Chánh án Tòa án Tối cao: Phải tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội

Cập nhật: 14-08-2024 | 09:37:05

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm nếu không thể tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết, Luật này trở nên vô nghĩa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo.

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng Tám năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo).

Dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8, tháng 10 tới.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ.

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật. Trong đó, 3 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại mỗi giai đoạn tố tụng nhằm giúp người chưa thành niên có đủ điều kiện theo luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Riêng đối với biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng, cần tiếp tục giao cho Tòa án quyết định vì đây là biện pháp nghiêm khắc nhất.

Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án Nhân dân Tối cao thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt theo hướng: Không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm (không chỉ áp dụng với 5 tội như dự thảo Luật trình Quốc hội).

Về tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật tố tụng hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.

Với điều kiện cơ sở vật chất của trại giam, các cơ quan đều thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cả 2 mô hình: trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.

Đồng tình với quy định “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật Tố tụng Hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm nếu không thể tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết, Luật này trở nên vô nghĩa. Quy định này cũng để giải quyết ngay các vụ án, bảo đảm cho người chưa thành niên được hưởng các chính sách tốt nhất tại thời điểm độ tuổi chưa thành niên.

Mặt khác, liên quan đến vấn đề bảo mật, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng nếu để vào vụ án chung, phải xét xử công khai, không được xét xử kín, bản án phải được công khai, như vậy tất cả hành vi sai lầm của các cháu đều bị công khai hết cả. Đây là điều mặc cảm, ảnh hưởng đến con đường hoàn lương còn lại rất dài của các cháu, các cháu sẽ luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ phạm tội. Bên cạnh đó, nếu không tách án, không có quy trình điều tra cho cá nhân mà phải tuân theo thời hạn điều tra vụ án. Mà với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các cháu phải trải qua thời hạn điều tra rất dài.

“Chúng tôi đã có biện pháp nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến trình xử lý vụ án và người chưa thành niên cũng không phải ra tòa hai lần,” Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất về sự cần thiết tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội nhằm thực hiện các chính sách mới, bảo đảm yếu tố thân thiện và rút ngắn thời hạn tố tụng.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các quy định về xử lý người chưa thành niên phạm tội trong lĩnh vực tư pháp hình sự hiện nay đã được quy định rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau. Do đó, việc xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên thể hiện sự tiến bộ, nhân văn đối với đối tượng này, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=145
Quay lên trên