Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới trên mạng xã hội
(BDO) Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới hướng đến đối tượng học sinh, phụ huynh. Theo đó, các đối tượng tạo ra những fanpage giả, chạy bài viết để đăng tải hình ảnh, thông tin về các cuộc thi, hội thi, chương trình trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa… dành cho các em thiếu niên, nhi đồng trong dịp nghỉ hè để “giăng bẫy” các em học sinh, phụ huynh, nhất là vào dịp nghỉ hè như hiện nay…
Một thủ đoạn lừa đảo hướng đến đối tượng học sinh, phụ huynh trong dịp nghỉ hè
Chiêu trò dẫn dụ
Các đối tượng lừa đảo lợi dụng học sinh đang trong kỳ nghỉ hè, dẫn dụ phụ huynh vào các trò lừa đảo trên mạng. Trên fanpage chính thức của Toyota Việt Nam đã phát cảnh báo: Cuộc thi “Vẽ tranh quốc tế Toyota - Chiếc ô tô mơ ước” do Toyota Việt Nam cùng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức đã bị một số đối tượng lợi dụng với mục đích lừa đảo, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh thương hiệu của Toyota Việt Nam. Tất cả những hình ảnh, thông tin xuất hiện trên fanpage giả mạo này đều không liên quan đến chương trình cuộc thi “Vẽ tranh quốc tế Toyota - Chiếc ô tô mơ ước”.
Chị A.T., ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, kể cuối tháng 7 vừa qua, thấy trên fanpage giả mạo đăng tải thông tin về cuộc thi “Vẽ tranh quốc tế Toyota - Chiếc ô tô mơ ước” do Toyota Việt Nam cùng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức, chị đã tìm hiểu để đăng ký cho con gái dự thi. Tuy nhiên, khi tư vấn thông tin cuộc thi này cho chị, một đối tượng đã “rào trước đón sau”, sau đó dẫn dắt chị đi “một vòng” từ Facebook đến Zalo rồi Telegram. Đối tượng cũng giới thiệu chi tiết về thể lệ cuộc thi, ban giám khảo gồm những chuyên gia mỹ thuật, nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim hoạt hình là tên tuổi các nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Giải nhất cuộc thi là phần quà trị giá 500.000.000 đồng, giải nhì 200.000.000 đồng, giải ba l00.000.000 đồng.
Sau khi hướng dẫn chị A.T. kết nối qua các nền tảng mạng xã hội, cuối cùng đối tượng đưa phụ huynh vào một nhóm trên nền tảng Telegram. Tại đây, đối tượng đề nghị phụ huynh chuyển khoản vào tài khoản cá nhân số tiền từ 500.000 đến 950.000 đồng để mua một cây viết cho mục đích vẽ tranh. Cũng trong nhóm kín này, các “chim mồi” được thả ra để xác nhận đã chuyển tiền nhằm tạo niềm tin cho các phụ huynh.
Chị A.T. cho biết: “Vì cuộc thi “Vẽ tranh quốc tế Toyota - Chiếc ô tô mơ ước” là cuộc thi uy tín đã được tổ chức nhiều năm thông qua trường học của các cháu. Con gái tôi cũng đã tham gia cuộc thi này rồi. Chính vì vậy, vào dịp nghỉ hè năm nay khi thấy fanpage (giả mạo) của Toyota đăng tải thông tin về cuộc thi, tôi và nhiều phụ huynh khác cứ nghĩ rằng họ chuyển qua hình thức thi online để thuận lợi cho các phụ huynh. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng đăng ký cho các con dự thi. Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, tôi lập tức rời khỏi nhóm chat”.
Phụ huynh “sập bẫy”
Không chỉ có cuộc thi “Vẽ tranh quốc tế Toyota - Chiếc ô tô mơ ước”, mới đây một phụ huynh khác ở địa bàn TP.Thủ Dầu Một cũng bị một trang thông tin quảng cáo về chương trình Festival kidsplaza liên tục chào mời phụ huynh nộp hồ sơ tham gia. Theo đó, các đối tượng lấy danh nghĩa tư vấn viên của Ban Tổ chức, với những cái tên trên mạng xã hội rất ấn tượng (như biên tập viên truyền hình) để dụ dỗ các phụ huynh kết nối qua các nền tảng mạng xã hội, từ đó thực hiện hành vi xấu. Không chỉ vậy, nắm bắt tâm lý các phụ huynh muốn cho con của mình tham gia “Trại hè quân đội” vào những ngày hè rảnh rỗi để học tập, rèn luyện tác phong quân đội, một số nhóm đối tượng đã mạo danh tổ chức công an, quân đội, nhân viên ngành hàng không để dẫn dụ phụ huynh.
Với các “Trại hè quân đội” giả mạo này, khi phụ huynh cho con tham gia trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn. Sau khi phụ huynh gọi điện theo số điện thoại được đăng trên trang fanpage để tư vấn, chúng gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dụ nạn nhân trao đổi qua Zalo, từ đó yêu cầu chuyển khoản đóng tiền “học phí”, tiền vé máy bay... Nhiều phụ huynh vì tin tưởng nên đã mắc “bẫy lừa” tinh vi này trên mạng xã hội.
Một thủ đoạn khác là đối tượng giả danh Liên đoàn Cờ vua Việt Nam chiêu sinh các khóa đào tạo. Theo đó, các đối tượng quảng cáo các chương trình ưu đãi, khóa học 0 đồng, học bổng hoặc giải đấu có phần thưởng lớn để dẫn dụ học viên, phụ huynh. Qua các bước tư vấn cho phụ huynh, đối tượng dần dẫn dụ phụ huynh thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, như: Làm nhiệm vụ, đăng ký đăng nhập, gia nhập nhóm kín trên mạng xã hội. Trong nhóm kín trên Telegram, đối tượng sẽ quảng cáo rằng học viên sẽ được cấp học bổng nếu thi thử đạt yêu cầu rồi dẫn dụ học viên chuyển khoản với mục đích chiếm đoạt tiền.
Trước tình hình trên, Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai đã đăng thông tin cảnh báo: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về việc có một số cá nhân và tổ chức mạo danh “Liên đoàn Cờ vua Việt Nam” để lừa đảo đăng ký các khóa học cờ vua. Ngoài ra, vừa qua Vietnamchess (Câu lạc bộ Cờ vua Việt Nam) đã chính thức thông tin với các phụ huynh rằng hiện nay Liên đoàn Cờ vua Việt Nam và Vietnamchess không có chương trình đào tạo nào như vậy. Do đó, các chương trình đào tạo từ các trang web hoặc fanpage đều là mạo danh, với mục đích lừa đảo để trục lợi.
TÂM TRANG