Mẹ Nguyễn Thị Đính: Xứng danh mẹ Việt Nam anh hùng
Qua cầu Thạnh Hội (TX.Tân Uyên), men theo con đường nhựa thẳng tắp về ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thạnh Hội đến thăm nhà mẹ Nguyễn Thị Đính (SN 1941). Trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương, mẹ Đính đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy tự hào về chồng và con của mẹ.
Ngày xưa, nhà nghèo nên vợ chồng mẹ phải cấy thuê, đập lúa mướn để kiếm tiền mưu sinh và nuôi các con. Năm 1962, nhận thấy cuộc sống gia đình vất vả lại còn phải chịu đựng cảnh bom đạn kẻ thù dày xéo dân mình, chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1937) đã gia nhập quân giải phóng, rồi theo bộ đội lên Chiến khu Đ chiến đấu. Sau một thời gian học tập và chiến đấu, với bản lĩnh chiến đấu oai hùng và mưu trí, ông Chiến được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Thạnh Phước. Ngoài ra, ông còn được khen tặng Huân chương Quyết thắng hạng nhất.
Ngày 29-11-1967, trong khi đang làm công tác vận động nhân dân Tân Lương (gần cầu Bà Kiên) góp thuốc men, lương thực… cho bộ đội trong rừng vui tết, ông Chiến đã bị địch phát hiện. Xung quanh hầm trú của ông Chiến, giặc cho xe tăng càn quét, dưới sông thì tàu chiến bủa vây. Trước tình hình đó, ông Chiến và 6 đồng đội đã cho nổ mìn chết chung với địch với lời thề không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Nhận được tin chồng hy sinh, mẹ Đính đau đớn vô cùng nhưng mẹ cố gắng nuốt nước mắt vào trong, chôn xác chồng ở miễu Tân Lương rồi tiếp tục âm thầm tiếp tế cho bộ đội. Tuy nhà nghèo nhưng mẹ Đính rất thương bộ đội. Mỗi lần nghe tin có bộ đội về, cũng như bao nhà khác trong xóm, mẹ nấu cơm, rồi góp cho các anh tất cả những gì mình có như gạo, quần áo, thuốc men…
Mẹ Đính luôn dạy con cháu phải sống và học tập theo gương các thế hệ đi trước
Sau giải phóng, noi gương của cha, người con trai thứ ba của mẹ là Nguyễn Văn Thu (SN 1960) đã lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ Quốc tế khi mới 17 - 18 tuổi. Mang trong mình dòng máu cách mạng của cha nên anh Thu chiến đấu rất gan dạ và dũng cảm, lập nhiều chiến công, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng ba và được tín nhiệm làm Tiểu đội trưởng. Trong một trận đánh ác liệt, anh Thu đã trút hơi thở cuối cùng trên đất nước bạn. Xác anh được đồng đội đưa về chôn ở nghĩa trang Lộc Tấn (Tây Ninh). Tin anh Thu hy sinh một lần nữa khiến mẹ chết lặng, nhưng rồi trong mắt mẹ lại ánh lên niềm tự hào, con của mẹ đã sống có lý tưởng và đã hy sinh anh dũng.
Chiến tranh thì phải đau thương mất mát, nỗi đau vĩnh viễn không còn gặp lại chồng con đã làm mẹ đau đớn vô cùng. Nhưng những mất mát, đau thương không quật ngã được bản chất kiên cường của mẹ. Mẹ đã biến đau thương thành hành động, tích cực lao động sản xuất nuôi dạy con cháu noi theo tấm gương của cha anh kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
Ghi nhận sự hy sinh, mất mát của mẹ, Nhà nước đã trao tặng mẹ Bảng gia đình vẻ vang chống Mỹ cứu nước, riêng mẹ còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực”. Đặc biệt, khi biết mình vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mẹ rất vui mừng. Mẹ nói, mẹ vui nhưng không phải cho mẹ mà đó là niềm tự hào vì chồng và con của mẹ đã sống có lý tưởng, hy sinh thân mình cho quê hương đất nước.
Mẹ Phạm Thị Ba: Vui mừng với danh hiệu này
Những ngày tháng tư lịch sử, khi cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 41 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2016), chúng tôi tìm về phường Uyên Hưng (TX.Tân Uyên) thăm mẹ Phạm Thị Ba (SN 1928). Tuy đã 88 tuổi, nhưng trông mẹ vẫn còn khỏe và mẹ kể về những năm tháng chiến tranh như một ký ức đẹp của cuộc đời.
Quê mẹ Ba ở xã Tân Bình, Tân Uyên (nay là xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên) là một trong những vùng bị bom đạn kẻ thù trút xuống như mưa, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên cường, một lòng theo cách mạng, che giấu và ngầm tiếp tế lương thực cho bộ đội. Nhà mẹ cũng như những nhà khác, chồng mẹ là ông Trần Văn Đặc (SN 1927) tham gia cách mạng từ năm 1946.
Với trí thông minh và tháo vác nên ông là một cán bộ kinh tài xã rất được trọng dụng. Ông Đặc đã vận động bà con ủng hộ lương thực, đạn dược cho cách mạng, lập nhiều chiến công, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất.
Mẹ Ba kể về những ký ức đẹp của đời mẹ
Sau 2 năm lên đường nhập ngũ, anh Dấn trở về quê nhà ăn tết với mẹ và vận động bà con hàng xóm đóng góp cho cách mạng. Trên đường trở về đơn vị, anh Dấn bị địch phát hiện. Sau nhiều giờ quần nhau với địch, anh Dấn vướng phải mìn và đã hy sinh anh dũng. Tối hôm đó, dì Bảy (em của mẹ Ba) đã lấy chiếu gom xác anh Dấn rồi lén chôn ở bìa rừng.
