Chăm lo cho “vốn quý”

Cập nhật: 15-04-2022 | 08:56:58

 Như bao người lao động (NLĐ) khác từ vùng nông thôn tìm đến các nhà máy làm việc tại những đô thị lớn phát triển về công nghiệp, chị Lữ Thị Minh (quê tỉnh Thanh Hóa) cũng mang theo nỗi niềm mong muốn có một công việc ổn định với thu nhập không ngừng được cải thiện, bảo đảm đời sống, môi trường làm việc an toàn để có cơ hội phát triển.

 Công nhân lao động Công ty Cổ phần S-Furniture tham gia hoạt động thể thao giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng

 Công ty là nhà

Sinh ra và lớn lên trong gia đình gắn bó với nghề nông nghiệp, sau khi lấy chồng chị Lữ Thị Minh cũng được bố mẹ chia cho ít ruộng để làm kế sinh nhai. Công việc ruộng đồng vất vả, hàng ngày lam lũ ngoài ruộng đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thường xuyên chịu cảnh được giá thì mất mùa và được mùa thì mất giá, thu nhập bấp bênh khiến cho cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau khi bàn đi tính lại, 2 vợ chồng chị Minh quyết định gửi 2 đứa con đang tuổi ăn học cho ông bà nội chăm nom giúp để nam tiến tìm kế sinh nhai.

Ngày đầu vào Bình Dương mọi thứ đều mới lạ, đường đi nước bước không biết cũng may được sự giúp đỡ của những người bạn cùng quê vào đây trước, vợ chồng anh chị cũng sớm xin được việc làm công nhân ở công ty chuyên gia công hàng may mặc. Thời điểm ấy, chị Minh vào làm việc ở công ty cũng giống như người “chân ướt chân ráo bước vào nghề” chưa có kinh nghiệm, công việc vất vả nhưng thu nhập của 2 vợ chồng cộng lại hàng tháng cũng chỉ trên 10 triệu đồng, trong khi cuộc sống xa nhà nhiều thứ cần chi tiêu, từ tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền gửi về quê nuôi các con ăn học... đều trông cả vào đồng lương hàng tháng của 2 vợ chồng. “Đây cũng là lý do vài lần vợ chồng tôi chuyển qua công ty khác làm việc với mong muốn có thu nhập cao hơn, bảo đảm ổn định cuộc sống cho gia đình, có tích lũy để phòng thân khi gặp khó khăn”, chị Minh bộc bạch.

Sau những lần chuyển việc, Công ty Cổ phần S-Funiture (Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên mở rộng) là nơi chị Minh gắn bó làm việc hơn 6 năm nay. Chị Minh, cho biết hơn 6 năm làm việc gắn bó với công ty, bởi làm việc ở đây ngoài bảo đảm thực hiện tốt các chính sách theo pháp luật quy định, NLĐ còn luôn được tổ chức đoàn thể, đặc biệt Ban Giám đốc công ty luôn quan tâm, chăm lo đời sống, không ngừng cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định đạt gần 15 triệu đồng/ tháng. Nhờ vậy, hàng tháng gia đình chị Minh cũng tích lũy cho mình được số tiền kha khá để gia đình phòng thân.

Chị Minh chia sẻ thêm năm 2021, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, không ít bạn bè ở cùng khu trọ phải nghỉ việc ở nhà nhiều tháng liền vì công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gặp khó khăn phải ngưng hoạt động nhiều tháng liền. Trong khi ấy, công ty vẫn ổn định việc làm và thu nhập cho NLĐ, chị cảm thấy may mắn vì được làm việc và gắn bó với công ty.

Niềm vui này của chị Minh cũng là niềm vui chung của những công nhân lao động đang làm việc ở đây. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Lê Khắc Đô (quê tỉnh Nghệ An), một công nhân cũng có thời gian gắn bó hơn 3 năm làm việc với công ty, cho biết công việc ổn định cùng chế độ lương, thưởng thỏa đáng, những ngày nghỉ lễ tết trong năm NLĐ đều có tiền thưởng, cuối năm được thưởng tháng 13, phép năm ai không sử dụng hết cuối năm đều được công ty cho lãnh tiền... Ngoài ra, công ty còn tạo không gian giải trí, sân bóng chuyền, bida, bi lắc, bóng bàn để NLĐ giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng nên hầu hết công nhân đều gắn bó với DN.

