Cắt đường liên thông

Cập nhật: 07-09-2011 | 00:00:00

Theo quy luật cung - cầu, khi vàng hoặc dầu tăng giá thì lập tức ngoại tệ giảm giá và ngược lại. Nắm rõ quy luật này giới đầu cơ đã huy động tiềm lực sẵn có kết hợp với khả năng nắm bắt, phân tích thông tin đã “phân hóa” vàng với dầu và ngoại tệ thành 3 trụ cột đối trọng nhau, dần dần phá vỡ quy luật ban đầu, thay vào đó là những “cơn sóng” thị trường để giới đầu cơ tham gia “lướt sóng”.

Nhìn lại thời gian gần đây khi giá vàng thế giới tăng cao đột biến đã tạo ra khoảng cách khá xa giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Các “đầu nậu” vàng đã nhanh tay chớp cơ hội bằng cách xuất khẩu trá hình vàng miếng, vàng thỏi ra thị trường bên ngoài bằng hình thức “vàng mỹ nghệ”: gạt tàn thuốc nặng cả ký lô; con voi, con heo, con hổ bằng vàng; bình bông, ghế đôn, chén, tô, mặt bàn... bằng vàng! Khi lượng vàng hàng hóa bị đem đi xuất khẩu với số lượng lớn, thì lượng vàng thương phẩm trong nước khan hiếm, tất yếu xảy ra tăng giá mà không theo quy luật; cộng thêm tâm lý đám đông, chỉ nghe thông tin mà không nắm vững bản chất đã dùng tiền nhàn rỗi đổ xô đi mua vàng rồi dẫn đến kết cục “mua đỉnh, bán đáy”.

Cũng như vàng và dầu, những người kinh doanh ngoại tệ cũng mưu lược không kém, chỉ chờ thời cơ thuận lợi là tung hoành. Nhìn lại diễn biến thị trường từ đầu năm đến giờ sẽ thấy: Sau khi Chính phủ có chính sách thắt chặt tiền tệ; cấm kinh doanh ngoại tệ đối với cá nhân, doanh nghiệp không có chức năng; hạn chế giao dịch bằng vàng, thay vào đó là hình thức niêm yết giá công khai, nhằm chống lạm phát, thì lãi suất ngân hàng tăng vọt đối với Việt Nam đồng, nhưng lãi vay ngoại tệ thì quá thấp đã dẫn đến thực trạng: người có ngoại tệ thì tìm cách bán ngoại tệ để lấy tiền đồng, sau đó quay lại ngân hàng vay ngoại tệ với lãi suất thấp (thấp hơn so với vay tiền đồng) đã tạo ra cơn “sốt” ngoại tệ. Điều này cũng dẫn đến kết cục ngoài ý muốn là ngoại tệ 2 giá...

Có thể hình dung câu chuyện này giống như quy luật “bình thông nhau” trong vật lý, nên mới đây sau cuộc họp giữa ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần đã đi đến thống nhất quyết định: Duy trì trần lãi suất ổn định từ nay đến cuối năm là 14%, lãi suất cho vay dao động từ 17% đến 19%. Bên cạnh đó yếu tố mang tính chất quyết định được dư luận đánh giá cao là “Người có nhu cầu vay ngoại tệ phải có thu nhập từ ngoại tệ hoặc có nhu cầu chính đáng khác”. Cùng với quyết định cấm giao dịch ngoại tệ đối với cá nhân, doanh nghiệp không đủ chức năng; ổn định trần lãi suất và đặc biệt là “không cho vay ngoại tệ đối với cá nhân, doanh nghiệp không có thu nhập ngoại tệ hoặc không có nhu cầu sử dụng chính đáng” thì “cái bình” liên thông không tích cực đã bị cắt đứt. Một bài học kinh điển nhưng vẫn đúng đó là: “Thị trường vận động theo quy luật, ai nắm rõ quy luật người đó thắng”. Hơn thế nữa là ở góc độ quản lý, là trọng tài trong một sân chơi bình đẳng thì nhà quản lý phải là người ra tay thổi còi kịp thời một khi có ai đó lợi dụng quy luật để đầu cơ trục lợi, gây rối thị  trường...

Duy Chí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên