Cao tốc Bắc - Nam ước mơ xa

Cập nhật: 28-05-2010 | 00:00:00

Mấy ngày nay đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán xôn xao chuyện Quốc hội đang tham khảo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Mới thoạt nghe thấy ai cũng mừng ra mặt vì đây là một dự án lớn nhất từ trước đến nay, có công nghệ cao mà chỉ có một số nước giàu mới có nhưng nếu Việt Nam mình có được thì sướng phải biết! Nhưng dư luận chung từ người dân đến diễn đàn báo chí và ngay cả các đại biểu Quốc hội nghe đâu băn khoăn lắm vì số tiền đầu tư là khổng lồ - gần 56 tỷ USD, số tiền này chiếm trên một nửa thu nhập quốc dân một năm, để có được số tiền đầu tư này hầu như phải đi vay bên ngoài là chính và sau đó gồng mình trả nợ hàng năm và cũng không biết đến bao giờ trả nổi, hiện Việt Nam có số nợ nước ngoài vào loại cao so với các nước đang phát triển nếu có thêm món nợ lớn này sẽ gây gánh nặng cho các thế hệ con cháu về sau.

Để có công trình thì việc cần vốn là hiển nhiên nhưng với công trình đường sắt cao tốc này vấn đề hiệu quả kinh tế cần xem lại, dư luận xã hội đang nghi ngờ tính hiệu quả của nó, nếu hiệu quả không cao chẳng lẽ lấy lợi nhuận từ các ngành khác bù lỗ mãi mãi. Theo thuyết trình của những người đề xuất dự án thì riêng giá vé bằng 75% của vé máy bay tức là trên 3 triệu đồng/chuyến khứ hồi, với mức giá này thì chỉ có hành khách là cán bộ đi họp, thương gia đi là chính nhưng với đối tượng này thì tiền không thành vấn đề miễn sao nhanh gọn, sang trọng nếu như họ có đi chắc là đi một chuyến cho biết. Ở Việt Nam có địa hình và thời tiết tương đối đặc thù, riêng miền Trung một năm có trên 10 cơn bão tấn công và mức độ ngày càng dữ dội hơn trước, người Pháp trước đây từng ê ẩm khi phải thi công và bảo trì hệ thống giao thông khu vực này, vậy đường sắt cao tốc đi qua đây xử lý vấn đề này như thế nào? Không lẽ tàu cao tốc 300km/giờ với hành trình 5 giờ toàn tuyến phải nằm chờ cả ngày vì thời tiết xấu, chi phí bảo trì và sửa chữa đường sắt cao tốc đương nhiên cao gấp nhiều lần đường bình thường.

Ai cũng biết Việt Nam sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, cơ sở hạ tầng suy sụp nghiêm trọng đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong những năm qua Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng giao thông và đến nay đã có những thành quả nhất định góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài thì cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn rất yếu kém, điều này gây trở ngại lớn cho việc thu hút FDI. Việc đầu tư hạ tầng giao thông là ưu tiên nhưng phải tính tới hiệu quả và tránh phô trương hình thức, tàu cao tốc chỉ mới giải quyết được khâu vận chuyển hành khách hạng sang còn lại đa số người lao động thì sao? Hơn nữa làm sao giải tỏa sức ép vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam khi mà hàng đoàn xe tải phải vượt trên hơn 2.000km để xuất hàng qua Trung Quốc, nên chăng với số tiền đó ta có một con đường sắt song hành để tăng chuyến, phát triển đường sắt ra các địa phương để vận chuyển hàng hóa, tại các khu đô thị và các vùng trọng điểm kinh tế đầu tư tàu điện giá vé rẻ sẽ giảm áp lực giao thông hiện nay.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=391
Quay lên trên