“Tập thể NLĐ đặc biệt dành sự quý trọng đối với Ban lãnh đạo công ty, bởi trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng không bỏ rơi NLĐ. Nỗ lực ấy của Ban Giám đốc được tập thể công nhân ghi nhận, luôn coi công ty là ngôi nhà thứ 2 và đáp lại bằng tinh thần làm việc cần mẫn. Nhận thấy công ty có nhiều chính sách đãi ngộ tốt cho NLĐ, chúng tôi còn giới thiệu người thân và bạn bè vào công ty làm việc”, anh Đô chia sẻ.

 “Cuối năm 2021, qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông phản ánh về việc NLĐ rời bỏ nhà máy về quê tránh dịch cũng như dự báo tình trạng khan hiếm lao động sau Tết Nguyên đán khiến DN cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, trái với những lo lắng này, NLĐ không chỉ quay trở lại nhà máy làm việc đúng hẹn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày mà còn giới thiệu thêm cả người thân, bạn bè ở quê vào công ty làm việc”.

(Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần S-Furniture)

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần S-Furniture, Bí thư Chi bộ, cho biết: “Công ty luôn coi trọng việc lấy NLĐ là vốn quý, là trung tâm, động lực phát triển của DN. Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng việc thành công của DN chính là thành công của NLĐ và ngược lại, chăm lo cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần của NLĐ có thêm động lực gắn bó làm việc lâu dài để giúp DN phát triển”.

Trong năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phưc tạp, ngay từ đầu tháng 6, công ty đã quyết định áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập của công nhân lao động không bị gián đoạn. Vì vậy, trong năm 2021, dù hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, chi phí tăng và lợi nhuận giảm hơn so với năm 2020 nhưng công ty vẫn bảo đảm ổn định thu nhập và các chế độ đãi ngộ phúc lợi khác của công nhân lao động.

“Cuối năm 2021, qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông phản ánh về việc NLĐ rời bỏ nhà máy về quê tránh dịch cũng như dự báo tình trạng khan hiếm lao động sau tết âm lịch khiến DN cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, trái với những lo lắng này, NLĐ không chỉ quay trở lại nhà máy làm việc đúng hẹn sau kỳ nghỉ tết âm lịch dài ngày mà còn giới thiệu thêm cả người thân, bạn bè ở quê vào công ty làm việc”, ông Kỳ chia sẻ.

“Vì người lao động”

Thời gian qua, mô hình “Vì người lao động” được nhiều DN triển khai, đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao phúc lợi cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Ông Nguyễn Quan Sĩ, Bí thư Đảng ủy KCN Nam Tân Uyên, cho biết nhiều DN trong KCN đã cùng tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện mô hình “Vì người lao động”, hướng đến quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, có nhiều chế độ phúc lợi tốt hơn cho NLĐ.

Ông Sĩ chia sẻ, ngoài thực hiện tốt các chính sách theo quy định của pháp luật, được ký kết hợp đồng lao động, được tham gia đầy đủ các chế độ, các DN còn có nhiều chế độ đãi ngộ phúc lợi cũng rất phong phú, đa dạng, tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế của từng DN, phù hợp với nhu cầu của NLĐ… Thu nhập của NLĐ tại các DN được cải thiện đáng kể hàng năm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các DN vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập, các chế phúc lợi khác. Từ đó, NLĐ luôn yên tâm, tin tưởng và cống hiến cho công việc, coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình, qua đó thúc đẩy DN ngày càng phát triển vững mạnh.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, các Đảng bộ ở các KCN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo chăm lo cho NLĐ. Qua đó, giúp NLĐ yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với DN. Mô hình “Vì người lao động” ở các DN rất thiết thực, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về chăm lo nguồn lực quý giá nhất là con người, qua đó động viên các DN chăm lo thiết thực hơn nữa cho NLĐ, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”.

 ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên