Vì mong muốn có “việc nhẹ lương cao” nên nhiều thiếu nữ ở vùng nông thôn đã bị đối tượng lừa bán vào cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, nhất là giới nữ, cần chủ động nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để tự bảo vệ mình và người thân.
Thôn nữ “sập bẫy” việc nhẹ, lương cao
Mới đây, Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An đã đưa vụ án hình sự ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phùng Tuấn Anh (sinh năm 1995, quê Vĩnh Phúc) và Trần Thị Hằng (sinh năm 1997, quê Bắc Giang) về tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Công an TP.Dĩ An tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân cảnh giác
Theo nội dung vụ án, Phùng Tuấn Anh sinh sống tại phường An Phú, TP.Thuận An và làm quản lý nhân viên nữ để phục vụ cho các quán karaoke. Quá trình làm việc, Anh thường xuyên lên các trang mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung tuyển nhân viên thì có quen biết với Trần Thị Hằng và kết bạn qua mạng xã hội Zalo.
Trần Thị Hằng làm quản lý nhân viên nữ để phục vụ cho các quán karaoke trên địa bàn TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Khi khách có yêu cầu tiếp viên, các quán karaoke sẽ liên hệ Hằng để sắp xếp người đến làm việc. Hằng thuê đối tượng Phan Anh (chưa rõ lai lịch) để quản lý các nhân viên. Khoảng tháng 6-2022, Phan Anh và Trần Thị Hằng đăng bài trên trang mạng xã hội Facebook tuyển dụng nhân viên nữ làm phục vụ có thu nhập cao tại các quán karaoke trên địa bàn TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Thấy được thông tin tuyển dụng này, em H.S. (H’Sương Niê, sinh năm 2005, quê Đắk Lắk) và H.L. (H’Lezamy Niê, chưa rõ lai lịch) liên hệ hỏi xin việc thì Hằng đồng ý.
Đến cuối tháng 7-2022, H.L. rủ em H.Đ. (H’Đam Byă, sinh năm 2007), H.K. (Hmeli Ktla, sinh năm 1997, cùng quê Đắk Lắk) và H.S. cùng đi đến Bình Dương làm nhân viên quán karaoke thì tất cả đồng ý. Sau đó, Phan Anh đón 4 bé gái trên tại tỉnh Đắk Lắk và đưa về tại một căn nhà thuộc phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An do Hằng thuê. Tại đây, Hằng yêu cầu H.Đ. viết giấy nợ số tiền 5 triệu đồng “thế chân” để đi làm nhân viên quán karaoke thì em H.Đ. đồng ý. Hằng không trả tiền lương cố định hàng tháng cho H.Đ.. Còn số tiền “bo” mà em H.Đ. nhận được từ khách sẽ trích đưa cho Hằng tiền xe, ăn uống, tiền thuê nhà, còn lại em H.Đ. tự giữ. Trong quá trình làm việc, em H.Đ. không dọn dẹp, không nghe lời, hay vi phạm, nợ tiền Hằng tổng số tiền 16 triệu đồng.
Ngày 13-8-2022, Hằng đăng lên Zalo “có mấy bé nợ cần chuộc” thì Phùng Tuấn Anh liên hệ với Hằng hỏi “mấy bé nợ nhiều không” thì Hằng nói “nợ ít”. Qua trao đổi, cả hai hẹn gặp nhau để “bán” em H.Đ.. Khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, Hằng kêu em H.Đ., H.S. và một nữ nhân viên khác dọn đồ đạc và dẫn đến quán cà phê tại khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp gặp Phùng Tuấn Anh để lựa chọn. Tại đây, Phùng Tuấn Anh chọn em H.Đ. và đồng ý đưa cho Hằng 16 triệu đồng. Sau đó, Phùng Tuấn Anh đưa em H.Đ. và T.H. (sinh năm 1999, quê Nam Định) đến quán karaoke Huyền Thoại tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh làm tiếp viên để trả nợ cho mình.
Ngày 27-4-2023, Trần Thị Hằng đã đến Công an TP.Dĩ An đầu thú và khai nhận hành vi “bán” em H.Đ. cho Phùng Tuấn Anh để nhận tiền. Căn cứ vào nội vụ án và các tình tiết tăng, giảm trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Hằng phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” 7 năm tù. Còn bị cáo Phùng Tuấn Anh phạm tội “Mua bán người” và tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” với mức án lần lượt là 5 năm 6 tháng tù, 7 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt mà bị cáo Phùng Tuấn Anh phải chấp hành là 13 năm tù.
Vào đầu năm 2024, Công an tỉnh cũng đã triệt xóa đường dây mua bán người do Nguyễn Văn Công (sinh năm 1969, quê Nghệ An) cầm đầu, với 24 nạn nhân là thiếu nữ bị lừa bán vào cơ sở kinh doanh karaoke, massage để hoạt động kích dục cho khách. Thủ đoạn của nhóm Công là lên mạng xã hội đăng tin tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” nhằm “giăng bẫy” thiếu nữ ở vùng nông thôn. Khi có thiếu nữ liên hệ ứng tuyển, các đối tượng sẽ chở đến quán karaoke giao cho Công và được trả từ 5 - 8 triệu đồng/người. Số tiền này, Công ghi nợ và trừ vào tiền công của các nữ tiếp viên.
Chủ động nhận diện để tự bảo vệ
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, qua công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người cho thấy thủ đoạn chung của đối tượng là tạo vỏ bọc giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động… với thu nhập cao trên các trang mạng xã hội với mục đích lừa những thiếu nữ ở vùng nông thôn bán cho cơ sở massage, karaoke. Sau khi mua được người, chủ cơ sở massage, karaoke yêu cầu các cô gái phải ký giấy vay nợ và phải ở lại làm việc để trừ lại số tiền trên. Đáng nói là sau khi nhận vào làm việc, các cô gái có thể bị giam giữ, giám sát mọi hoạt động đi lại, không cho sử dụng điện thoại di động, thậm chí bị đe dọa, cưỡng bức lao động, cưỡng bức các hoạt động tình dục khác…
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, số nạn nhân. Trước tình hình trên, Công an tỉnh và các ngành chức năng đang tăng cường các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người được ngành chức năng thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Song song đó, Công an tỉnh còn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tội phạm như massage, karaoke… nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người.
Theo Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cùng với lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để tự bảo vệ mình và người thân. “Các chị em gái cần tìm hiểu thông tin việc làm trước khi ứng tuyển, tuyệt đối không nhẹ dạ, cả tin với những hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” và không ký giấy vay nợ cho bất kỳ ai khi được giới thiệu việc làm. Khi phát hiện mình hoặc người thân bị lừa bán vào cơ sở massage, karaoke người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định”, Thiếu tá Võ Văn Sơn nhấn mạnh.
Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ cho thấy trong quý I-2024, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng mua bán người, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong quý I-2024 là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án, trong đó có 114 nạn nhân nam và 64 nạn nhân nữ. |
NGUYỄN HẬU