Bài 2: Điểm mặt, chỉ tên các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm
Toàn tỉnh hiện có 9 phòng khám tư nhân có dấu hiệu cấp khống giấy nghỉ bệnh cho người lao động. Tình trạng cấp khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề không mới, đã kéo dài trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết dứt điểm. Thực trạng này rất cần biện pháp chế tài mạnh và đặc biệt là vai trò quản lý của các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Quốc tế 368 S.G là 1 trong 9 đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong công tác khám, chữa bệnh
Cấp khống 720 giấy nghỉ bệnh
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục có nhiều thông tin phản ánh gửi tới BHXH tỉnh về tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), cấp khống giấy nghỉ bệnh để hưởng BHXH tại một số cơ sở y tế. Điển hình gần đây là phản ánh của một công ty ở tỉnh Đồng Nai về việc người lao động (NLĐ) tại công ty qua các bệnh viện, phòng khám ở Bình Dương tìm cách có giấy nghỉ bệnh khống để vừa được nghỉ làm, vừa được hưởng BHXH. NLĐ trình giấy nghỉ bệnh cho công ty, có chứng nhận của bệnh viện, phòng khám nhưng thực chất lại không bị bệnh. Việc này khiến hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng do thiếu hụt lao động trong các dây chuyền.
Từ thông tin phản ánh của một số công ty, qua rà soát, xác minh thực tế trực tiếp hồ sơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh đối với danh sách NLĐ được cấp khống giấy nghỉ bệnh do BHXH tỉnh Đồng Nai cung cấp và sau khi xem xét toàn bộ dữ liệu danh sách bệnh nhân khám, chữa bệnh, các cơ quan chức năng ghi nhận từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022 có tổng cộng 9 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu mua bán, cấp khống giấy nghỉ bệnh cho NLĐ để hưởng lợi từ quỹ BHXH. Thống kê trong 18 tháng, 9 cơ sở y tế tư nhân này đã cấp 321.381 giấy chứng nhận nghỉ bệnh trong tổng số 708.626 lượt người tới khám, chữa bệnh. Phân tích đối chiếu 321.381 trường hợp được cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh, các cơ quan phát hiện 720 trường hợp có dấu hiệu cấp giấy nghỉ bệnh với tổng số tiền buộc phải thu hồi là hơn 364 triệu đồng. Trong tổng số 720 trường hợp có dấu hiệu cấp khống giấy nghỉ bệnh, có tới 548 trường hợp sai phạm là bác sĩ không làm việc, không hưởng lương nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận nghỉ bệnh; 164 trường hợp NLĐ không khám chữa bệnh và cấp lùi ngày giấy chứng nhận; 3 trường hợp bác sĩ không đăng ký cấp giấy chứng nhận nghỉ bệnh nhưng vẫn ký cấp giấy và 5 trường hợp cấp giấy sau ngày điều trị.
Đặc biệt, từ hàng ngàn hồ sơ, giấy tờ được đối chiếu trên hệ thống phần mềm và trên giấy (chứng từ khám, chữa bệnh, toa thuốc, kết quả cận lâm sàng…), có nhiều trường hợp mã bác sĩ trên hệ thống thông tin giám định chưa chính xác với chứng từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bác sĩ chưa có tên trong danh sách đăng ký hành nghề theo quy định của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; bác sĩ đã dừng làm việc nhưng lại phát sinh chi phí khám, chữa bệnh, bác sĩ đăng ký trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở khám chữa bệnh khác.
