Cấp giấy hồng chậm do cán bộ yếu

Cập nhật: 18-05-2010 | 00:00:00

Ngày 17-5, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cùng 63 sở TN-MT các tỉnh thành đã giải quyết hàng trăm câu hỏi của người dân và doanh nghiệp gửi đến buổi giao lưu trực tuyến về lĩnh vực đất đai, môi trường và tài nguyên.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Phước (địa chỉ medic99993@yahoo.com) nêu lên một thực tế: “Khi làm các thủ tục nhà đất, người dân gặp nhiều khó khăn do cán bộ địa chính xã, huyện làm khó... Dù có thực hiện quy trình “một cửa” thì khi làm giấy hồng người dân vẫn bị gây phiền hà”. Ông Phước đề nghị Bộ TN-MT nên mở dịch vụ để người dân đóng tiền và được hưởng các dịch vụ tốt hơn.

 Lãnh đạo Tổng cục Môi trường trả lời giao lưu trực tuyến   

Trả lời ông Phước, Bộ TN-MT thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (giấy hồng) ở các địa phương còn chậm. Nguyên nhân do nhà đất không có giấy tờ hợp lệ; cán bộ địa chính ở các xã, phường còn thiếu và yếu về chuyên môn; một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định hiện hành làm phức tạp thêm thủ tục, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ...

 

Một số hộ dân ở Q.7 (TP.HCM) hỏi về thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho khu đất có nguồn gốc san lấp rạch cạn tại P.Phú Thuận, Sở TN-MT TP.HCM trả lời trường hợp lấp rạch cạn của các hộ dân này xảy ra sau năm 2000 nên không được cấp giấy chứng nhận.

 

Một trường hợp ở Đồng Nai phản ảnh đã mua giấy tay nền đất tái định cư, nay người được bố trí tái định cư đi nơi khác nên không được cấp giấy hồng. Sở TN-MT Đồng Nai giải thích trường hợp này mua đất chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nên không được cấp giấy.

 

Ông Nguyễn Trường Sơn ở TP Vũng Tàu phản ảnh giá đất do UBND tỉnh công bố hằng năm chỉ bằng 30-60% giá thị trường và tỉnh dùng giá này để bồi thường cho người dân bị thu hồi đất trong các dự án khiến người dân mất từ 40-70% giá trị tài sản. Bộ TN-MT cho biết theo quy định mới, UBND tỉnh phải xác định lại giá đất làm căn cứ để bồi thường nếu giá quy định không sát giá thị trường.

 

Một số trường hợp khác phản ảnh một số dự án xây dựng trung tâm thương mại của các công ty tư nhân nhưng Nhà nước lại đứng ra thu hồi mặt bằng. Theo bà con, những dự án này phải để cho chủ đầu tư tự thương lượng với người dân. Bộ TN-MT viện dẫn nghị định 84 cho biết một số dự án kinh tế như xây dựng khu kinh doanh tập trung... thì Nhà nước sẽ thu hồi đất.

 

----------------------------------------------

 

Tố cáo nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường

 

Nhiều người dân ở các tỉnh phản ảnh nơi họ ở, sông suối, ao hồ bị ô nhiễm nhưng không biết báo cáo với cơ quan nào. Người dân ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết các công ty thủy sản chở chất thải hôi thối qua khu dân cư gây ô nhiễm nhưng không bị xử lý. Các hộ dân tại xã Tân Dân, thị xã Chí Linh (Hải Dương) kêu cứu vì bị một công ty sản xuất nhôm xả thải gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước và không khí.

 

* Đến chiều 17-5, buổi giao lưu trực tuyến nhận được gần 950 câu hỏi, trong đó gần 550 câu hỏi về lĩnh vực đất đai. Bộ TN-MT cùng các sở TN-MT đã trả lời gần 200 câu hỏi. Những câu hỏi còn lại sẽ chưa được trả lời trong tháng 5 này.

 

Chưa bồi thường xong, Vedan chưa hết trách nhiệm

 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên tại cuộc họp báo chiều 17-5 thông báo kết quả buổi giao lưu trực tuyến.

 

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đã hoàn thành việc thống kê thiệt hại do Vedan gây ra: Bà Rịa - Vũng Tàu thiệt hại 53 tỉ đồng, TP.HCM thiệt hại 45 tỉ đồng. Đồng Nai chưa thống kê xong. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định phải làm mọi cách để hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong vùng tính toán, thống kê thiệt hại.

 

Theo ông Nguyên, đây là vụ việc dân sự nên sẽ tiến hành theo các bước: thỏa thuận, nếu thỏa thuận không được sẽ đưa ra trọng tài kinh tế, nếu trọng tài kinh tế không xử được thì đưa ra tòa. “Tỉnh nào đã thống kê xong, bộ sẽ có văn bản yêu cầu Vedan làm việc với tỉnh đó. Tôi nghĩ Vedan sẽ phải chấp nhận bồi thường theo thống kê của các tỉnh, nếu không chấp nhận bộ sẽ tiếp tục có những giải pháp tiếp theo” - ông Nguyên nói.

 

Liên quan đến quy định về cấp giấy chủ quyền nhà đất mới, ông Nguyên cho biết các địa phương khác  không có vướng mắc gì, chỉ có TP.HCM nêu ý kiến về thời gian cấp đổi giấy. Trả lời câu hỏi của chúng tôi tại sao không dùng trang 4 của giấy chủ quyền để thực hiện đăng bộ cho nhanh, ông Nguyên cho rằng quan điểm của bộ là đổi sang giấy mới càng nhanh càng tốt nhưng do người dân không có nhu cầu nên hiện tại cả giấy cũ và giấy mới đều có giá trị pháp lý.

 

“Tâm lý người dân ai cũng muốn cầm giấy chủ quyền có tên mình ở ngay bìa sổ, nhưng phải thừa nhận trong đội ngũ cán bộ địa chính cũng có nhiều người thích tiếp xúc với dân để đề nghị đăng bộ. Làm vậy thì chỉ cần bổ sung thông tin và “cộp” dấu là có chút ít hoa hồng, còn cấp theo giấy mới thì phải trình lên lãnh đạo TP nên ngại” - ông Nguyên nói.

 

Về trường hợp doanh nghiệp tại TP.HCM  thỏa thuận giá đất với người dân khi người dân đang sở hữu giấy chủ quyền theo mẫu cũ, ông Nguyên cho rằng  khi chuyển giấy chủ quyền sang cho doanh nghiệp thì  sẽ cấp theo mẫu giấy mới, người dân không phải làm thủ tục cấp đổi giấy mới trước khi chuyển sang cho doanh nghiệp.

 

(THEO TUỔI TRẺ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=416
Quay lên trên