Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn, TP.Thuận An) là một trong những HTX hoạt động hiệu quả và tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên. Thành lập năm 2017, HTX đã trở thành mái nhà chung, các thành viên thường xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển sản xuất.
Các thành viên trong HTX trao đổi kinh nghiệm về phòng trừ sâu bệnh trên cây măng cụt
HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn ra đời gồm những thành viên tâm huyết với cây măng cụt, đã và đang nỗ lực giữ vững thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ. HTX có số vốn điều lệ 200 triệu đồng, hoạt động trên lĩnh vực chăm sóc vườn cây ăn trái, cung ứng, thu mua cây giống, các loại trái cây, chủ lực là măng cụt, phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ nông nghiệp.
Đặc biệt, HTX phát triển sản xuất theo hướng VietGAP. Ông Nguyễn Văn Ngoan, chủ vườn cây đặc sản măng cụt rộng hơn 6.000m2 tại ấp An Mỹ, xã An Sơn cho biết, kể từ khi tham gia HTX, ông đã được học tập rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức bổ ích từ các thành viên khác cũng như qua các lớp tập huấn, hội thảo. Trong quá trình phát triển vườn măng cụt theo tiêu chuẩn VietGAP, phải bảo đảm từ khâu kiểm tra về mức độ an toàn nước, đất đến quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM... Đồng thời, ông đã được hướng dẫn làm hố lọc để xử lý thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại, bảo đảm an toàn cho môi trường và sức khỏe con người… Đây là những kiến thức rất bổ ích và cần thiết để tạo ra sản phẩm nông sản sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Cũng theo ông Ngoan, ngoài măng cụt còn có 100 gốc bưởi da xanh cho trái quanh năm, dừa, chuối, mít tố nữ, ao cá. Vườn cây tỏa bóng mát và cho trái quanh năm là điều kiện tuyệt vời có thể phát triển du lịch sinh thái, khám phá, tìm hiểm về đất và người Lái Thiêu.
Măng cụt Lái Thiêu là đặc sản nổi tiếng gần xa, được tổ chức kỷ lục Việt Nam vinh danh trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam vào năm 2012. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh khiến diện tích vườn cây, trong đó chủ yếu là măng cụt ngày càng giảm. Do đó, HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn ra đời nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển vườn cây măng cụt. |
Chị Trần Thị Lâm Trưng, chủ vườn cây măng cụt ngụ tại ấp Phú Hưng, xã An Sơn cho biết, chị là thành viên trẻ nhất của HTX. Chị rất tâm huyết với vườn cây măng cụt mà gia đình đã để lại. Hiện vườn cây của chị có khoảng 6.000m2 với gần 200 gốc măng cụt có độ tuổi 30 năm. Tham gia HTX chị học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc vườn cây từ các thành viên khác. Nhờ đó, vườn măng của chị ngày càng phát triển và cho năng suất cao hơn.
Ông Trần Văn Chính, ngụ tại ấp An Quới, thành viên HTX cho biết, hiện vườn cây của ông có diện tích khoảng 15.000m2, trồng chủ yếu là măng cụt với gần 200 gốc. Ông còn kết hợp trồng thêm các loại cây ăn trái khác như xoài, dừa, cau, dâu, cây phát tài để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn. Mỗi năm, vườn măng cụt chỉ cho 1 vụ. So với năm trước, vụ măng cụt năm nay không bằng. Với thâm niên chăm sóc cây măng cụt, ông thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các thành viên khác để cùng phát triển. Tham gia HTX đã giúp ông tìm được đầu ra cho sản phẩm ổn định, giá cả cao hơn so với bán cho thương lái.
Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc HTX cho biết, mục tiêu hoạt động của HTX là hình thành hệ thống quản lý an toàn, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, năng suất sản phẩm dịch vụ, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên. Kể từ khi thành lập đến nay, HTX đã duy trì trang điện tử riêng nhằm quảng bá sản phẩm, thương hiệu măng cụt Lái Thiêu theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, nhiều đối tác có thể truy cập tìm kiếm thông tin, đặt hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Ngoài chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây đặc sản của tỉnh, các thành viên trong HTX còn được hưởng thêm 30% vật tư chăm sóc vườn cây theo hướng VietGAP. Theo thống kê của HTX, so với năm trước, mùa măng cụt năm nay không bằng, sản lượng cung ứng ra thị trường thấp hơn. Năm nay, HTX cung cấp từ 4,5 đến 5 tấn măng cụt đi các nơi như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá thành từ 65 đến 70.000 đồng/kg. Ông Viễn cho biết, thành lập HTX đã khó, giữ vững càng khó hơn. Các thành viên mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ thêm, nhất là duy trì hiệu quả kinh tế từ vườn cây, trong đó cần phát triển du lịch sinh thái vườn để HTX hoạt động ổn định.
VĂN TIẾN