Biết tin con trai hy sinh, trong lòng mẹ đau như ai cắt nhưng mẹ vẫn kiên trung động viên chồng tiếp tục chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Mẹ quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, mẹ tải gạo vào rừng tiếp tế cho bộ đội không ngừng nghỉ. Mẹ nói, nhìn các chú bộ đội mẹ thấy thương và đỡ nhớ con hơn.
Tháng 3-1969, khi ông Đặc về xã làm công tác và xé cờ của địch thì bị chúng phát hiện. Chúng phục kích và bắn chết ông tại Nhà Đỏ. Không dừng lại ở đó, bọn giặc còn truy bắt và cho xe tăng ủi sập nhà mẹ Ba. Chúng bắt em của mẹ (dì Bảy) tra tấn, nhưng không lấy được thông tin gì, nên chúng đành thả dì Bảy về.
Nỗi đau mất con chưa nguôi thì tin ông Đặc hy sinh đã khiến mẹ một lần nữa đau khổ. Để có thể tiếp tục sống và cống hiến cho cách mạng, mẹ đã chuyển về Uyên Hưng sinh sống và buôn bán khô mắm ở chợ Tân Uyên. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, tuy chồng và con đã hy sinh nhưng mẹ vẫn tiếp tế nào là pin đèn, thuốc men, gạo… cho bộ đội ở trong rừng và một lòng hướng theo ngọn cờ của cách mạng.
Thời gian trôi qua, nỗi đau của mẹ đã dần vơi, thay vào đó là niềm vui được sống trong cảnh thanh bình, đất nước hoàn toàn độc lập. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ được an ủi nhiều hơn khi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Mẹ vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Chia sẻ với chúng tôi, mẹ nói: “Mẹ rất vui khi chứng kiến sự tiến bộ, phát triển, giàu đẹp của quê hương đất nước; các thế hệ con cháu luôn tưởng nhớ đến sự cống hiến của gia đình mẹ, luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên mẹ lúc tuổi cao sức yếu”.
Mẹ Đỗ Thị Phăng: Quê hương, niềm tự hào của mẹ…
Thế hệ hậu sinh như chúng tôi được cầm đọc những quyển sách như Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm hay Người bị CIA cưa chân 6 lần… làm cho chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào và càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với quê hương. Càng tự hào hơn khi chúng tôi được trực tiếp nghe các mẹ kể về sự hy sinh của chồng, con trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi cũng cảm thấy vinh dự khi đưa chiếc máy ảnh lên để chụp cho các mẹ tấm chân dung thật đẹp như một lời cảm ơn chân thành nhất.
Mẹ mà chúng tôi vinh dự trò chuyện lần này là mẹ Đỗ Thị Phăng, sinh năm 1937, tại xã An Tây, TX.Bến Cát, Bình Dương. Trước khi trò chuyện cùng mẹ, chúng tôi được chị Võ Thị Ngọc, người con thứ 8 của mẹ cho biết hiện mẹ bị lẫn, không nhớ được nhiều những chuyện của quá khứ. Thế nhưng câu chuyện nhớ nhớ, quên quên của mẹ cũng thật đặc biệt. Hầu như mọi ký ức về chồng, con của mẹ được hiện ra một cách đầy đủ nhất trong sự trợ giúp của chị Ngọc.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Sự, sinh năm 1935, chồng mẹ Phăng tham gia cách mạng khi quê hương đầy rẫy bóng quân thù. Và khi tham gia cách mạng, chồng mẹ chẳng muốn cho bà biết mình đang làm công việc gì, mẹ chỉ biết ông đang vì quê hương mà chiến đấu. Hỏi ông cũng không nói, nên bà cũng chẳng khi nào hỏi, chỉ mong rằng ông cố gắng gìn giữ sức khỏe, chiến đấu ngoan cường. Nhìn lại hồ sơ của ông chúng tôi không khỏi tự hào. Ông là bí thư chi đoàn thanh niên xã Tây Nam. Và ông đã dâng hiến sức trẻ để giành độc lập cho Tổ quốc. Ông đã hy sinh anh dũng năm 1967.
Mẹ VNAH Đỗ Thị Phăng phụ giúp con gái Võ Thị Ngọc chuẩn bị thức ăn cho gà vào mỗi buổi chiều
Chồng, con đã mãi mãi nằm lại với quê cha đất tổ để mong có ngày tự do. Những ngày sau đó, chính mẹ cũng tham gia vào lực lượng địa phương, làm liên lạc cho các chú với một niềm tin sẽ có ngày hòa bình. Theo sự nghiệp của ba và anh hai, chị Nguyễn Thị Mai, người con thứ 3 của mẹ cũng tham gia cách mạng tại đơn vị C61.
Đó là niềm vui, niềm tự hào chung của cả gia đình mẹ Phăng. Hòa bình đã được lập lại, mẹ được Nhà nước ghi ơn bằng danh hiệu cao quý là người có công trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc. Còn hôm nay, mẹ chính thức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, quả thật là niềm vui không thể tả hết. Nhìn nụ cười hiền từ của mẹ khi chúng tôi đề nghị chụp chân dung, chúng tôi biết được đây chưa phải là hạnh phúc trọn vẹn nhưng với mẹ Phăng đó là niềm vui lớn…
M.HIẾU - SONG ANH