Chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần công nhân lao động

Cập nhật: 11-01-2022 | 08:57:14

Là một tỉnh công nghiệp, Bình Dương có tỷ lệ dân cư từ các tỉnh, thành về sinh sống và làm việc cao. Tỉnh luôn có các chính sách chăm lo tốt cho các đối tượng này, đặc biệt là lực lượng công nhân lao động (CNLĐ). Hình ảnh CNLĐ Bình Dương hối hả vào ca hăng say lao động sản xuất đang ngày càng được ca ngợi nhiều hơn qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật.


Tiết mục múa “Bình Dương điểm đến cho tất cả” do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Bình Dương 25 năm vững tin, tiến bước”

Đẹp lắm hình ảnh dựng xây

Có dịp thưởng thức tiết mục múa “Bình Dương điểm đến cho tất cả” do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn, chúng tôi càng cảm nhận rõ những tình cảm sâu sắc của các văn nghệ sĩ dành cho CNLĐ của vùng “đất lành chim đậu” này. Ấn tượng đầu tiên trong tác phẩm múa này là hình ảnh CNLĐ đủ mọi ngành nghề được tạo tác rất đẹp. Bên cạnh đó là những cảnh trí, mô hình nhà phố xếp thành một khu phố nhỏ ấm áp tình người. Mọi người từ muôn nơi tựu về đây lập nghiệp, dựng xây cuộc sống mới với nhiều hoài bão, hy vọng về một tương lai tươi sáng. Không chỉ hăng say lao động sản xuất, mọi người còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, cùng nhau chia sẻ những vui buồn nơi tha hương để cùng nhau phát triển.

Với chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ đón nhân tài”, Bình Dương hôm nay đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, các chuyên gia cũng như người lao động… Tác phẩm thể hiện bức tranh toàn cảnh của một thành phố nhộn nhịp, công nghiệp, những con người đang miệt mài xây dựng Bình Dương ngày càng tươi đẹp hơn trong cuộc sống. Dù còn không ít khó khăn nhưng họ luôn cố gắng vượt qua để hướng đến một tương lai tươi sáng trên mảnh đất đáng sống - thành phố của những ước mơ.

Biên đạo múa Đoàn Quốc Linh, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, cho biết ngoài đầu tư dàn dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, những năm gần đây tỉnh còn đặc biệt chú trọng dàn dựng các tiết mục ca ngợi CNLĐ. Với sự dàn dựng công phu đặc sắc, các ca sĩ, diễn viên biểu diễn đầy chất “lửa”, các tiết mục đã góp phần làm ấm lòng những người đã gắn bó, lập thân, lập nghiệp, xem Bình Dương là quê hương thứ hai.

Nâng cao chất lượng đời sống tinh thần

Chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân tại Khu công nghiệp VSIP I (TP.Thuận An), cho biết từ ngày đến Bình Dương làm việc, cuộc sống của chị như vui hơn. Bởi mỗi ngày, sau giờ tan ca chị đều đến Trung tâm Văn hóa - Lao động tỉnh chơi cầu lông với đồng nghiệp. Thỉnh thoảng chị Tuyết còn cùng đội văn nghệ trong công ty tham gia hội thi văn nghệ do Liên đoàn Lao động địa phương tổ chức.

Những năm gần đây, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp của các ngành, các cấp, các chương trình nghệ thuật phục vụ CNLĐ ngày càng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các đối tượng. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp cũng đang nở rộ các phòng chức năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của CNLĐ. Các sân chơi văn hóa nghệ thuật dành cho CNLĐ cũng ngày càng được tổ chức thường xuyên, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Cùng với đó, hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều phối hợp tổ chức các hoạt động nghệ thuật phục vụ tết cho công nhân xa quê. Thông qua các chương trình, nhiều phần quà của tỉnh đã được trao tận tay các CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên tinh thần, giúp họ phấn đấu vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bình Dương, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong CNLĐ có phần hạn chế để bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người. Tuy nhiên, để các hoạt động văn hóa văn nghệ thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, khơi dậy tinh thần lạc quan, phấn khởi trong CNLĐ.

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh đã phối hợp tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ dành cho thanh niên công nhân ở các công ty, khu công nghiệp tham gia, như: Liên hoan Các nhóm nhảy thanh niên công nhân tại TX.Bến Cát, hội thi Tiếng hát thanh niên công nhân tại TX.Tân Uyên… Do tình hình dịch bệnh nên các hoạt động này cũng hạn chế phạm vi và số lượng CNLĐ tham gia. Để bảo đảm sức khỏe cho người tham gia, các chương trình tổ chức đều thực hiện công tác phòng dịch và có test Covid-19.

Theo ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng năm có khoảng 1.700 hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho công nhân theo hình thức hội thi, hội diễn, giải đấu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và CNLĐ khu, cụm công nghiệp. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để các đề án, các hoạt động tiếp tục đến gần hơn với CNLĐ.

Những năm gần đây, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp của các ngành, các cấp, các chương trình nghệ thuật phục vụ CNLĐ ngày càng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các đối tượng. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều. Các sân chơi văn hóa nghệ thuật dành cho CNLĐ cũng ngày càng được tổ chức thường xuyên, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên