Câu chuyện làm ăn: Nghề nuôi ong lấy mật lưu động

Cập nhật: 15-04-2010 | 00:00:00

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, khi cây cao su ra lá non và bắt đầu đơm hoa kết trái thì những người nuôi ong lấy mật ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận... lại đưa ong đến các lô cao su ở huyện Dầu Tiếng để “chăn dắt” ong tìm hoa lấy mật.

Nghề nuôi ong lưu động cho thu nhập cao nhưng cũng gặp không ít khó khănTiếp xúc với những người nuôi ong lấy mật, chúng tôi được họ cho biết: “Sở dĩ chúng tôi đưa những thùng ong đến đây để “chăn dắt” là vì ở đây có diện tích cao su rộng lớn, hoa của cây cao su cho nhiều phấn hoa hơn so với các loại cây khác, vì vậy năng suất và chất lượng mật cao hơn và tốt hơn”. Những người nuôi ong cũng cho biết thêm, quy trình nuôi ong lấy mật khá đơn giản, chỉ cần đóng các thùng ong bằng gỗ hoặc bằng nhựa có chiều dài khoảng 60cm, chiều cao khoảng 40cm, bên trong các thùng làm các thanh ngang dựng đứng để ong tạo sáp và làm mật. Mỗi thùng có một con ong chúa để tạo phấn và giữ cho đàn ong không bay đi nơi khác. Trao đổi với chúng tôi, một nông dân ở huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chuyên phụ trách công đoạn ép sáp lấy mật cho biết: “Từ khi đưa ong đến, khoảng 10 ngày sau, tùy theo điều kiện thời tiết là có thể ép sáp lấy mật. Công đoạn này là quan trọng nhất, vì nếu sơ suất thì chất lượng mật ong bị giảm sút, khi bán cho các công ty chuyên chế biến mật ong giá sẽ không cao”.

Công việc nuôi ong lấy mật lưu động không tốn nhiều công sức và nhân công nhưng lại cho thu nhập khá cao. Một nhân công có thể trông coi khoảng 300 thùng ong, sau 10 - 12 ngày là có thể thu hoạch khoảng 1,5 tấn mật. Sau khi thu hoạch mật xong sẽ có công ty chuyên chế biến mật ong đến tận nơi để mua với giá từ 18.000 - 20.000 đồng/lít mật, tùy theo chất lượng mật. Nếu trừ chi phí, mỗi lần thu hoạch mật người nuôi ong còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, để có những thùng ong thì giá đầu tư ban đầu cũng không nhỏ và quan trọng nhất là phải biết kỹ thuật nuôi và nhân đàn.

Thu nhập cao, thuận lợi bởi nuôi ong chỉ dựa vào nguồn phấn hoa thiên nhiên, tuy nhiên người nuôi ong, nhất là những người nuôi ong lưu động cũng gặp không ít khó khăn vì phải luôn di chuyển theo nguồn hoa, vùng hoa nên thường nay đây, mai đó. Bên cạnh đó là khi gặp thời tiết khí hậu thất thường, ong mật lại rất mẫn cảm với thời tiết nên người nuôi ong phải nhanh chóng di chuyển đàn ong đến nơi có khí hậu phù hợp làm tăng chi phí đầu vào. Đó là chưa kể ong nuôi hay bị dịch bệnh, phổ biến là bệnh về tiêu hóa, ký sinh trùng, bệnh thối ấu trùng do vi-rút... Và nếu không biết cách phòng trị thì kể như mất trắng.

HOÀNG MỪNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=432
Quay lên trên