Chằng nghịch là chằng nghịch chi?

Cập nhật: 25-08-2016 | 08:47:40

Mấy tháng nay, dọc các tuyến đại lộ Bình Dương, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT745… của tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều điểm bán chim chằng nghịch (gà nước vằn - có người còn gọi là chàng nghịch) đã được làm thịt. Mấy tay nhậu lại có dịp kháo nhau về món “ăn ngon vô đối” này. Thực hư, “bổ ngang, bổ ngửa” như thế nào, phóng viên Báo Bình Dương đã cất công đi tìm sự thật về món thịt chim này.

 “Chàng” bán chim chơi “nghịch”?  

Trong vai người mua chim chằng nghịch về làm mồi nhậu, chúng tôi đã có dịp dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp bày bán loại chim này. Cách trạm thu phí Suối Giữa trên đại lộ Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) chừng 200m, người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít giới thiệu với chúng tôi về các món chằng nghịch rô ti, chằng nghịch nướng muối ớt, chằng nghịch khìa nước dừa… làm mồi ngon phải biết. Theo lời người phụ nữ này, hiện đang làmùa mưa, ở đồng bằng sông Cửu Long giống chim này nhiều vô số kể; nhiều người đã giăng lưới bán cho dân nhậu. Con chim được thui trụi hết lông, khoe màu vàng óng trông rất bắt mắt được chịnày ra giá150.000 đồng/ kg. Chị này còn huyên thuyên, mỗi ngày chim chằng nghịch lên Bình Dương chỉ có vài chục ký, nếu không mua dịp này sẽ không còn chim để ăn.

Một điểm bán chim được cho là chằng nghịch tại khu vực phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Ảnh: X.VĨ

Còn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, vào buổi chiều thường có nhiều người bày bán chim chằng nghịch. Trong khi đó, trên đường ĐT745, đại lộ Bình Dương, quốc lộ 13... chim chằng nghịch cũng được bày bán khá nhiều. Sáng qua (24-8), ghé một “sạp” bán chim chằng nghịch đoạn gần cầu Ông Bố (phường Bình Hòa, TX.Thuận An), chúng tôi được anh chàng có nước da sạm nắng quảng cáo về đặc sản chằng nghịch: “Đây là lứa chim vừa bắt được từ Đồng Tháp còn tươi rói. Giống chim này vào mùa nước lũ mới có, không phải lúc nào chim cũng về”. Giáanh này đưa ra cho một kg chim chằng nghịch chỉ có 130.000 đồng. Anh ta còn cho biết thêm, đang vào mùa chim chằng nghịch về làm tổ nên giá mới rẻ như vầy, nếu là ngày khác giá chim phải từ 300.000 -400.000 đồng một kg. Anh này còn “dọa”: Mua nhanh, không chút nữa mấy chủ quán nhậu ra thu mua hết thì không còn đặc sản để mà ăn.

Chưa biết món chim này ngon bổ rẻ ra sao, chúng tôi chỉ thấy chim chằng nghịch được bày bán trên các tuyến đường trong tỉnh hầu như không được che đậy, để những con chim được thui vàng óng ánh giữa cái nắng gay gắt và khói bụi từ xe đi lại trên đường. Cũng vì thế, nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao.

Tại Việt Nam, chim chằng nghịch tập trung chủ yếu tại khu bảo tồn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, vì sao chim chằng nghịch lại dễ dàng được bày bán rất nhiều tại Bình Dương? Phải chăng, người mua đã trúng trò “nghịch” của người bán chim. Theo những người có kinh nghiệm về loại chim này, giữa chim chằng nghịch và chim cút, nếu người không có kinh nghiệm thì rất khó nhận ra sự khác biệt của 2 loài chim này.

Biến cút, cò thành chằng nghịch: Quá dễ!

Chúng tôi đã liên hệ với bà H.T.T., ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An, gia đình bà đang nuôi cút cho trứng. Theo bà T., cút đẻ trứng tối đa là 16 tháng, sau đó không còn khả năng sinh nở và thường được bán thịt cho các thương lái với giá chỉ chừng 30.000 đồng/kg. Hàng tháng, bà thanh lý khoảng 30 - 40kg chim cút già như vậy. Còn có người mua cút về bán cút thịt hay phù phép thành món gì nữa thì bà không thể biết. Chúng tôi đã đưa bà T. 3 chú chim chằng nghịch được thui vàng mới mua tại một điểm bán ở khu vực gần cầu Ông Bố (phường Bình Hòa, TX.Thuận An). Ngắm nhìn 3 chú chim chằng nghịch, bà T. mỉm cười khẳng định, nó không khác gì con chim cút già mà gia đình bà thanh lý để nuôi giống chim cút mới. Bà T. nói chắc nịch: Chim chằng nghịch có cái mỏ dài hơn rất nhiều, đâu có cụt ngủn như mỏ 3 con chim này. Đây là trò lừa đảo hết sức đơn giản nhưng người mua vẫn không hề hay biết.

