Chăm lo con em công nhân 

Cập nhật: 13-06-2015 | 08:30:42

Bình Dương hiện có hơn 410.000 trẻ em (TE) dưới 16 tuổi, TE dưới 6 tuổi có gần 152.000 em, trong đó có rất nhiều con em công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Do đó, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho con em CNLĐ luôn được Bình Dương quan tâm…

 

 Con em CNLĐ được vui chơi trong khu nhà trẻ của Công ty TNHH Yazaki EDS

 

Nhiều hoạt động thiết thực

Tháng hành động vì TE đã và đang tổ chức khắp nơi, đặc biệt là con em CNLĐ, TE nghèo, trẻ mồ côi, lang thang. TE được dành nhiều sự ưu ái thông qua nhận quà và tổ chức sân chơi vui tươi, lành mạnh. Tại TX.Thuận An, nhằm đem lại sân chơi vui cho TE, Thị đoàn đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thị xã tổ chức diễn đàn TE, ngày hội thiếu nhi với chủ đề “Vui cùng thiên nhiên” tại nông trại Tree và tặng quà, học bổng. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Thị đoàn Thuận An cho biết, không chỉ tháng 6 mà các hoạt động trong năm của Thị đoàn đều hướng về thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Thị đoàn đã tích cực vận động các nhà hảo tâm trao tặng quà, học bổng cho TE khó khăn tại lớp học tình thương, con em CNLĐ trong thị xã. Qua đó, giúp các em cảm nhận được sự quan tâm của xã hội dành cho mình để nỗ lực học tập, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi.

Là đơn vị thực hiện việc chăm lo TE, Sở LĐ-TB&XH cũng đã chú trọng “nâng chất” hoạt động, xây dựng môi trường sống đầy đủ, lành mạnh, an toàn cho trẻ. 6 tháng đầu năm 2015, sở đã tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức đoàn đi thăm, tặng 1.367 phần quà cho TE từ ngân sách Nhà nước và tổ chức 2.900 điểm vui chơi miễn phí cho TE với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương 1,6 tỷ đồng, kinh phí vận động 1,9 tỷ đồng; đồng thời thăm, tặng 1.300 phần quà từ nguồn ngân sách cho em tham gia Câu lạc bộ “TE với phòng tránh HIV/AIDS” và TE CNLĐ khó khăn nhân Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Ở các Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao, Nhà thiếu nhi, Thư viện tỉnh và các huyện, thị, thành phố cũng tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi, xây dựng các khu trò chơi miễn phí cho trẻ. Tại Nhà thiếu nhi tỉnh, sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần có trưng bày sách, truyện tranh phục vụ TE. Thư viện tỉnh luân chuyển sách xuống các khu nhà trọ có đông CNLĐ để phục vụ nhu cầu tiếp nhận tri thức cho CN và con em CNLĐ. Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Dĩ An có khu vui chơi cho trẻ, sôi nổi các đêm nhạc thiếu nhi phục vụ TE... Chị Trịnh Thị Hằng (Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), công nhân Công ty TNHH Phú Xuân, TP.Thủ Dầu Một cho biết, cuộc sống xa quê khó khăn cho con ăn học, vui chơi là việc rất khó. Khi con nhận được những suất học bổng của công ty, chính quyền địa phương, gia đình cũng đỡ được phần nào chi phí ăn học cho cháu. Mặt khác, con có nơi vui chơi sẽ không dính vào các tệ nạn xã hội, ba mẹ yên tâm đi làm, ổn định cuộc sống.

Nhà trẻ cho con em CNLĐ

Đối với lực lượng CNLĐ nhập cư, làm việc tại các KCN, khu chế xuất trong tỉnh ngày càng đông, số lượng TE con em CNLĐ cũng tăng hàng năm. Do đó, nhu cầu trường học cho TE là con em CNLĐ là nhu cầu cấp thiết. Trước thực trạng đó, Bình Dương đã đầu tư xây dựng nhiều nhà trẻ, trường học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Về phía các DN để “giữ chân” người lao động, họ đã chủ động xây dựng nhà trẻ chăm sóc con em CNLĐ.

Công ty TNHH Yazaki EDS (TX.Dĩ An) là một trong những DN xây nhà trẻ cho con em CNLĐ đầu tiên trong tỉnh. Năm 2008, nhà trẻ của công ty chính thức đưa vào hoạt động. Đến nay, nhà trẻ nhận chăm sóc 213 em. Chị Võ Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, thời gian qua, trên các thông tin đại chúng nói về việc bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn, đối xử thô bạo đối với trẻ đã làm cho nhiều CNLĐ lo sợ. Nhiều CN đã xin nghỉ việc để có thời gian chăm sóc con. Trước thực trạng đó, công ty đã xây dựng nhà trẻ cho con em CNLĐ với đầy đủ bảo mẫu, giáo viên và đặc biệt giữ trẻ theo ca làm việc của CN để họ yên tâm lao động.

Giải quyết vấn đề gửi con cho CNLĐ, Công ty TNHH Hài Mỹ (TX.Thuận An) đã xây dựng nhà trẻ với 8 lớp chồi, mầm, lá. Hiện tại, nhà trẻ của công ty giữ 300 em, đáp ứng khoảng 50% số con em CNLĐ trong công ty, với học phí mỗi tháng khoảng 500.000 đồng. Số trẻ không được gửi trong nhà trẻ công ty sẽ được hỗ trợ chi phí gửi trẻ bên ngoài 100.000 đồng/ tháng/bé. Tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX. Thuận An) cũng đã xây nhà trẻ từ năm 2012. Hiện có 230 cháu theo học 10 lớp, giáo viên đứng lớp, bảo mẫu chăm sóc cẩn thận. Nhà trẻ có khu vui chơi để trẻ vận động sau khi học tập trong lớp.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, việc các DN xây dựng nhà trẻ cho con em lao động đem lại hiệu quả lớn. NLĐ yên tâm lao động sản xuất khi biết con em có chỗ ăn học, vui chơi an toàn. Tuy nhiên, số lượng nhà trẻ trong DN chưa đáp ứng hết số con em CNLĐ. Đối với những trường hợp gửi trẻ bên ngoài, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi TE. Đồng thời, rất cần có cơ chế pháp lý bảo đảm dành quỹ đất cho nhà trẻ, mẫu giáo trong quy hoạch xây dựng KCN, khu nhà ở cho CNLĐ.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
CNLĐ

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=622
Quay lên trên
X