Cảnh giác với dịch heo tai xanh

Cập nhật: 01-07-2012 | 00:00:00

Theo thông tin từ Chi cục Thú y Bình Dương, từ ngày 12-6, dịch bệnh HTX đã bắt đầu xuất hiện tại một số xã của huyện Tân Uyên. Đến ngày 29-6, dịch HTX đã xuất hiện tại 5 xã của huyện Tân Uyên và 1 xã của huyện Bến Cát. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã tiến hành công bố dịch tại địa bàn 2 xã Lạc An và Tân Định của huyện Tân Uyên. Số heo bị nhiễm trong đợt dịch bệnh này nằm hoàn toàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ với điều kiện chăn nuôi không bảo đảm độ an toàn, vệ sinh phòng dịch. Theo đó, số lượng heo bị nhiễm bệnh trong thời gian qua là trên 1.700 con và đã tiêu hủy hơn 1.000 con.

 Người chăn nuôi heo cần nâng cao ý thức cảnh giác với dịch heo tai xanh Ngay khi phát hiện heo bị nhiễm bệnh, Chi cục Thú y Bình Dương đã tiến hành triển khai các biện pháp dập dịch. Quan điểm của cơ quan thú y Bình Dương là thực hiện công tác tiêu hủy một cách triệt để nhằm khống chế dịch, không để lây lan ra diện rộng. Các địa bàn có heo bị nhiễm bệnh đã được cấp phát 2.000 liều vắc-xin để phòng chống loại dịch bệnh này. Cơ quan thú y cũng đã nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực triển khai công tác tiêm phòng tại các địa phương và dự kiến đến đầu tháng 7 này công tác tiêm phòng sẽ hoàn thành. Theo cơ quan thú y, sở dĩ có đợt dịch năm nay tại địa phương là do lây lan từ các đàn heo của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (một huyện giáp với huyện Tân Uyên). Trong đó nguồn lây bệnh chính là do các lái heo mua heo di chuyển đến địa bàn huyện Tân Uyên. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, cho biết đợt dịch năm nay có tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ heo chết cao hơn so với các năm trước. Bản thân việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học của các trang trại chưa thể bảo đảm độ an toàn tuyệt đối khi tại một số địa phương các trại chăn nuôi nằm liền kề nhau.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm an toàn cho đàn heo gia đình, người chăn nuôi cần thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin. Các trại chăn nuôi heo nằm trong vùng dịch bắt buộc phải tiêm phòng vắc-xin cho đàn heo đang nuôi. Công tác kiểm soát giết mổ cần được tăng cường, nhất là giám sát, kiểm tra chặt chẽ lâm sàng heo trước khi đưa vào giết mổ. Không cho giết mổ tại các xã có heo mắc bệnh vì không thể giám sát hết số heo tại các xã này.

Theo thống kê, Bình Dương hiện có khoảng 200 trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, các chủ trang trại đều đang rất lo lắng. Nhiều người băn khoăn về việc có nên sử dụng vắc-xin HTX trong giai đoạn này và sử dụng loại vắc-xin nào cho hiệu quả cao nhất. Anh Tuấn, một người chăn nuôi heo tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Tôi đang nuôi khoảng 60 con heo nái và 300 heo thịt. Tôi đã nuôi heo được hơn 3 năm nay và chưa để xảy ra dịch bệnh. Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học được tôi thực hiện bài bản vì nó liên quan trực tiếp đến nguồn lợi kinh tế của gia đình tôi. Hiện nay, tôi vẫn đang tính đến khả năng tiêm phòng vắc-xin cho đàn heo gia đình để có thể phòng chống với đợt dịch của năm nay”.

Tuy nhiên, với những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ, thì hiện nay họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh vì điều kiện chăn nuôi còn thiếu an toàn, trong khi dịch bệnh lại có khả năng lây lan rất nhanh và gây ra nhiều thiệt hại năng nề. Do vậy, ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương, khuyến cáo người chăn nuôi nếu phát hiện heo bỏ ăn và có dấu hiệu bất thường cần báo ngay với lực lượng thú y. Người chăn nuôi nên tránh mua heo con giống và phát triển đàn trong giai đoạn hiện nay. Còn theo khuyến cáo của Cơ quan Thú y vùng VI, để có thể phòng chống dịch một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, người dân cần thực hiện các biện pháp cơ bản: Chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm tra kỹ càng nguồn thức ăn khi đưa vào trại và phải tiêu độc sát trùng xe chở hàng và các bao bì chứa đựng thức ăn; công nhân ra vào trại chăn nuôi cũng cần được vệ sinh tiêu độc sát trùng; thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại; sử dụng vắc-xin cho đàn heo để phòng ngừa dịch bệnh.

Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch bệnh trước đây, người chăn nuôi Bình Dương hiện đã có ý thức cảnh giác cao trong việc phòng chống loại dịch bệnh này. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật các tin tức về diễn biến của dịch bệnh để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp.

Các biện pháp phòng, chống bệnh HTX cơ bản:

- Thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn heo để sớm phát hiện heo có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tai xanh; báo ngay cho cơ quan thú y khi heo có dấu hiệu bệnh.

- Khi nhập heo giống phải mua heo từ các cơ sở chăn nuôi và vùng không có dịch tai xanh. Heo mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 3 - 4 tuần lễ, không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tai xanh cũng như các bệnh truyền nhiễm khác mới cho nhập đàn.

- Bảo đảm thức ăn đủ chất dinh dưỡng và nguồn nước sạch cho heo, giúp heo có sức đề kháng với vi-rút bệnh tai xanh cũng như các bệnh khác, hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm.

- Giữ gìn chuồng trại và khu chăn thả luôn khô sạch, thoáng mát và phải phun thuốc sát trùng định kỳ 2 tuần/lần để tiêu diệt mầm bệnh.

- Tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh cho đàn heo. Để loại trừ các bệnh kế phát, heo phải được tiêm vắc-xin phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn...

- Thực hiện “5 không” là không giấu dịch, không mua heo bệnh và sản phẩm heo bệnh, không bán heo bệnh, không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên