Chậm như xe buýt!

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:40:27

 Xe buýt được ưu tiên dừng đỗ trong đô thị dân cư đông đúc và được chạy trên các làn đường, kể cả làn đường dành riêng cho xe thô sơ, xe 2 bánh nhằm mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi, đúng giờ cho hành khách. Nhưng thực tế đã không như mong muốn, một phần là do doanh nghiệp xe buýt không còn được hỗ trợ của Nhà nước. Qua nhiều năm sử dụng mà không đủ vốn để đầu tư, nâng cấp nên phương tiện đã già cỗi; giá cả vật tư, nhiên liệu, lương cho công nhân đều tăng cao… kinh doanh xe buýt phải gánh nhiều loại phí khác, rồi là tình trạng xe chạy chồng tuyến, lấn tuyến nên đã xảy ra hiện tượng tranh giành khách, tự hạ giá để cạnh tranh. Cuối cùng hành khách là người gánh chịu mọi thứ!

 Buýt nhanh không còn nhanh

Bác tài L.V.L, lái xe buýt tuyến Thủ Dầu Một - Mỹ Phước (TX.Bến Cát) xin được không nêu tên với lý do còn 2 năm nữa là hết tuổi phải xuống dấu, xuống lái xe 30 ghế và nếu không khéo mất việc thì lấy gì mà sống, lấy gì nuôi vợ con, cho biết: “Theo quy định tại Thông tư 18, Nghị định 61 thì xe buýt đường dài, cự ly tối đa không quá 60km có tên gọi là buýt nhanh. Loại buýt này chủ yếu là rước khách tại bến, tại trạm và chỉ được rước khách tại những trạm cố định của riêng tuyến mình trên đường. Bình Dương có tuyến Thủ Dầu Một - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) cự ly 90km do Công ty TNHH Phúc Gia Khang đầu tư sau khi áp dụng chủ trương không trợ giá.

   Dù đã được Sở GTVT tập huấn, chủ doanh nghiệp thường xuyên nhắc nhở, nhưng khi khách hỏi đường các lái xe, phụ xe thường không hướng dẫn tận tình vì áp lực doanh thu. Ảnh: D.CHÍ

Về mặt tiện lợi cho hành khách thì không phải nói vì đây là tuyến buýt liên tỉnh. Nhưng do không được trợ giá lại được bố trí chồng tuyến hầu như hoàn toàn với tuyến xe buýt Thủ Dầu Một - Bàu Bàng - Cây Trường (huyện Bàu Bàng), nên doanh nghiệp này đã tận dụng cơ hội vừa lấn tuyến rước khách vừa tạo thế cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tự hạ giá đoạn từ Thủ Dầu Một đến Bàu Bàng chỉ còn 10.000 đồng/hành khách, trong khi xe khác áp dụng mức giá 13.000 đồng”. Bác tài này cho biết thêm, nếu hành khách đi tới Cổng Xanh, cách Bàu Bàng chỉ vài cây số, sẽ phải trả 20.000 đồng/hành khách (giá nửa tuyến).

Từ chỗ tự hạ giá để cạnh tranh, lại được bố trí trùng tuyến và không ai kiểm soát, xử phạt, lái xe đã ra sức giành khách, rước khách của tuyến khác dẫn đến cự cãi, xô xát… “Nói là buýt nhanh chứ nó đâu còn nhanh vì phải ghé quá nhiều trạm dọc đường. Vụ việc trên chúng tôi có phản ánh lên Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) mà không thấy ai xử lý”, lái xe này bức xúc.

“Nếu hành khách không biết đường, không rành tuyến xe buýt thì tốt nhất nên vào bến, tìm xe đi đúng tuyến mình cần đi, tránh đi chuyền, xuống dọc đường đón xe khác đi tiếp vừa mất thời gian, vừa tốn nhiều tiền do phải đi lòng vòng”.

Một đồng nghiệp khác của ông L. nói thêm: “ Phân tích rõ ra thì anh em lái xe là người bị áp lực rất lớn vì chỉ được hưởng tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu. Nếu xe chạy êm, khách nhiều, có doanh thu thì lái xe có thu nhập khá. Khách ít dưới mức quy định coi như “đói”. Còn việc tăng, giảm giá là quyền của doanh nghiệp vì Nhà nước không còn trợ giá mà chỉ kiểm soát giá theo bảng giá đã đăng ký. Kinh tế thị trường mạnh được yếu thua đâu nói người ta phá giá được. Tôi nghĩ các anh em lái xe các hãng khác cũng rơi vào tình thế như chúng tôi đây, nhưng vì chén cơm manh áo họ phải làm, phải giữ”. Tài xế này cho rằng, điều quan trọng là vai trò của cấp quản lý. Phải có quy chế, quy định rõ ràng, cụ thể để căn cứ vào đó mà thi hành thì không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Nếu tình trạng tranh giành khách, dừng đỗ bất hợp lý kéo dài thì buýt nhanh không còn nhanh và hành khách là người gánh chịu mọi thiệt thòi!

