BS.Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh:

Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam…

Cập nhật: 26-12-2015 | 11:23:31

Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam…

Ngày Dân số (DS) Việt Nam năm nay có chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi (NCT)”. Để hiểu hơn về chủ đề và công tác chăm sóc NCT tại Bình Dương, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh…


Chăm sóc, phụng dưỡng NCT là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong ảnh: Các y bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh khám bệnh cho NCT

- Tại sao năm nay Ngày DS Việt Nam lại chọn chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc NCT”, thưa BS?

- Theo điều tra DS và điều tra biến động DS đến năm 2014 cho thấy, DS thế giới đang già hóa nhanh chóng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa DS nhanh nhất ở châu Á, chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011 (NCT từ 60 trở lên chiếm 10,1% và NCT từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng DS cả nước), kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên. Vào năm 2012, tỷ lệ NCT chiếm 10,2% tổng DS cả nước. Năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5% (Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ năm 2014). Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ “già hóa DS” sang “DS già” ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có cấp độ phát triển cao hơn.

Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe NCT là việc làm không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc thể hiện truyền trống “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế đã làm thay đổi nhiều lối sống của người dân, đặc biệt là sự thay đổi mô hình gia đình truyền thống (gia đình nhiều thế hệ) sang gia đình hạt nhân (gia đình ít thế hệ), nguyên nhân chủ yếu là do con cái, cháu chắt phải đi xa lao động nên nhiều NCT sống ở quê nhà phải tự chăm sóc và chăm sóc nhau. Mặt khác, không phải NCT nào cũng có con cái, cháu chắt và có nhiều người già neo đơn không nơi nương tựa thì cũng cần phải được cộng đồng chăm sóc. Chính vì vậy, năm 2015 Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ đã chọn chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc NCT” tuyên truyền trong Ngày DS Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về DS để cho tất cả mọi người đều chung tay và cộng đồng cũng chung sức giúp cho NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.

- Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa DS nhanh nhất châu Á. So với cả nước, Bình Dương là một tỉnh công nghiệp nên DS trong độ tuổi lao động chiếm rất lớn. Vậy, vấn đề già hóa DS ở Bình Dương đã xảy ra chưa và nó sẽ như thế nào trong thời gian tới, thưa BS?

- Khi sốNCT chiếm tỷtrọng tương đối lớn trong toàn bộDS tức làDS của một quốc gia đãbước vào giai đoạn giàhóa. Theo quy định của nước ta thì “già hóa DS” xảy ra khi NCT từ >=60 tuổi chiếm từ 10% tổng DS trở lên và NCT từ >=65 tuổi chiếm 7% tổng DS. DS toàn tỉnh Bình Dương là 1.837.558 người, trong đó có 64.960 NCT, chiếm 3,5% DS toàn tỉnh (Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2015). Như vậy, Bình Dương tính đến thời điểm năm 2015 vẫn chưa xảy ra tình trạng già hóa DS.

Bên cạnh đó, Bình Dương là cửa ngõ giao thương kinh tế với TP.HCM, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước và là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.425 ha và 8 cụm công nghiệp. Chính vì vậy, Bình Dương hiện nay gần như hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để không những trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn là sự lựa chọn hàng đầu của người lao động từ các địa phương khác trong cả nước đến làm việc và sinh sống. Do đó, DS trong độ tuổi lao động chiếm rất lớn, khoảng trên 1,3 triệu người.

Trong thời gian tới, nếu được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong công tác DS-KHHGĐ nói riêng và các hoạt động cho NCT nói chung, cũng như được sự chung sức của các ban ngành, đoàn thể và toàn cộng đồng thì vấn đề già hóa DS tại Bình Dương sẽ xảy ra chậm hơn so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

- Chăm sóc, phụng dưỡng NCT là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, để phát huy vai trò của NCT, ngành DS Bình Dương sẽ có những chương trình hoạt động gì trong thời gian tới, thưa BS? Và để làm được điều này, theo BS, cần có sự chung tay, phối hợp của cộng đồng xã hội như thế nào?

- Chăm sóc, phụng dưỡng NCT là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh để xin nhân rộng mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” trên tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh. Tiếp tục phối hợp với Báo Bình Dương thực hiện chuyên trang về NCT, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tăng cường thời lượng phát sóng trên hệ thống loa đài từ tỉnh đến huyện, xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận thông tin kịp thời. Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thành lập và lồng ghép nội dung chăm sóc NCT vào trong các buổi sinh hoạt của CLB nhằm đưa lại hiệu quả thiết thực. Trực tiếp tổ chức lớp tập huấn để cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn, chăm sóc NCT cho mạng lưới cộng tác viên DS và những tình nguyện viên trong việc thực hiện tư vấn và chăm sóc NCT. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tư vấn và chăm sóc NCT của cán bộ DS và cộng tác viên DS trên địa bàn.

Để làm được điều này cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế về công tác DS-KHHGĐ nói riêng và chăm sóc NCT nói chung; công tác truyền thông - giáo dục cần được đẩy mạnh về số lượng và chất lượng, huy động được đông đảo lực lượng xã hội tham gia, từ đó đã góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân chuyển biến nhận thức, hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của KHHGĐ, chấp nhận gia đình ít con; sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền để phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng chủ động chung tay chăm sóc NCT; sự năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tư vấn và chăm sóc NCT.

- Xin cảm ơn BS!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên