Cảnh giác với thủ đoạn cho vay siêu dễ

Cập nhật: 09-12-2022 | 17:31:13

(BDO) Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh tình trạng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cá nhân, khi nạn nhân có nhu cầu vay tiền tiêu dùng thông qua các app, mạng xã hội...

Lừa đảo chuyên nghiệp

Ông T.V.B. tạm trú tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An, chia sẻ thời gian trước ông kẹt tiền nên đã lên mạng tìm kiếm nguồn vay và được giới thiệu một công ty tài chính cho vay siêu dễ, như: Không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp, bao nợ xấu... Tin lời, ông đặt vấn đề vay 30 triệu đồng.

Hợp đồng và thông tin vay tiền của các nạn nhân

Sau khi tiếp nhận thông tin cá nhân của ông B., các đối tượng liên tục gọi điện thoại báo cho ông biết hồ sơ của ông đã được duyệt. Trong vòng chưa tới 15 phút, ông B. được các đối tượng thông báo là khoản vay đã được duyệt.

Các đối tượng còn khẳng định, chỉ cần đưa chính xác số tài khoản là tiền sẽ về túi ông B. Ông B. bèn cho số tài khoản ngân hàng cá nhân của mình để chờ công ty chuyển tiền. Nhưng đó mới chỉ là màn dạo đầu cho một kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hết sức tinh vi. Sau khi đưa số tài khoản, ông B. đợi hoài không thấy nên liên lạc qua Zalo với đối tượng tự xưng là người của công ty tài chính. Đối tượng này trả lời: “Chú đã điền sai thông tin số tài khoản, số tiền giải ngân đã đi vào số tài khoản khác. Để lấy lại số tiền này, chú cần đóng 11% trên tổng số vay để tiền vay quay lại tài khoản của chú”.

Vì cần tiền, ông B. đã chuyển khoản số tiền 3 triệu đồng vào số tài khoản mà đối tượng đã đưa cho ông. Sau đó, ông B. chờ đợi mòn mỏi vẫn không thấy tiền đâu nên nhắn tin hỏi thì bị chặn tin nhắn, ông B. gọi điện thoại thì “ngoài vùng phủ sóng”. Tới đây, ông mới biết mình dính quả lừa rất tinh vi và chuyên nghiệp.

Chị T, ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một là công nhân thất nghiệp, đang cần tiền xoay xở khó khăn. Chị được giới thiệu vay với mức 10 triệu đồng, chỉ cần chị có ví điện tử Momo.

Ngay lập tức chị T. đăng ký tài khoản Momo với hy vọng được vay tiền. Chị được báo là ví điện tử của chị chưa được kích hoạt gói vay. Nếu muốn vay, chị T. phải đưa mật khẩu ví để đối tượng này giúp đỡ. Nhẹ dạ cả tin, chị T. đưa mật khẩu cho đối tượng này. Chưa đầy 15 phút sau, chị nhận được tin nhắn từ ngân hàng. Số tiền ít ỏi hơn một triệu của chị đã bị chuyển qua số tài khoản khác. Lúc này chị T. mới biết bị lừa nên vội vàng ra ngân hàng hủy mọi cuộc giao dịch từ số tài khoản của chị. Chị T. và ông B. là hai trong số nhiều nạn nhân bị lừa đảo bằng hình thức vay qua app mà Công an tỉnh Bình Dương đã từng cảnh báo.

“Một chiêu” lừa nhiều người

Tiếp nhận thông tin từ bị hại, phóng viên Báo Bình Dương đóng vai người cần vay tiền. Rất nhanh chóng, có đến hàng chục trang mạng cho vay với những lời lẽ có cánh: “Giải ngân nhanh”, “không gọi điện thoại cho người thân”…

Ngay sau đó, phóng viên được đối tượng lừa đảo gửi cho một đường link để đăng ký vay. Hồ sơ hoàn thành nhanh chóng, chưa đầy một phút đã được một nam nhân viên gọi điện thông báo là hồ sơ đã được duyệt, chờ bên công ty gọi thẩm định.

Một lúc sau, một nhân viên nữ tự xưng là người của công ty tài chính thông báo hồ sơ vay đã được chấp nhận, người vay cần điền thêm thông tin số tài khoản… Với thủ đoạn lừa đảo như trường hợp của ông B., phóng viên cũng nhận được thông báo là thông tin sai số tài khoản, cần đóng phí 11% để được giải quyết, giống như trường hợp của ông T.V.B. (mặc dù số tài khoản cung cấp rất chính xác). Lướt hàng chục trang cho vay khác, thủ đoạn cũng tương tự.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng, các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức vay qua app rất phổ biến. Các đối tượng lừa đảo hứa hẹn cho vay với lãi suất rẻ, thủ tục nhanh chóng. Sau đó, dẫn dụ bị hại cài đặt các app do các đối tượng lập ra và kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ vài triệu cho đến hàng tỷ đồng. Để thực hiện thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo tăng cường quảng bá việc cho vay siêu dễ, siêu rẻ. Sau đó yêu cầu bị hại đóng phí, các khoản thuế hoặc khai hết thông tin cá nhân. Nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo còn dùng thông tin cá nhân bị hại để khống chế và tống tiền.

Ông Hồ Thọ Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao: Khi người dân có nhu cầu vay tiền nên đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có địa chỉ, pháp lý rõ ràng để tránh bị thiệt hại. Không cài đặt app do các đối tượng trên mạng cung cấp nếu chưa đọc kỹ thông tin và quyền kiểm soát các app. Không đăng nhập tài khoản ngân hàng qua web mà đối tượng cung cấp hoặc chuyển tiếp từ các app vay, chỉ sử dụng app do ngân hàng cung cấp. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là cao điểm các đối tượng lừa đảo đẩy mạnh hoạt động. Người dân cần tỉnh táo và sáng suốt khi tiếp cận các nguồn vay, để tránh bị lừa đảo mất tiền oan...”.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1152
Quay lên trên