Bình Dương được xếp vào nhóm 11 địa phương có số ca nghi sởi, sởi dương tính cao và đã ghi nhận 1 ca tử vong trên địa bàn huyện Phú Giáo. Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sởi, ngành y tế đã và đang triển khai các biện pháp phòng dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.
Ngành y tế đang triển khai các biện pháp phòng dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, trong đó có việc tăng cường tiêm chủng vắc xin tại trường học
Quyết liệt kiểm soát tình hình dịch
Hiện tại, Bình Dương đã ghi nhận 1 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi vào ngày 11-11. Ca tử vong là bé gái 13 tháng tuổi, ở xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Kết quả chẩn đoán bé tử vong do bệnh sởi kèm suy gan cấp, bệnh não gan độ 3, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng.
Sau khi nhận được thông tin, ngành y tế tỉnh phối hợp với huyện Phú Giáo tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần. Hiện tại, ngành vẫn chưa xác định được nguồn lây và chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh sởi nào khác tại các địa điểm mà ca bệnh tử vong đã đến, lưu lại. Các trường hợp tiếp xúc gần được ngành hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
Rèn luyện thói quen giữ vệ sinh cho trẻ Theo bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của ngành y tế; tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi; vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày; rèn luyện trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn… |
Bên cạnh ghi nhận ca tử vong, thời gian gần đây số ca mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Trung bình mỗi tuần, tỉnh ghi nhận hơn 40 ca sởi dương tính và được xếp vào nhóm 11 địa phương có số ca nghi sởi, sởi dương tính cao nên nguy cơ bùng phát dịch của địa phương đang ở mức cao.
Trước sự gia tăng nhanh của số ca bệnh sởi trên địa bàn, Sở Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết ngành y tế tỉnh đang tăng cường triển khai các hoạt động giám sát dịch tễ tại các khu vực nguy cơ cao; tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin phòng chống bệnh sởi cho trẻ em dưới 10 tuổi tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Ngành cũng đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ và cách phòng ngừa bệnh sởi, không nên lơ là, cần chủ động đưa con em tiêm ngừa vắc xin sởi để tạo miễn dịch cộng đồng.
“Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với 9 huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, chia sẻ tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi. Cùng với công tác giám sát, toàn ngành tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp với chủ trương không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.
Tiêm vắc xin sởi - rubella cho học sinh tại TP.Thuận An
Người dân nâng cao ý thức phòng bệnh
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, thông thường 1 người mắc sởi có thể lây cho 12 - 18 người xung quanh chưa có miễn dịch. Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi là sốt, phát ban. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm giác mạc, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não… dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch yếu.
Trẻ bị lây nhiễm virus sởi nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mũi hoặc họng của người mang bệnh. Trẻ còn có thể bị lây bệnh thông qua tiếp xúc với giọt bắn khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, loại virus này sinh sống trong dịch nhầy ở mũi, họng khiến trẻ bị phát ban đỏ, lấm tấm.
“Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với 9 huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, chia sẻ tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi”. (Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh) |
Sởi là một căn bệnh có nguy cơ xuất hiện biến chứng ở trẻ mắc bệnh sởi cao, nhất là đối với các trẻ chưa từng mắc bệnh sởi và chưa được tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ. Do đó, khi chăm sóc trẻ bị sởi, phụ huynh cần chú ý đến các biểu hiện chuyển bệnh nặng, nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu: Sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên; trẻ có biểu hiện khó thở, thở nhanh, thở gấp, mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn, mất tập trung, không muốn chơi; trẻ bị phát ban toàn thân nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ sốt.
Theo bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như: Tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của ngành y tế; tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi; vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày; rèn luyện trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn; hạn chế cho trẻ đưa tay lên mắt, mũi; tập cho trẻ vệ sinh miệng, mũi và họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày; vệ sinh và sát khuẩn khu vực sống và vui chơi của trẻ.
KIM HÀ