Chàng trai khởi nghiệp từ... sạp cá

Cập nhật: 26-06-2014 | 00:00:00
Hai tháng nay, ở đầu đường số 1, đối diện chợ Tân Mỹ (quận 7, TPHCM), xuất hiện một... sạp cá, biển hiệu ghi là Hải sản Bình Ba. Chủ sạp là một thanh niên cao ráo, thư sinh, vừa rời ghế đại học. Nhìn cái cách chủ sạp xởi lởi giới thiệu tên và cách nấu nướng từng loại cá cho mấy bà nội trợ, rồi lăn xả cạo vảy, làm mang, đóng gói, tính tiền... nhiều người lấy làm nể phục. “Có gì đâu. Em con nhà ngư dân. Từ lớp 11 đã quen sáng đi học chiều đi đánh lưới, câu cá với ba, làm gì thì làm rồi cuối cùng cũng dính dáng với những việc liên quan tới con tôm con cá”, Phan Văn An, 24 tuổi, chủ sạp hàng Hải sản Bình Ba, chia sẻ.

Rời khoa Điện - Điện tử trường Đại học Tôn Đức Thắng, một năm qua, An đã thử sức với nghề nhân viên bán hàng điện ở một công ty với mức lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng lại nghỉ việc, đơn giản vì “không thấy niềm vui trong nghề”. An kể: “Tự ý lên chương trình kinh doanh, đi thuê mặt bằng, lên mạng lập Facebook, mở trang giới thiệu cửa hàng đâu vào đó rồi mới dám báo cho gia đình ở quê biết là mình chuyển từ bán điện sang bán... cá. Ông bà già nghe tin, choáng váng, gọi vào la một trận. Nhưng mọi việc đã xong rồi. Chỉ biết thuyết phục ba mẹ rằng, bán cá con thấy vui hơn, tự do hơn đi làm công cho người khác trong thời buổi này”.

Cho đến hôm rồi, về nhà nghỉ lễ dịp 30-4, suốt một tuần ở nhà, An kể, “cứ bị ông bà già la suốt”. Ai cũng bảo “hết việc làm hay sao mà học đại học ra lại đi bán cá như mấy bà ngoài chợ”.

“Em tính rồi, thời buổi khó khăn, trả đồng lương cho mình, người ta ép mình ghê gớm. Nhiều lúc áp lực căng thẳng lắm. Chi bằng tự xoay xở kinh doanh”, An nói để cố thuyết phục tôi cũng như đã thuyết phục bao nhiêu người trong gia đình thấy lý lẽ của cái việc “bất thường” mà mình đang làm.

La thì la. Nhưng cũng không bỏ mặc thằng con làm chuyện ngược đời được. Mỗi ngày, ông Phan Văn Mật, 56 tuổi, ở Phú Hải (phường Cam Phú, Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn đi biển, nguồn cá tôm tươi đưa về, cộng với mớ cá mà vợ ông - bà Võ Thị Tuyết - đi mua gom ở mấy xóm chài được cho vào thùng đá, gửi xe đêm để sáng hôm sau, tại Sài Gòn, cậu con trai út của họ nhận được, cho lên sạp.

Vừa đánh vảy cá cho khách, An vừa vui vẻ nói: “Nhu cầu ăn cá tươi, sạch, an toàn hiện nay là rất lớn. Nhiều người khá giả ở Phú Mỹ Hưng thường xuyên ghé và chọn hàng tươi, mới về để ăn. Nhiều khách hàng là nhân viên văn phòng, không có thì giờ ra chợ hay siêu thị, chỉ cần xem thông tin qua mạng, là tin tưởng đặt hàng”.

Gia đình chẳng khá giả gì, là con út trong gia đình năm anh em, lại là người con duy nhất được học tới đại học, từ khi là sinh viên năm thứ hai, Phan Văn An đã tự xoay xở kiếm sống bằng cách lên mạng tự mở cửa hàng trực tuyến cung cấp tôm hùm tươi. Gia đình có đìa nuôi tôm hùm, nên cũng thuận lợi và chủ động nguồn hàng. Mấy năm đi học, nhờ bỏ mối tôm hùm qua mạng, An kiếm được đồng ra đồng vào, tự kiếm tiền chi tiêu.

Chàng trai tâm niệm, mình giữ chữ tín, giao đúng hàng, đúng hẹn, hàng tươi ngon thì người ta trở thành khách hàng thường xuyên của mình.

“Mỗi lần về quê nhìn cha và những ngư dân làng biển sống thiếu thốn mà không giúp gì được, xót lắm. Nhà ai nuôi tôm thì chủ yếu trông nhờ bán cho khách Trung Quốc, qua biết bao nhiêu cấp thu gom, bị ép giá kinh khủng. Nhà tôi có năm bị trộm vớt sạch, mất trắng, mới đây thì lại bị giựt nợ... Cái sạp cá này coi như một thử nghiệm khởi nghiệp để theo đuổi một ước mơ lâu dài hơn: sẽ tổ chức được đầu ra để lâu dài có điều kiện hỗ trợ cho dân nghèo quê mình”, Phan Văn An nói trong ánh mắt ngập tràn hy vọng.

Trở về với thực tế của bài toán gánh cá khiêm tốn mà chàng trai này phải giải hàng ngày: trừ tiền thuê mặt bằng, tiền phí vận chuyển, vốn liếng... mỗi ngày nếu có nhiều hàng và bán hết, thì có thể lời được 300.000 đồng. Nhưng cũng có những ngày ế ẩm hoặc ít hàng, thì cũng phải chấp nhận huề vốn, lấy ngắn nuôi dài.

“Hôm nào cũng đến chín mười giờ mới về tới nhà trọ. Đói bụng, buồn ngủ vật vờ, người lấm đầy mùi tanh của cá. Tắm xong là nằm mê mệt không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng cũng có những hôm nghỉ lễ hay cuối tuần, công việc đỡ phần nào vì nhờ có bạn bè phụ giúp”, An tâm sự.

Và anh chàng có nụ cười hiền lành không giấu giếm kể cho tôi nghe, Kim, cô người yêu của anh đang làm kế toán cho một công ty, rảnh rỗi vẫn sang sạp cá để phụ giúp anh đánh vảy, phụ những công việc mà tay chân đàn ông đụng vào cứ thấy vướng víu vụng về. Ngoài ra, Châu, anh bạn thân thời đại học quê ở Phú Yên, thỉnh thoảng cũng ghé qua để phụ khi khách đông, một mình anh xoay xở không hết việc.

Trước khi ông khách lắm chuyện rời đi, chàng trai chủ sạp cá đã truyền một chút nhiệt huyết và hy vọng khởi nghiệp: “Tất cả chưa thể nói gì. Tụi em muốn thử nghiệm kinh doanh với mô hình này. Cũng đọc nhiều sách làm giàu, cũng đi dự nhiều hội thảo kinh doanh lắm. Nhiều tỉ phú cũng đã bắt đầu từ các việc nhỏ nhỏ vừa sức mình như vầy. Quan trọng là tìm thấy hứng thú và dám ước mơ. Vui hơn, khi công việc mình làm cũng là cách giới thiệu quê hương mình với nhiều người”.

Fanpage Hải sản Bình Ba trên Facebook của An đã lên đến gần 1.200 lượt người thích (like). Nhiều đơn hàng đã bắt đầu từ đây. Chiếc máy tính xách tay trên bàn liên tục có tin nhắn, bên một sạp cá nhỏ đến từ vùng biển quê nhà. Tất cả, là vốn liếng và là khởi điểm của một ước mơ lớn.

Theo TBKTSG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4607
Quay lên trên