cong xuống, cuống có cạnh, nhẵn; hoa màu trắng pha hồng; lá bắc 3, bao hoa có 5 phiến bằng nhau, nhọn đầu; nhị 8 - 10; bầu có 8 - 10 noãn. Quả mọng hình cầu dẹt, có 10 múi gồ lên, khi chín màu tím đen; hạt gần hình thận, màu đen bóng. Mùa hoa từ tháng 5 - 7, mùa quả từ tháng 8 - 10
2. Phytolacca decandra L. (họ Thương lục Phytoalaccaceae) cây thảo nhẵn, khỏe, cao 2 - 3m; thân và cành thường có màu đo đỏ. Lá mọc so le, đơn, hình trái xoan ngược, dài 12 - 17cm, rộng 5 - 7 cm, mép hơi lượn sóng, không có lá kèm; cuống lá rất ngắn; gân bên nối từng đôi một thành cung đến gần mép lá. Hoa trắng chuyển sang hồng, nhiều, xếp thành chùm đơn hình trụ dài 8 - 16cm, trên những cuống dài ở nách lá. Hoa có 5 lá dài, không có cánh hoa, 10 nhị đính trên một phần hoa hình dạng vòng, 10 lá noãn mọc vòng dính nhau. Quả nạc gần hình cầu với một chỗ lõm ở giữa, đỏ rồi tím đen khi chín, có 10 cạnh với 10 ô chứa mỗi ô 1 hạt. Mọc rải rác trên các ruộng, bãi hoang, nương rẫy. Ra hoa tháng 6 - 10 cho đến tháng 2 năm sau. Ở nước ta phần lớn cây trồng làm cảnh.
Tính vị, công năng:
Vị đắng, tính hàn, có độc vào 2 kinh tỳ và bàng quang, có tác dụng thông đại tiểu tiện, tả thủy, tiêu thũng, tán kết
Công dụng:
Chữa phù thủng, trương mã, cước khí, mụn nhọt, đầu đinh, vàng da. Liều dùng ngày 4,5 - 10g dưới dạng nước sắc hoặc thuốc bột. Dùng ngoài đắp tại chỗ.
Độc tính:
Trên thân Thương lục có độc, uống quá liều gây ngộ độc, thường xuất hiện sau khi dùng thuốc 20 phút đến 3 giờ. Nhẹ thì thân nhiệt tăng, tim đập nhanh, thở mạnh, nôn mửa, đau bụng, tinh thần hoảng hốt, nói lảm nhảm. Liều lớn gây liệt thần kinh, hôn mê, thở khó khăn, huyết áp hạ, tim ngừng đập gây tử vong. Biện pháp giải độc là chữa triệu chứng, dùng thuốc trợ sức. Trong dân gian có kinh nghiệm dùng cam thảo sống, đậu xanh giã giập pha nước sôi hoặc sắc nước uống.
(thực hiện) ĐỨC LÊ