Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng chuyên vào cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng thời trang giả vờ mua hàng sau đó giở trò trộm cắp tài sản.
Những đối tượng xấu thường dùng thủ đoạn giả vờ mua hàng hóa, sau đó trộm hàng có giá trị cho vào túi quần áo để qua mắt chủ cửa hàng (Ảnh mang tính minh họa)
Trộm “đóng vai” khách hàng
Bà Nguyễn Thị Sinh, chủ một cửa hàng tạp hóa tại KP3, phường An Phú, TX.Thuận An, cho biết: “Sau khi cửa hàng của tôi bị mất hàng loạt hộp sữa có giá trị mà không biết lý do, chúng tôi quyết định lắp camera để tìm ra hung thủ gây ra các vụ trộm trên. Nhờ hệ thống camera mà chân tướng kẻ trộm bị phát hiện”.
Theo bà Sinh, vào một ngày cuối năm 2015 có 2 khách hàng nam mặc áo khoác rộng quá khổ vào cửa hàng tìm mua sữa loại đắt tiền. Khi vào cửa hàng, 2 vị khách này không tới quầy sữa ngay mà dạo một vòng. Tuy nhiên, sau khi đã đảo đi đảo lại khoảng 20 phút mà họ chỉ mua… một gói mì ăn liền. Bà Sinh ra hiệu cho con gái tìm cách giữ chân 2 thanh niên này lại, đồng thời bà xem lại hành động của họ được camera ghi lại. Qua hình ảnh thu được, bà phát hiện một trong 2 tên nhanh tay lấy một hộp sữa loại 1kg để vào quầy các mặt hàng khác. Khoảng ít phút sau, gã còn lại đến lấy hộp sữa nhét vào túi quần. Khi bà yêu cầu lấy hộp sữa từ trong túi quần ra thì chúng quanh co bảo rằng “quên tính tiền”.
Không chỉ riêng cửa hàng của bà Sinh, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Lan tại KP3, phường An Phú, TX.Thuận An cũng bị trộm giả làm khách hàng “viếng”. Chị Lan cho biết khi đang bán hàng thì có một người nữ ăn mặc sang trọng đến mua hàng. Sau khi đã “đảo” khá lâu trong cửa hàng, nhưng khi ra tính tiền thì khách này chỉ mua 2 chai nước mắm và vài gói mì ăn liền. Điều đáng nói là khi vào mua hàng, vị khách này mặc áo khoác nhìn khá gọn, nhưng khi ra lại bỗng dưng “mập” một cách bất thường. Rút kinh nghiệm từ những lần bị trộm hàng trước đó, chị Lan yêu cầu vị khách cởi áo khoác ra để kiểm tra. Qua kiểm tra, chị phát hiện 2 túi trong của áo khoác có 2 cây thuốc lá và mấy lốc sữa. Ngay sau đó chị Lan giữ đối tượng này lại và báo cho cơ quan chức năng đến xử lý.
Tại Công an phường An Phú, khách “sộp” Nguyễn Thị Hồng (SN 1989, quê Thanh Hóa) khai đang làm công nhân cho một công ty trên địa bàn phường. Để kiếm thêm thu nhập, Hồng thường “đóng vai” khách giàu sang và khi vào tiệm tạp hóa thường mặc áo khoác được “chế” lại với nhiều túi rộng nhằm cất giấu tài sản để qua mắt chủ cửa hàng. Sau khi trộm trót lọt, Hồng mang tài sản này đi bán rẻ lấy tiền tiêu xài.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của P.V, một số đối tượng thường chọn các cửa hàng thời trang để “ăn hàng”. Khi vào mua quần áo, những đối tượng này thường mặc quần lửng và áo thun hoặc áo sơ mi quá khổ. Chúng thường chọn rất nhiều quần áo để mặc thử nhưng thực ra là mặc vào người từ 2 cái trở lên. Sau đó, khách này lấy quần áo của mình trước đó mặc vào để qua mắt chủ cửa hàng. Anh Nguyễn Ngọc H., chủ một cửa hàng thời trang ở KP.Tân Lập, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An cho biết: “Trước đây, cửa hàng có tiếp một vị khách hàng như thế. Nhưng biết được mánh khóe này nên chúng tôi đề phòng trước. Khi khách đang thực hiện hành vi gian dối thì bị chúng tôi phát hiện”.
Chủ cửa hàng cần cảnh giác
Theo một cán bộ Công an TX.Thuận An, các đối tượng sử dụng thủ đoạn “đóng vai” khách hàng vào các cửa hàng quần áo, tạp hóa tự chọn để mua hàng rồi lợi dụng lúc chủ cửa hàng không để ý lấy trộm tài sản đã xảy ra nhiều lần trên địa bàn. Trước khi hành động, những đối tượng này nghiên cứu kỹ và khi ra tay chúng thường chọn những mặt hàng có giá trị. Đối tượng tính toán sao cho tổng giá trị tài sản lấy trộm dưới 2 triệu đồng để phòng khi bị bắt quả tang thì chỉ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, khi đi “ăn hàng” chúng thường thực hiện liên tiếp nhiều vụ chỉ trong 1 đến 2 ngày, sau đó chúng sẽ chuyển địa bàn hoạt động để tránh bị phát hiện.
Vì vậy, để tránh thành “con mồi” của loại hình trộm cắp này, chủ các cửa hàng tạp hóa cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Đối với các cửa hàng có quy mô lớn, chủ tiệm tạp hóa cần đầu tư lắp đặt camera để thuận tiện cho việc quản lý và nếu có xảy ra trường hợp trộm cắp tương tự thì hình ảnh thu được sẽ giúp cho lực lượng chức năng xử lý đối tượng. Ngoài ra, khi xảy ra trộm, người dân nên báo ngay cho công an địa phương. Vì biết đâu chúng cũng đã thực hiện nhiều vụ tương tự và đây chính là cơ sở để xử lý hình sự, đồng thời cũng là cách cảnh báo cho các chủ cửa hàng khác và răn đe những đối tượng khác.
Theo kinh nghiệm của chị Trần Thị Ái Liên, chủ cửa hàng tạp hóa tự chọn trên đường ĐT743, phường Dĩ An, TX.Dĩ An thì từ những lần bị mất trộm hàng hóa lúc trước, khi thấy khách vào cửa hàng có dấu hiệu khả nghi là chị theo dõi mọi hành động. Ngoài lắp đặt camera, chị mua luôn một tủ đựng vật dụng cá nhân để khách hàng để áo khoác và túi xách. Đồng thời, chị thuê bảo vệ để vừa giữ xe cho khách vừa giúp “canh” khách hàng, nhờ vậy mà thời gian qua cửa hàng tạp hóa của chị không hề xảy ra vụ mất trộm nào.
Ngoài thủ đoạn trộm cắp tài sản kể trên, một số đối tượng còn dùng nhiều chiêu thức tinh vi nhằm lừa chủ cửa hàng. Cụ thể chúng dùng 1 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 20.000 đồng để lừa các nhân viên cây xăng và chủ cửa hàng tạp hóa, thời trang bằng cách cắt tờ 500.000 đồng và 20.000 đồng làm đôi, sau đó ghép 2 phần lại với nhau rất tinh vi. Tờ tiền sau khi được ghép có màu xanh tương tự với tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, nếu nhìn không kỹ thì khó phát hiện ra. Vào ban đêm, thời điểm đông người, chúng dùng tờ tiền này đến các cửa hàng và cây xăng để mua hàng và đánh lừa người bán.
NGUYỄN HẬU