Câu chuyện thương hiệu ngành dệt may

Cập nhật: 22-08-2020 | 09:35:12

Để giải quyết thành công bài toán thị trường trong nước và xuất khẩu, vấn đề thương hiệu đang được cho là định hướng chiến lược của ngành dệt may. Thương hiệu lâu nay đã bị bỏ quên, hay thậm chí bị gạt sang một bên do chưa có tầm nhìn dài hạn trong phát triển.

Nhân đây, lại nhớ một câu chuyện khá “chạnh lòng” được Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhắc lại nhiều lần như là ví dụ điển hình về điểm yếu thách thức cần phải vượt qua của ngành. Đó là trường hợp tổng giám đốc một nhà máy sản xuất ngành sợi và dệt của Ý, khi sang Việt Nam tham dự triển lãm thời trang đã không tiếc tiền mua 50 chiếc áo sơ mi mang thương hiệu San Sciaro của Việt Tiến. Vị khách từng thốt lên rằng dù đẹp, giá rẻ nhưng điểm yếu nhất của thời trang Việt là không tìm ra cách thức quảng bá thương hiệu một cách bài bản, chuyên nghiệp. Doanh nghiệp rất vui vì được khen sản phẩm giá rẻ và mẫu mã đẹp nhưng chắc chắn không tránh khỏi sự chạnh lòng. Và điều này đặt ra câu hỏi vì sao sản phẩm may mặc của Việt Nam dù đẹp, rẻ song vẫn chưa có nhiều thương hiệu vươn ra khỏi “ao làng”.

Trong những năm qua, ngành dệt may đã nhận thức rõ muốn phát triển bền vững và tăng phần giá trị thì phải chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công (CMT) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Một vài doanh nghiệp may quy mô lớn bước đầu đạt được mục tiêu chuyển đổi, nhưng con số này còn rất nhỏ. ODM hay OBM hiện vượt xa năng lực của đa số doanh nghiệp, vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu về mặt quản trị lẫn vốn đầu tư công nghệ, máy móc. Song đến nay, đa phần các doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp an toàn là may gia công. Bởi để phát triển thương hiệu, doanh nghiệp phải đầu tư vào máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tiếp thị, đảm nhận được các khâu có giá trị gia tăng cao từ xây dựng thương hiệu, thiết kế, đến tự chủ về nguyên liệu và bán thành phẩm. Mà đây là các bước đi quá khó…

Song khó không có nghĩa là không làm được. Các doanh nghiệp cần phát huy lòng tự tôn, sự quả cảm vốn có của người Việt để có thể bước đi những bước vững vàng. Quan trọng hơn cả, điều mà các doanh nghiệp cũng mong muốn những người làm chính sách thấu hiểu để có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp phát triển, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.

MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=421
Quay lên trên