3 chú chim chằng nghịch thui vàng mà phóng viên Báo Bình Dương mua, bà T., chuyên nuôi chim cút ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An khẳng định đây là chim cút già

Ông P.T.S., chủ một quán nhậu tại TX.Dĩ An, vốn là dân gốc miền Tây cho hay, ông có thể nhận dạng được chim nào là chằng nghịch. Về hình dáng, chim cút không có bộ lông sặc sỡ như chim chằng nghịch, mỏ chim cút nhỏ, mỏ chằng nghịch thì dài. Nhưng nếu thui trụi lông thì hình dáng con chim cút hết khả năng cho trứng với chim chằng nghịch tự nhiên chẳng khác gì mấy. Nếu người mua chịu khó để ý thì thấy mỏ chim chằng nghịch phải dài hơn nhiều so với mỏ chim cút.

 

Chim chằng nghịch có tên khoa khoa học là Gallirallus striatus. Chằng nghịch được người dân gọi với cái tên khác là chim rẽ đất rẽ hoa. Đây là một loài gà nước được tìm thấy ởtiểu lục địa Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka và Đông Nam Á. Chim có mỏ đỏ dài, mắt và chân đen tuyền, mặt lưng nâu thẫm có nhiều vằn lượn sóng trắng; phần dưới lưng và lông cánh sơ cấp có nhiều chấm trắng, mỗi lông đều viền nâu hơi vàng.

Theo ông S., hô biến chim cút thành chằng nghịch rất dễ dàng, chỉ cần vặt hết lông thui vàng thì nói chim gì cũng được. Nhiều người mua loài chim này ở Bình Dương không có kinh nghiệm, kiến thức về các loài chim nên dễ bị lừa. Ông S. khẳng định, giả chim cút thành chim chằng nghịch vẫn chưa là gì, nếu chim cút bị hô biến thành chim mắt đỏ, hay còn gọi là chim ốc cao thì giá bán còn cao hơn nhiều. Chim cút sau khi nhổ lông xong lấy khò khò cho vàng, sau đó dùng mỡ heo chiên cho da vàng rộm, rồi phết một loại gia vị có mùi chim đặc trưng thì hô biến thành đặc sản chim ốc cao với giá gấp 2 lần chim chằng nghịch. Đến khi ăn vào, người mua mới phát hiện chẳng khác gì vị chim cút bán ngoài chợ.

Ông S. nói thêm, để làm giả chim chằng nghịch thường người ta sẽ dùng chim cò, bởi vì hình dáng, kích thước, đôi chân và cái mỏ dài của cò không khác mấy so với chằng nghịch. Chỉ khác nhau nhiều nhất ở bộ lông, nhưng nếu vặt trụi lông và thui vàng thì dân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới phát hiện thật giả được. Chỉ cần vài thao tác “mông má” và chiên vàng rộm thì cò hay chằng nghịch chỉ có người bán mới biết được. Lý do, dùng cò giả chằng nghịch cũng rất đơn giản. Điều đáng nói, giácò tại nguồn chỉ có vài ba chục ngàn mỗi kg, sau khi phù phép thành chằng nghịch giá đội lên gấp mấy lần. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có không ít điểm bán dùng chim cò giả thành chim chằng nghịch; có chỗ pha trộn tỷ lệ “7 cò, 3 chằng nghịch”. “Nếu đúng là chim chằng nghịch giá bán rất cao, tầm vào khoảng 200.000 - 400.000 đồng/kg tùy mùa. Trong khi đó, giá bán chim chằng nghịch tại Bình Dương chỉ có 120.000 - 150.000 đồng/kg thì lấy đâu ra chim chằng nghịch thiệt?”, ông S. quả quyết.

Qua những gì chúng tôi ghi nhận được cho thấy, những người thích các loại “chim rừng cá nước” cũng cần lưu ý việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang, vì làm món ăn đặc sản này “góp phần” làm cạn kiệt thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học… Chưa kể, các loại chim đặc sản được hô biến từ con vật hết sức bình thường, thậm chí mang mầm bệnh, người mua phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.

 Ông Trần Văn Nguyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, thông tin chim chằng nghịch được bày bán phổ biến trên địa bàn tỉnh đã được chi cục tiếp nhận. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, các đối tượng này đều “treo đầu dê bán thịt chó”. Do vậy, muốn xử lý theo đúng chức năng của cơ quan quản lý động vật hoang dã, động vật tự nhiên rất khó. Trong khi đó, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cũng “bó tay” bởi các đối tượng này thường thay đổi chỗ bán, không ngồi một nơi cố định, bán số lượng không nhiều…

 

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=10322
Quay lên trên