Những đứa con của chị Đặng Thị Lâm Tuyền phải học bài dưới đèn dầu
Bao năm nay, cứ mỗi khi mặt trời khuất dạng, bóng tối lan dần, người dân ở khu vực này lại ra bờ bao sông Thị Tính hóng mát, phe phẩy quạt giấy xua muỗi. Họ nhìn qua bên kia sông, đèn điện nơi ấy sáng choang, hắt bóng xuống dòng. Hướng tầm mắt về phía cầu Ông Cộ, các phương tiện giao thông qua lại tấp nập, những dây đèn trang trí, biển hiệu quảng cáo nhấp nháy. Ngó cặp mắt vào nhà mình, ngọn đèn dầu tù mù không đủ sức xua đi bóng đêm đang ngự trị.
Thiếu thốn đến khó tin
Lau vội hai cây đèn dầu để kịp thắp sáng cho buổi tối, bà Lê Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, sống 24 năm tại tổ 4, ấp Phú Thứ) nói: “Thời buổi này ít có ở đâu mà còn lọ mọ đèn dầu mỗi tối như chúng tôi không. Nhà tôi có 4 cây đèn dầu, từ đèn hột vịt đến đèn măng-sông, nhưng thắp hết lên thì tốn tiền dầu lắm. Một lít dầu thắp sáng cũng hơn 20.000 đồng. Chúng tôi chỉ thắp mấy cây đèn nhỏ thôi, đèn măng-sông chỉ dành dịp lễ, tết hay nhà có đám tiệc mới dám xài”.
Ông Hà Văn Luông (54 tuổi) chồng bà Hoa thì đang kiểm tra “hệ thống điện” của nhà để kịp xem chương trình thời sự trên tivi. Ông Luông cho hay: “Khu vực này nhà nào cũng đã sắm tivi màu, có nhà mua cả tủ lạnh nhưng chỉ là để đấy thôi. Chỉ có nhà tôi là xài cái tivi trắng đen này, dùng nguồn điện từ bình ắc quy cho nó đỡ hao”. Nghