Bài 8: Đỗ Mười - Người cộng sản trung kiên, luôn gắn bó với nhân dân
Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng, chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh Khu Tả ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu nhiều bộ, ngành, nhiều năm lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1991 đến năm 1997.
Chân dung Tổng Bí thư Đỗ Mười |
Đồng chí Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Nằm ở cửa ngõ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng và đấu tranh cách mạng. Nơi đây vẫn còn âm vang chiến thắng Ngọc Hồi - Đầm Mực trong chiến dịch vua Quang Trung - Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789. Cũng chính nơi đây, nhiều danh nhân văn hóa đã làm rạng rỡ vùng đất linh thiêng anh hùng này như Chu Văn An - người thầy của muôn đời; Nguyễn Như Đổ - nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ kiệt xuất; Ngô Thì Nhậm - nhà tri thức lỗi lạc… những chí sĩ yêu nước tiêu biểu như Bùi Liêm, Vũ Hoành…; những chiến sĩ cách mạng ưu tú như Đỗ Ngọc Du, Phạm Gia...
Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào vận động dân chủ 1936-1939. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió đã tôi luyện đồng chí trở thành người cộng sản kiên cường. Những năm tháng gian khổ giai đoạn 1939-1940, khi thực dân Pháp tăng cường khủng bố ác liệt các phong trào cách mạng, đồng chí đã bị địch bắt năm 1941 và bị kết án 10 năm tù giam tại nhà tù Hỏa Lò. Kẻ thù tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần và để rồi khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng các bạn tù chính trị tìm cách vượt ngục Hỏa Lò và tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiều trọng trách và đều hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đầy khó khăn.
Tháng 3-1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Đầu năm 1946, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đến cuối năm 1946, làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính tỉnh Nam Định. Năm 1948, đồng chí làm Khu ủy viên Khu III kiêm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Năm 1950, làm Phó Bí thư Liên khu ủy III kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III. Từ năm 1951 đến năm 1954, làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn sông Hồng kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn sông Hồng. Năm 1955, đồng chí là Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng.
Tổng Bí thư Đỗ Mười (thứ ba, từ trái sang) trong một lần đến thăm Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu 3-2 - Bình Dương. Ảnh: DUY HIỀN
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa II (3-1955), đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1956 đến năm 1973, đồng chí đã giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Nội thương rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và sau đó được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6-1988, đồng chí được Quốc hội khóa VIII bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và VIII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX. Tháng 12- 1997, đồng chí đã đề nghị chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư và được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong giai đoạn đầy khó khăn do những biến động tiêu cực ở Liên Xô và Đông Âu, đồng chí Đỗ Mười đã góp phần cùng Trung ương Đảng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi thử thách, cam go, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục tiến lên.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Đỗ Mười luôn nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của dân tộc và đồng chí đã thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, đồng chí luôn gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và hòa bình xây dựng, đồng chí được tôi luyện, thử thách trong thực tiễn trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ở đồng chí thực tiễn và lý luận quyện chặt nhau, thể hiện giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng và chính quyền, giữa Đảng, chính quyền và nhân dân tạo nên chất xám trong đồng chí, góp phần quan trọng khi đồng chí đề xuất các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn phù hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ.
Nhận xét về người tiền nhiệm của mình, trong bài viết “Đồng chí Đỗ Mười - con người của hành động” đăng trên TTXVN, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Trong công tác xây dựng Đảng, anh Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường. Kiên quyết, kiên định chịu lắng nghe, chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng. Còn nhớ, khi tôi là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sau một số lần anh cùng dự sinh hoạt với Quân ủy Trung ương, lắng nghe tôi phát biểu, cùng tranh luận, ít lâu sau anh Mười đề nghị với Quân ủy Trung ương dành thời gian thích đáng để tôi được tham gia trực Đảng cùng với đồng chí Đào Duy Tùng. Khi cả anh và anh Đào Duy Tùng đi công tác vắng anh gọi tôi đến và giao tôi trực Đảng. Anh nói việc này mới đối với đồng chí, nhưng cứ làm rồi quen dần. Tôi hiểu, đây là cách đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Không chỉ riêng tôi mà trong nhiều trường hợp khác, qua cách chọn cán bộ, giao việc của anh Mười tôi thấy anh là người luôn chăm lo đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước, nhất là những cán bộ đã kinh qua chiến đấu ở các chiến trường, con em các đồng chí cách mạng lão thành, con em các đồng chí thương binh, liệt sĩ. Không chỉ trong xây dựng Đảng mà trong xây dựng và phát triển kinh tế anh Đỗ Mười được phân công phụ trách nhiều mũi quan trọng. Anh rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, tài chính ngân hàng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận ở các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở. Anh say sưa tranh luận đến cùng từng sự việc nên không phải không có lúc người ta tưởng anh có tư tưởng áp đặt, mất dân chủ. Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh, tôi càng thấy ở anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị, có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả trong những con người cụ thể. Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở…”.
P.V (tổng hợp)