Chân dung các Tổng Bí thư qua các thời kỳ - Bài 1

Cập nhật: 07-01-2016 | 08:48:07

 Bài 1: Tổng Bí thư Trần Phú với Luận cương chính trị của Đảng

 LTS: Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. 86 mùa xuân đã đi qua, kể từ ngày 3-2-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam đã viết nên những trang chói lọi nhất. Từ một nước nô lệ, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, tự do và đang tiến nhanh trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài viết về các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng qua các thời kỳ.

 Chân dung đồng chí Trần Phú

Đồng chí Trần Phú, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Dự án Luận cương chính trị của Đảng do đồng chí khởi thảo đã vạch ra nhiều vấn đề chiến lược, định hướng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

 Chân dung đồng chí Trần Phú

Đồng chí Trần Phú sinh ngày l-5-1904, quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã trải qua những năm tháng đau buồn, cơ cực. Thân phụ Trần Phú là một nhà nho khí tiết, ông cảm nhận sâu sắc nỗi tủi nhục của người dân mất nước, của thân phận nô lệ trong chốn quan trường. Thương dân mà không có cách nào cứu dân, ông chọn con đường tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của bọn thực dân. Hình ảnh người cha tuẫn tiết ở nơi công đường và cái chết đau buồn của người mẹ trẻ đã để lại nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn còn non nớt của Trần Phú. Truyền thống quê hương qua những câu chuyện kể của người cha đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai của Trần Phú. Đồng chí sớm có tinh thần tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập và đến với các tổ chức yêu nước, đến với cách mạng.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia “Hội Thanh niên tu tiến” để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên trường Tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc. Tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc qua sách báo bí mật, Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, lãnh đạo phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh, mở các lớp dạy quốc ngữ cho quần chúng lao động.

Bia tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10, TP.Hồ Chí Minh)

Năm 1926, Trần Phú được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào Cộng sản đoàn, với tên gọi Lý Quý và được Người giới thiệu sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Với kết quả học tập tốt, đầu năm 1927 đồng chí Trần Phú được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Liên Xô, tham gia nhóm cộng sản Việt Nam của sinh viên trường Đại học Phương Đông thuộc chi bộ trường. Tháng 11- 1929, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông, Trần Phú rời Matxcơva bắt đầu cuộc hành trình trở về nước hoạt động cách mạng.

Đầu năm 1930, Trần Phú gặp Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và được Người phân công về hoạt động ở Bắc Kỳ. Tháng 7-1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí đã khẩn trương xúc tiến việc tổ chức các cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình để hoàn thành bản Dự án Luận cương chánh trị của Đảng.

Ngày 18-4-1931, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn. Trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của nhà tù đế quốc, Trần Phú luôn bình tĩnh, sáng suốt, truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam. Trần Phú đã cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch mặt chế độ lao tù dã man, vô nhân đạo của kẻ thù, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị ngay trong nhà tù của đế quốc Pháp. Do sự tra tấn và đày ải dã man của kẻ thù, ngày 6-9-1931, đồng chí đã hy sinh tại nhà thương Chợ Quán. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Trần Phú là một trong những nhà lý luận cách mạng tiên phong, có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sự lúng túng về đường lối của nhiều tổ chức chính trị yêu nước và cách mạng trước năm 1930 đều có một nguyên nhân chung là thiếu sự dẫn dắt của một lý luận tiên phong. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền thụ, Trần Phú rất thấm thía lời dạy của Lênin: Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo cách mệnh tiên phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong.

Tên tuổi Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, gắn liền với dự thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản và những kết quả khảo sát thực tiễn từ phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam tại một số tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng... Luận cương đã chỉ rõ con đường của cách mạng Việt Nam. Luận cương là sự đóng góp của trí tuệ tập thể, song đóng góp trực tiếp nhất thuộc về đồng chí Trần Phú. Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, Luận cương chính trị là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương.

Tổng Bí thư Trần Phú nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, tinh thần kiên cường chiến đấu, bất khuất trước kẻ thù. Gần 5 tháng bị bắt và bị giam cầm với muôn vàn thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ của kẻ thù, nhưng chiến thắng vẫn thuộc về đồng chí.

Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5-1932 đã đăng bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có đoạn viết: Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương.

Nói về đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng. Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng.

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, sẽ mãi mãi cổ vũ các thế hệ mai sau trong cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

P.V (theo dangcongsan.vn)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1487
Quay lên trên