Chấn chỉnh các điểm giữ trẻ tự phát: Tạo môi trường an toàn cho con trẻ

Cập nhật: 08-04-2024 | 08:32:01

Trước tình hình các điểm giữ trẻ tự phát ra đời ngày càng nhiều, việc siết chặt quản lý loại hình này là cần thiết để bảo đảm an toàn cho con trẻ, tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc.

Dạo một vòng trên đường Phan Thanh Giản, KP.Bình Đức 2, phường Lái Thiêu (TP.Thuận An), P.V ghi nhận nhiều nhóm trẻ gia đình trên cung đường này. Trong khoảng 700m có ít nhất 4 nhóm trẻ gia đình và 3 trường mầm non. Trong những con hẻm nhỏ ở cung đường này còn có nhiều điểm giữ trẻ tự phát khác. Có nơi, chỉ là căn phòng trọ nhỏ hẹp, “bảo mẫu” vẫn nhận giữ trẻ.


Một Nhóm trẻ tại phường Lái Thiêu (TP.Thuận An) bảo đảm cơ sở vật chất giúp các cháu có không gian được giáo dục, sinh hoạt tốt

Không chỉ phường Lái Thiêu, các điểm giữ trẻ tự phát, nhóm trẻ gia đình cũng hoạt động khá nhiều trong các khu dân cư thuộc các địa bàn có nhiều công nhân sinh sống. Hiện trên địa bàn TP.Thuận An có 13 cơ sở giáo dục mầm non công lập, 96 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và 187 nhóm trẻ độc lập; có 48 nhóm trẻ gia đình.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thuận An, cho biết tình trạng nhóm trẻ gia đình ở địa bàn nhiều là do những người giữ trẻ không đủ điều kiện để lập hồ sơ xin cấp phép thành nhóm trẻ độc lập. Dưới 7 trẻ thì cấp xã, phường mời làm việc, cho ký cam kết; nhóm trẻ độc lập là do phường ra quyết định cấp phép hoạt động nhưng có phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố quản lý.

Trong khi đó, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có 49 trường mầm non tư thục, 67 nhóm trẻ độc lập cùng 18 nhóm trẻ gia đình nhận giữ dưới 7 trẻ. Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua, phòng đã phân công cán bộ quản lý địa bàn có trách nhiệm phối hợp UBND phường trong việc kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, quản lý cấp phép thành lập và hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tư thục. Hướng dẫn UBND phường trong công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở GDMN độc lập; UBND phường luôn tăng cường và phát huy vai trò của cộng đồng như tổ trưởng khu phố, đoàn thể, dân cư trong việc phát hiện các trường hợp giữ trẻ tự phát.

Có thể nói do một số nơi giữ trẻ tự phát mà người giữ trẻ chưa được đào tạo, tập huấn kỹ năng đã gây ra một số vụ việc đáng tiếc. Vụ việc bé trai 8 tháng tuổi bị con gái người giữ trẻ đánh dẫn đến tử vong tại một điểm giữ trẻ tự phát trên địa bàn phường Thới Hòa, TX.Bến Cát vừa qua là một ví dụ.

Qua trao đổi với P.V, bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết hiện nay các nhóm giữ trẻ tự phát xuất hiện nhiều là do nhu cầu gửi con của phụ huynh tăng. Nhiều phụ huynh gửi con qua đêm theo tháng, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Với nhu cầu này thì các cơ sở GDMN công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập không thể đáp ứng được. Từ đó, nhiều nhóm trẻ tự phát ra đời với chi phí thấp, chấp nhận giữ trẻ cả ngày lẫn đêm và đã phát sinh nhiều hệ lụy.

Cần dành thời gian nhiều hơn cho con trẻ

Theo bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, sau sự việc đáng tiếc xảy ra tại phường Thới Hòa, chính quyền địa phương các cấp đã thăm hỏi, động viên tinh thần phụ huynh bé trai vừa tử vong. “Qua đây, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh khi có nhu cầu gửi trẻ nên tìm hiểu kỹ, lựa chọn những cơ sở được cấp phép, có uy tín, thâm niên, cơ sở vật chất bảo đảm để các cháu được an toàn cũng như có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc tốt hơn. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, có trách nhiệm hơn đối với con của mình, đặc biệt là khi các cháu còn quá nhỏ”, bà Thảo nói.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên