Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau: Cần sự hỗ trợ để tiếp tục phát triển

Thứ hai, ngày 26/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Ứng phó với nguy cơ già hóa dân số, Bình Dương chủ động thực hiện đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2021-2025. Trước những khó khăn, đại diện Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ kiến nghị các cơ quan chức năng chung tay tháo gỡ, để câu lạc bộ tiếp tục phát triển và nhân rộng.

 Ông Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025

 Cần chương trình hỗ trợ dài hạn

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 133 Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau với 10.486 thành viên. Trong đó, người cao tuổi (NCT) là 4.804 người; thành viên hội phụ nữ là 4.684 người; 998 người là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết nhân dân nói chung và NCT nói riêng rất đồng tình với việc thành lập CLB liên thế hệ tự giúp nhau, nhưng mọi hoạt động đều từ nguồn lực vận động, vì vậy các CLB hoạt động không ổn định, việc hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế.

Giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí của tỉnh và huyện bố trí thực hiện đề án khoảng hơn 2,6 tỷ đồng. Hoạt động của các CLB chưa đa dạng về nội dung, hình thức. Thành viên CLB đa số là NCT, nữ; độ tuổi từ 60 trở lên; đời sống gia đình tạm đủ ăn; hàng ngày vẫn vất vả mưu sinh nên chỉ tự giúp nhau về mặt tinh thần, rất khó giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Một số địa phương chưa thành lập được Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT nên chưa có nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động của CLB nói riêng và Hội NCT nói chung.

 Tính đến quý I năm 2025, toàn tỉnh có 102.208 người cao tuổi. Hiện 100% xã, phường, thị trấn đều thành lập, đưa vào hoạt động CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

Tại hội nghị tổng kết đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cho biết những năm qua mô hình này không chỉ phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ NCT cả về vật chất lẫn tinh thần, mà còn khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng các thành viên vẫn quan tâm, đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những NCT có hoàn cảnh khó khăn, NCT sống một mình.

Để mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau tiếp tục nhân rộng, nhiều đại biểu kiến nghị các cơ quan chức năng đưa CLB vào chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc NCT. Ngành chức năng cần chỉ đạo các xã, phường ưu tiên bố trí quỹ đất, cơ sở vật chất cho hoạt động của CLB liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động. Đặc biệt, các ngành cần hỗ trợ ngân sách khởi tạo, tạo điều kiện để các CLB có nguồn vốn quay vòng giúp đỡ hội viên khó khăn.

Cần sự vào cuộc của các sở, ngành

Cùng với việc kiến nghị Trung ương, đại diện Ban Chủ nhiệm các CLB cũng gửi kiến nghị đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, du lịch dành cho thành viên CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Sở Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ theo đúng quy định hoặc tham mưu hỗ trợ nguồn kinh phí cho CLB liên thế hệ tự giúp nhau theo cơ chế đặc thù của tỉnh (nếu có) để tạo sự đột phá cho hoạt động của CLB tại các địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số cho công tác quản lý, vận hành, truyền thông các hoạt động của các CLB.

Ông Phan Đức Tín, Chủ tịch Hội NCT TP.Bến Cát, cho biết hiện thành viên CLB liên thế hệ tự giúp nhau của địa phương chủ yếu là NCT nghèo, cận nghèo, sống cô đơn, gặp nhiều khó khăn để thoát nghèo bền vững và cải thiện cuộc sống. Theo thống kê, hiện TP.Bến Cát có 12.321 NCT, trong đó có trên 70% phải tự lao động kiếm sống và nhờ sự hỗ trợ của con cháu, người thân; chỉ khoảng 25% NCT có lương hưu, có trợ cấp xã hội nên mục tiêu giúp nhau cải thiện cuộc sống rất khó thực hiện.

Cũng theo ông Phan Đức Tín, theo quy định “Tùy theo điều kiện địa phương, mỗi CLB được hỗ trợ vốn ban đầu số tiền từ 20 - 30 triệu đồng làm quỹ cho thành viên mượn vốn chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ”. Việc này UBND các xã, phường khó thực hiện được, vì không tìm được nguồn kinh phí nào để hỗ trợ CLB. “Cũng vì nguồn kinh phí ban đầu này mà việc thành lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở Bến Cát vẫn chưa thực hiện được. Không có nguồn kinh phí từ Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT nên không thể hỗ trợ cho CLB liên thế hệ”, ông Phan Đức Tín nói.

 Đề cập đến giải pháp phát triển, nhân rộng mô hình, ông Quách Trung Nguyên kiến nghị Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Y tế) và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, đề án phát triển mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thời kỳ mới của đất nước.

Hai đơn vị tiếp tục làm đầu mối vận động chính sách, tài trợ quốc tế cho mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Đặc biệt, cần tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo chung về việc nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau trong cả nước, coi đây là giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về già hóa dân số chủ động; phê duyệt đề án hoặc chương trình hỗ trợ dài hạn cho các CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

 KIM HÀ