Điểm tên 9 cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm
9 cơ sở y tế có dấu hiệu mua bán, cấp khống giấy nghỉ bệnh đã được cơ quan chức năng chỉ tên, gồm: Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Ng.H., Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Viện thẩm mỹ H.A. Bình Dương, Công ty TNHH Bệnh viện Sài Gòn M., Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa T.Th. Bình Chuẩn, Công ty TNHH Bệnh viện M. Miền Đông, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Ph.T.2, Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Ph.T, Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Quốc tế 368 S.G. và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa M. Dĩ An. Trong 9 bệnh viện, phòng khám được kết luận có dấu hiệu mua bán, cấp khống giấy nghỉ bệnh thì Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa M. Dĩ An dẫn đầu về số lượng cấp giấy nghỉ bệnh với 208 trường hợp và số tiền BHXH tỉnh buộc phải thu hồi là hơn 126 triệu đồng. Sai phạm trong 208 trường hợp cấp khống giấy nghỉ bệnh là bác sĩ không làm việc, không hưởng lương tại bệnh viện nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận nghỉ bệnh hoặc NLĐ không khám, chữa bệnh và cấp lùi ngày giấy chứng nhận.
Cũng với nội dung sai phạm này, Công ty TNHH Bệnh viện Sài Gòn M. buộc phải đóng để thu hồi số tiền hơn 116 triệu đồng. Đứng thứ 3 trong danh sách buộc thu hồi số tiền chi sai là Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Quốc tế 368 S.G. với hơn 43 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Bệnh viện M. Miền Đông buộc thu hồi hơn 31 triệu đồng; Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa T.Th. Bình Chuẩn hơn 22 triệu đồng. Các đơn vị còn lại cũng được BHXH tỉnh buộc thu hồi từ 10 triệu trở lên. Để tìm hiểu rõ hơn, P.V đã đến tận nơi, liên lạc với các cơ sở y tế trên nhưng một số đơn vị từ chối trả lời báo chí hoặc lấy lý do bận công tác sẽ trao đổi sau. Qua ghi nhận thực tế, hiện Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa T.Th. Bình Chuẩn (TP.Thuận An) đã sang nhượng lại cho một đơn vị khác.
Tình trạng mua bán, cấp khống giấy nghỉ việc, trục lợi quỹ BHXH là vấn đề không mới, đã tồn tại rất nhiều năm. Thậm chí nhiều phòng khám chủ yếu cấp giấy là chính, còn khám là... phụ, dẫn đến việc khám sai sót, nhầm lẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Năm 2020, BHXH tỉnh phát hiện 5 trường hợp đã tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở, gồm: Trạm Y tế phường Tân Đông Hiệp, Trung tâm Y tế TP.Dĩ An; Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo, Bệnh viện Đa khoa Năm Anh, Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa, Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, Trạm Y tế phường Bình An và Trung tâm Y tế TP.Dĩ An. Hay vào cuối năm 2021, cũng với nội dung bán, cấp khống giấy nghỉ bệnh, BHXH Bình Dương phối hợp với BHXH Đồng Nai tiến hành thu hồi số tiền gần 32 triệu đồng của Bệnh viện Đa khoa H.Ph. Sài Gòn (TP.Dĩ An) do cấp giấy nghỉ bệnh hưởng chế độ BHXH sai quy định cho 54 NLĐ ở Đồng Nai.
Điểm qua các vụ việc trên để thấy rằng việc cấp khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi quỹ BHXH đã kéo dài trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết dứt điểm. Thực trạng này rất cần biện pháp chế tài mạnh và đặc biệt là vai trò quản lý của các cơ quan liên quan, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” gây thất thoát quỹ BHXH Nhà nước. Đây phải chăng là lỗ hổng trong quản lý khi công tác kiểm tra, giám sát từ tuyến tỉnh đến các cơ sở còn chưa đạt hiệu quả, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, ngăn chặn nguy cơ trở thành mối nguy hại lớn.
Bức xúc vì bác sĩ hành nghề khám, chữa bệnh nhưng không giấy phép Những ngày qua, người dân ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An rất bức xúc với trường hợp của bác sĩ V.T.T, cư trú tại đường Xóm Đương, khu phố Thắng Lợi 2, phường Dĩ An. Bác sĩ V.T.T đang hành nghề khám, chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt nhưng không có giấy phép hoạt động. Việc làm này của bác sĩ T. đã gây bức xúc trong dư luận, người dân đặt câu hỏi về chất lượng trị liệu tại phòng khám này. |
HOÀNG LINH