Xe đi một đường, khách về một ngả

Để có tư liệu thực tế, người viết đã mấy lần lên xe buýt để được trải nghiệm. Tại bến xe khách tỉnh, tôi hỏi thăm xe buýt đi Bàu Bàng, xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) thì được các anh em nhà xe hướng dẫn lại tuyến số 2. Tìm được vị trí tuyến số 2 thì thấy còn để trống, do xe chưa đến. Bước sang xe cạnh bên hỏi thăm “xe này có đi Bàu Bàng không anh” thì phụ xe xen vào: “Bàu Bàng có xe nào đâu mà đi, lên đây đi đến Mỹ Phước rồi đón xe đi tiếp”.

Xe buýt vừa ra khỏi bến, rẽ phải sang đường Cách Mạng Tháng Tám (đối diện Siêu thị CoopMart) thì đậu lại. Phụ xe nhảy xuống chạy về phía cây xăng phía sau bên kia đường dắt một nhóm người mang xách hành lý đựng trong bao tải, giống như công nhân vừa từ dưới quê lên. Từ đó xe đi thẳng một mạch đến phía trước chùa Bà (ngã sáu) rồi dừng hẳn. Phụ xe bước xuống đường hút thuốc và hỏi chuyện mấy người bán hàng. Đậu khoảng 5 phút thì bên kia đường xe buýt từ Suối Tiên về cũng đậu lại xuống khách.

   Đến phía trước chùa Bà (ngã sáu) phụ xe bước xuống đất ngồi hút thuốc chờ xe từ Suối Tiên về để đón khách đi tiếp. Có nhiều trường hợp do không rành đường đã đi nhầm tuyến, lạc đường. Ảnh: D.CHÍ

Phụ xe chạy sang rước mấy hành khách qua đường, nhiều người lên tiếng hỏi “xe về đâu”, “có về chợ Nhật Huy không”? (chợ Nhật Huy trên đường ĐT741 phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát). Nhưng phụ xe không trả lời mà liên tiếp giục “lên xe đi, chỗ này không cho đậu!”… Đến ngã tư Sở Sao xe dừng, phụ xe nói to: “Ai đi chợ Nhật Huy xuống đây đón xe đi tiếp” và thu 10.000 đồng/ hành khách. Nhiều hành khách bỡ ngỡ thì được phụ xe hướng dẫn: “Không có xe đi thẳng, phải đón xe đi chuyền như vậy”. Do không biết đường, lại không được nhà xe hướng dẫn cụ thể nên nhiều hành khách từ quê lên đi tìm việc vừa tốn tiền, vừa mất thời gian vì phải sang xe, đi nhầm tuyến!

Hơn 1 giờ lưu hành với đoạn đường chỉ trên 10km, xe buýt dừng lại tại điểm dừng trên đường Hùng Vương (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Một hành khách chừng 20 tuổi lên tiếng hỏi bác tài: “Đến ngã tư Sở Sao chưa chú”. Hành khách trên xe cười ồ cho biết: “Tới bến rồi em, đây là phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát”. Cô gái thật thà hỏi lại: “Mỹ Phước là ở đâu, con chỉ đi ngã tư Sở Sao, ở đó có bạn đợi”. Bác tài nhỏ nhẹ: “Thôi ngồi xe này tí xíu quay lại, chú không lấy tiền con”. Một người đàn ông trung niên đi cùng xe lên tiếng bông đùa: “Nếu hẹn người yêu thì phải nói thật là em bị lạc đường nghe nhỏ”!

Xe buýt giờ đã không còn nhanh như trước do phương tiện đã quá cũ, phải dừng rước khách nhiều lần trên đường. Xe chở nhiều người lại không có máy lạnh nên nóng bức, khó chịu là sự thật. Lại còn tình trạng lấn tuyến giành khách của nhau, khiến hành khách bị lạc đường, trễ giờ. Buýt bây giờ đã không còn giá rẻ như trước, lại chậm và cả tranh khách khác tuyến, phiền phức vô cùng!

 Kỳ 2: Nỗi khổ nhà xe!

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1070
Quay lên trên