“Cầu nối” hàn gắn những rạn nứt…

Thứ sáu, ngày 02/07/2021

(BDO) Mang trên mình “trọng trách” là hòa giải viên, những nơi có xích mích thì họ lại đến với vai trò là “cầu nối” để lắng nghe, chia sẻ, thăm hỏi. Họ cần mẫn với công việc để rồi vun đắp cho tình làng, nghĩa xóm thêm thân thiết, hóa giải mâu thuẫn, giữ bình yên cho xóm làng, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.


Bà Nguyễn Thị Thu Trang (bên phải) vận động chủ nhà trọ giảm tiền phòng và nhắc nhở người ở trọ chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh

Luôn có mặt ở các “điểm nóng”

Ông Phạm Văn Bé, Trưởng khu phố Khánh Hòa (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) là người có “thâm niên” trong công tác hòa giải. Hơn 30 năm tham gia hòa giải hàng ngàn vụ việc, sau mỗi trường hợp hòa giải thành, ông như có thêm sức mạnh để gắn bó với công việc này.

Bà con trong khu phố gọi ông là chú Mười, có việc gì thì cứ gọi chú Mười tới hòa giải vì chú rất “mát tay”, ông nói là người ta nghe. Có lần hai anh em họ tranh chấp lối đi chung, người em bị bít lối đi nên tức giận mang dao rượt đánh cả nhà người anh. Hay tin, ông đến ngay. Sau khi lực lượng công an đã làm việc, ông gặp từng thành viên trong nhà để hỏi thăm tình hình rồi ghi nhận, ngày hôm sau ông lại ghé thăm nói chuyện. Cứ như vậy, sau một tháng thì hai anh em vui vẻ hòa thuận và rút đơn kiện. Họ cùng làm cam kết không tranh chấp nữa. Từ đó, họ quý ông Mười như người thân.

Ông Mười bộc bạch, những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không giải quyết kịp thời thì từ chuyện nhỏ sẽ thành chuyện lớn hơn. Từ tranh chấp về lối đi có thể trở thành vụ án hình sự, phá vỡ sự hòa thuận, hạnh phúc, yên vui của mỗi gia đình. “Làm công tác hòa giải phải nắm vững chính sách, pháp luật. Phải tế nhị, hài hòa, phân tích có lý, hợp tình mới xoa dịu được không khí căng thẳng trong quá trình tranh chấp”, ông cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Mười, để hòa giải thành công, các hòa giải viên cần có kiến thức pháp luật. Nhất là các đạo luật có liên quan trực tiếp đến đời sống như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính để có thể tuyên truyền, giải thích cho những người liên quan hiểu vấn đề.

Kết nối yêu thương

Là người có duyên với công tác hòa giải, nhiều năm nay bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khu phố 8, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một ngày ngày se mối dây tình cảm gắn kết cho biết bao gia đình “gương vỡ lại lành”.

Bà Trang kể có gia đình nọ hai vợ chồng đang sống ly thân vì tật xấu của anh chồng là hay nhậu, cứ nhậu vào là chửi vợ, chửi cả hàng xóm nên ai cũng ngại. Có khi 10 giờ đêm mà hàng xóm còn gọi điện thoại cho bà sang giải quyết vì họ bị làm phiền. Qua tìm hiểu, bà Trang biết được gia cảnh họ rất khó khăn, nhà có hai con nhỏ và vợ bị tật, cơm áo đè nặng lên vai người chồng nên làm bữa nào tiền hết bữa nấy, từ đó anh chồng đâm ra cáu gắt. Hiểu được hoàn cảnh, bà Trang khuyên người vợ nên nhịn chồng, không cãi lại mỗi khi chồng đã uống rượu. Bà cũng khuyên anh chồng bớt nhậu để tỉnh táo hơn. Vào những dịp lễ, tết bà đến thăm hỏi và tặng những phần quà rồi động viên nên bây giờ hai vợ chồng nọ không còn cãi nhau như trước nữa.

Vào những ngày này, khi dịch bệnh bùng phát, bà Trang thường đến các khu nhà trọ thăm hỏi, nắm bắt tình hình và động viên mọi người chấp hành tốt các chủ trương mà thành phố đề ra. Bà cũng vận động các chủ nhà trọ giảm tiền phòng và hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp người ở trọ an tâm hơn. Việc làm của bà được người dân ủng hộ, càng tạo thêm động lực cho bà và những người xung quanh tiếp tục phần việc mà họ đã chọn.

Có thể nói, đội ngũ hòa giải viên cơ sở luôn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống thường nhật và cả những sự việc “nóng”. Qua đó, góp phần kéo giảm được đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp xảy ra. Toàn tỉnh hiện có 591 tổ hòa giải, mỗi tổ có từ 5 - 9 hòa giải viên tùy theo địa bàn và khu vực. Hiện cả tỉnh có tổng cộng 4.264 hòa giải viên.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 262 đơn (tăng 61 đơn so với cùng kỳ năm 2020). Các tổ đưa ra hòa giải 256 đơn, đạt 98%. Trong đó hòa giải thành được 227 đơn, đạt 88,7% (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020). Trong năm 2020, các tổ hòa giải ở khu phố, ấp đã tiếp nhận 1.272 đơn, đưa ra hòa giải 1.272 đơn (đạt 100%, vượt 5% kế hoạch đề ra). Hòa giải thành 1.104/1272 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành 86,8% (vượt 1,8% kế hoạch của tỉnh đề ra).

Toàn tỉnh hiện có 591 tổ hòa giải với 4.264 hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 262 đơn (tăng 61 đơn so với cùng kỳ năm 2020). Các tổ đưa ra hòa giải 256 đơn, đạt 98%. Trong đó hòa giải thành được 227 đơn, đạt 88,7% (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Trong năm 2020, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.272 đơn, đưa ra hòa giải 1.272 đơn (đạt 100%, vượt 5% kế hoạch đề ra). Hòa giải thành 1.104 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành 86,8% (vượt 1,8% kế hoạch của tỉnh đề ra).

 QUỲNH ANH