Bài 2: Hàng loạt sai phạm ở các cơ sở sản xuất
Bài 1:“Tiền hậu bất nhất”, có hay không?
Có thể thấy, Bình Dương đã triển khai thực hiện nghiêm túc lộ trình di dời các lò gạch ngói thủ công ra khỏi khu dân cư, đô thị, tiến đến chấm dứt hoạt động của các lò thủ công vào năm 2010. Trong quá trình đó, tỉnh luôn nhất quán định hướng chuyển đổi công nghệ lò nung thủ công sang lò Tuynel theo Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, hoàn toàn không có định hướng phát triển theo công nghệ lò Hoffman. Chủ trương, lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman cũng đã được tỉnh Bình Dương triển khai xuyên suốt từ năm 2010, thông qua các quy định, thông báo, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, UBND các huyện, thị xã đã thông báo, triển khai đến từng cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Một lò gạch Hoffman ở TX.Tân Uyên gây ô nhiễm môi trường sống khu dân cư Ảnh: T.BÌNH
Thế nhưng, các lò gạch Hoffman tự phát vẫn tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa, từ 5 cơ sở vào năm 2009 đã tăng lên 51 cơ sở vào năm 2010 và 106 cơ sở vào năm 2012; bất chấp quy hoạch phát triển ngành nghề sản xuất công nghiệp theo quy định tại các Quyết định 181/2006/ QĐ-UBND, 58/2008/QĐ-UBND, 49/2011/QĐ-UBND và chỉ đạo tại Công văn số 1867/UBND-VX của UBND tỉnh. Không chỉ vi phạm quy định của tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động, các cơ sở sản xuất gạch Hoffman còn vi phạm hàng loạt các quy định liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.
Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại: Theo quy định tại điều 170 Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập và hoạt động theo hình thức doanh nghiệp; Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định: Sau khi được thành lập và đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất phải có báo cáo đầu tư (trong đó phải đăng ký giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất, địa điểm đầu tư phù hợp với quy hoạch) và được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi triển khai đầu tư và đi vào hoạt động.
Theo rà soát của Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư vào tháng 6- 2012; trong số 106 cơ sở sản xuất gạch ngói theo công nghệ lò nung Hoffman, 100% cơ sở đều có đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở đều không thành lập doanh nghiệp mà chỉ đăng ký kinh doanh và hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh; trong đó có 40 cơ sở đăng ký công nghệ sản xuất lò Tuynel nhưng lại sản xuất theo công nghệ Hoffman, 45 cơ sở đăng ký sản xuất gạch ngói thủ công từ trước năm 2010 (tự ý chuyển đổi sang công nghệ Hoffman), 1 cơ sở đăng ký sản xuất gốm sứ nhưng thực tế sản xuất gạch Hoffman, có 10 cơ sở không kê khai rõ công nghệ sản xuất và chỉ có duy nhất 1 cơ sở được cấp phép thí điểm lò Hoffman. Do không thành lập doanh nghiệp nên các cơ sở này tiếp tục vi phạm về báo cáo, chấp thuận đầu tư theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
Đáng chú ý, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng khi một số cơ sở sản xuất gạch nung theo công nghệ Hoffman nhưng lại gắn mác Tuynel, vi phạm Luật Thương mại và Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30-9-2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất: Nghị định 84/2007/NĐ-CP và Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Doanh nghiệp sau khi được chấp thuận địa điểm đầu tư, có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất, kinh doanh (hoặc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin thuê đất sản xuất, kinh doanh) và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các cơ sở này đều sử dụng đất không đúng mục đích (chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng và nộp tiền sử dụng đất); thậm chí có nhiều trường hợp đầu tư xây dựng, sản xuất lò gạch ngay trên đất nông nghiệp trồng lúa nước, vi phạm nghiêm trọng chính sách bảo vệ diện tích đất lúa của Chính phủ.
Lĩnh vực Xây dựng: Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (được thay thế bởi Nghị định số 64/2012/ NĐ-CP) và Nghị định số 209/2004/NĐ- CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định: Chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng công trình; đồng thời thiết kế phải được thẩm định, quy mô, vị trí công trình phải phù hợp với quy hoạch... Thế nhưng, hầu hết các lò gạch Hoffman đều xây dựng không phép hoặc sai phép, sai quy hoạch và không được thẩm định thiết kế.
Trong lĩnh vực môi trường: Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 80/2006/ NĐ-CP, Nghị định 21/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật và Nghị định 29/2011/NĐ-CP về đánh giá tác động, cam kết bảo vệ môi trường có quy định: khi chuẩn bị đầu tư hoặc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, quy mô đầu tư, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói có công suất thiết kế từ 1 triệu viên/năm trở lên phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và quá trình hoạt động phải triển khai phương án bảo vệ môi trường. Trên thực tế, các cơ sở sản xuất gạch Hoffman đều không tuân thủ các quy định này, không có báo cáo đánh giá tác động và phương án bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không được kiểm soát diễn ra thường xuyên, gây thiệt hại hoa màu và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động tại cơ sở cũng như dân cư trong khu vực xung quanh.
Trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản: Luật Khoáng sản, Nghị định 07/2009/NĐ-CP, Nghị định 15/2012/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng quy định: khoáng sản (đất sét) dùng làm vật liệu xây dựng phải có nguồn gốc rõ ràng, doanh nghiệp phải có giấy phép khai thác khoáng sản. Thế nhưng, vì mục đích lợi nhuận, các cơ sở sản xuất thu mua nguyên liệu đất sét giá rẻ không rõ nguồn gốc, một số cơ sở còn tự ý mua ruộng và khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất không đúng quy hoạch, không có giấy phép khai thác khoáng sản.
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng lao động: qua khảo sát, có nhiều cơ sở gạch Hoffman sử dụng lao động trẻ em, người lớn tuổi làm việc trong môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Mặt khác, hầu hết các cơ sở cũng không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, vi phạm quy định của pháp luật lao động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Những vi phạm trên đã bị cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện, xử phạt. Riêng một số vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh (xây dựng, hoạt động không phép hoặc sai phép) là đặc biệt nghiêm trọng và nhiều trường hợp đã có dấu hiệu phạm tội “Kinh doanh trái phép” quy định tại điều 159 Bộ luật Hình sự nhưng chưa được xử lý triệt để. Cách duy nhất để khắc phục là các cơ sở phải chấm dứt hoạt động, chuyển địa điểm đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, thay đổi công nghệ sản xuất và phải đăng ký kinh doanh, báo cáo đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép xây dựng như trường hợp thành lập mới.
Rõ ràng, trong câu chuyện này có một phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền cấp huyện, cấp xã ở một số nơi đã thiếu chặt chẽ trong quản lý địa bàn, để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt các lò gạch Hoffman trái với quy định, chủ trương chung và thiếu cương quyết trong xử lý, chấm dứt hoạt động của các cơ sở hoạt động không phép, sai phép ngay từ khi mới phát sinh.
Tuy nhiên, không thể lấy lý do này để biện minh cho các hành vi vi phạm chủ trương chính sách, pháp luật một cách có hệ thống và kéo dài của các cơ sở sản xuất nêu trên, vì bên cạnh nguyên tắc “tự do kinh doanh”, cần phải nhớ rằng: mọi tổ chức, công dân đều phải sống, làm việc và hoạt động theo pháp luật; mọi người khi tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh thì có nghĩa vụ phải tìm hiểu và tuân thủ, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan.
SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG