Các phương tiện truyền thông tuần này đang lao xao mấy "nghi án" đậm chất bi hài.
Một ông giám đốc sở hé lộ việc mình đã tốn 17.000 USD để có tấm bằng tiến sĩ do một trường đại học ở Mỹ cấp, cho dù bản thân ông không hề rành tiếng Anh và cũng chưa sang đó học ngày nào. Một cô thí sinh chưa phát lộ tài năng đã dám chi cho ban tổ chức 200 triệu đồng với đoan chắc sẽ được gài lên đầu chiếc vương miện hoa hậu cuộc thi Ngôi sao điện ảnh triển vọng 2010.
Những chuyện trên không mới mẻ nhưng tạo được "tiếng vang" chỉ vì các nhân vật trong cuộc dám công khai danh tánh và nội tình của họ. Nội tình ấy về bản chất là sự giao dịch mua bán những thứ không được pháp luật và đạo đức cho phép. Hé lộ chuyện chẳng hay ho đó cho thiên hạ biết, điều gì khiến ông giám đốc và cô thí sinh ấy dám làm nếu không phải vì họ thật sự có niềm tin rằng họ có thể mua những gì người ta dám bán!
Niềm tin - đó mới chính là vấn đề cần bàn trong câu chuyện không vui này.
Nếu cô thí sinh nọ nhận được từ ban tổ chức danh hiệu hoa hậu bằng tiền chứ không phải bằng tài năng thì việc gì cô phải xây dựng niềm tin về lẽ công bằng và lòng tự trọng nữa - mặc cho đó là những giá trị cốt lõi của một xã hội bền vững.
Khi ông giám đốc sở kia không cần khổ học vẫn mua được tấm bằng tiến sĩ ở tận Hoa Kỳ và vì vậy có thể sẽ được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo nữa thì việc gì ông phải xây dựng niềm tin vào thuyết "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"!
Bàn chuyện niềm tin trong cuộc sống lại nhớ cách đây nhiều năm đã từng có những cô gái tài năng và nghị lực có đủ, vậy mà khi bước vào chốn trường thi trận bút cũng phải dùng đến cái bài phổ biến trong nhân gian "đồng tiền đi trước đồng tiền khôn".
Ðược giám khảo khách quan chấm thành tích cao ở các vòng thi, đến vòng cuối cùng cô thí sinh sáng giá nọ cũng vẫn chưa đủ niềm tin vào năng lực có thực của mình và vào sự công bằng của thời buổi "có tiền mua tiên cũng được". Cô bạo gan chuyển đến vị trưởng ban tổ chức và cũng là thành viên ban giám khảo một phong bì khá nặng...
Ai đó đã xúi cô làm việc ấy để được kết quả chắc ăn. Nhưng ai đó và cả cô nữa đã không ngờ tới cái kết khác với tưởng tượng. Chẳng những cô thí sinh được nhận lại nguyên vẹn phong bì tiền mà cô còn được vị trưởng ban tổ chức ấy chân tình khuyên bảo chỉ cần cô giữ được phong độ tốt như từ đầu cuộc thi đến giờ, rằng cô quả thực có năng lực và trước khi có chuyện đưa tiền này thì cô vẫn là người có nhân cách tốt, và nếu cô tiếp tục sống tốt sau cuộc thi - cho dù đạt hay không đạt danh hiệu mà cô mong đợi - thì câu chuyện không hay này sẽ được giấu kín mãi mãi.
Gần 20 năm qua, cô thí sinh năm xưa quả thực đã sống rất tốt, cô nhận được nhiều tiếng khen về một người phụ nữ vừa có nhan sắc, vừa có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc cao. Cô đã lập gia đình và sống rất hạnh phúc. Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với một nữ nghệ sĩ trẻ vừa có nhan sắc, vừa có tài hát hay múa giỏi.
Do chưa đủ niềm tin vào lẽ công bằng và có lẽ cũng do có ai đó xúi bẩy bằng kinh nghiệm của chính họ về "thủ tục đầu tiên" khi đến chốn công đường. Cô nghệ sĩ trẻ cũng đã được giải quyết tương tự trường hợp nói trên. Hiện giờ cô nghệ sĩ trẻ ấy là một ngôi sao thật sự có tài diễn xuất, chiếm được thiện cảm của giới nghệ thuật và người hâm mộ.
Vậy là khi nổ ra vụ xìcăngđan ông giám đốc sở mua tấm bằng tiến sĩ trị giá 17.000 USD, cô thí sinh và 200 triệu đồng cho danh hiệu "hoa hậu điện ảnh", vấn đề hóa ra không chỉ là chuyện giờ đây người ta đang cả gan mua gì và bán gì.
Câu chuyện nằm ở chỗ để gìn giữ niềm tin vào cuộc sống với các giá trị cốt lõi của nó như tri thức, lao động, tình yêu, sự công bằng, sự trung thực, nhất là ở một đất nước đang có quá nhiều cuộc thi thố như chúng ta hiện nay, cần có những người, những tổ chức biết thật sự quý trọng các giá trị ấy và biết cầm cân nảy mực từ những công việc giản đơn nhất, những tổ chức nhỏ nhất...
(THEO TUỔI TRẺ)