Cạo gió, giác hơi

Cập nhật: 01-10-2013 | 00:00:00

Dân gian có câu “Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, có nghĩa là nếu sự lưu thông trong cơ thể được lưu lợi, thông thương thì cơ thể sẽ không bị đau. Ngược lại, nếu đau mỏi cơ thể là do có một nơi nào đó trong cơ thể bị bế tắc.

 Giác hơi phải cẩn thận, nếu không sẽ gây bỏng da

Khai thông sự bế tắc là một trong những phương pháp chữa bệnh hữu hiệu trong đông y. Theo lương y Trần Duy Linh, cạo gió, giác hơi, chích lễ, hay “đánh cảm” là những phương cách dân gian lưu truyền để điều trị những bệnh mà nguyên nhân là do sự bế tắc gây nên như nói trên. Cũng như nấu nước xông, là những kinh nghiệm về các phương pháp chữa bệnh có từ rất lâu đời. Theo lương y Như Tá, cạo gió, giác hơi là cách chữa bệnh rẻ tiền, đơn giản, và có hiệu quả ở một số bệnh nhất định. Người bệnh cảm thấy giảm bớt những triệu chứng khó chịu, bớt nhức mỏi, bớt ớn lạnh, hoặc giảm cảm giác buồn nôn sau khi cạo gió, giật gió, giác hơi. Tuy nhiên, cạo gió không được công nhận là một phương pháp trị bệnh trong đông y.

 “Theo đông y, khi bắt đầu bị cảm, hàn tà hay phong tà sẽ đi vào kinh “thái dương bàng quang”, các triệu chứng đau mỏi sẽ xuất hiện dọc theo đường kinh này. Kinh thái dương bàng quang khởi đầu từ khóe mắt trong, đi lên đỉnh đầu, rồi từ đỉnh đầu đi xuống phía trên của tai, sau đó đi xuống sau cổ, dọc theo vai rồi cặp theo hai bên của xương sống đi xuống tới thắt lưng. Cho nên khi mới bị cảm, bệnh đi vào kinh này sẽ làm cho đau đầu, nhức mắt, mỏi vai gáy và lưng là như vậy”, lương y Duy Linh giải thích.

Để giải quyết các chứng đau mỏi do cảm mạo, dân gian thường dùng cách giác hơi hay cạo gió dọc theo đường kinh “túc thái dương bàng quang”; hay bắt gió hai bên thái dương cốt để đả thông sự bế tắc do ngoại tà xâm nhập, gây cản trở, đau mỏi trong cơ thể.

Theo lương y Trần Duy Linh, với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, chúng ta biết được, không phải bất cứ sự đau mỏi nào cũng có thể dùng các phương pháp trên để giải quyết. Đối với những người có tiền căn về bệnh huyết áp, tiểu đường, hay người có bệnh tim, cũng như các bệnh mãn tính, thì không nên dùng các phương pháp kể trên. Ngoài ra, nếu cạo gió quá mạnh tay, sẽ phá vỡ các mao mạch dưới da gây ra tình trạng xuất huyết dưới da. Nếu cơ thể người bệnh suy nhược quá có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu.

Ngoài ra, cũng cần biết rằng, đả thông kinh lạc cho khỏi bệnh không nhất thiết phải cạo gió hay giác hơi cho cơ thể bầm tím mới gọi là có hiệu quả cao. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta có thể dùng lòng trắng trứng gà nấu tô cháo hành để “đánh cảm” rất hay.

Lương y Như Tá khuyến cáo: cạo gió mạnh có thể làm vỡ các mao mạch dưới da, làm xuất huyết. Không nên cạo gió ở trẻ nhỏ, sẽ gây đau đớn, và có thể rất nguy hiểm nếu trẻ đang bị sốt xuất huyết - cũng với những triệu chứng ban đầu như sốt, nhức đầu, mệt mỏi; không cạo gió ở phụ nữ có thai; không dùng vật cứng cạo gió, không cạo đến đỏ bầm - vì dễ làm tổn thương da; không cạo gió nơi có gió lùa. Nên cạo gió dọc hai bên cột sống lưng. Cạo xong cần giữ ấm cơ thể. Chỉ cạo gió khi bị cảm mạo do thời tiết, nhiễm lạnh, nhức mỏi tay chân do làm việc nhiều.

Tóm lại, giác hơi, cạo gió, hay bắt gió là những phương pháp dân gian áp dụng nhất thời, trong khi chưa có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ của y khoa như ngày nay.

Theo thanhnien.com.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2108
Quay lên trên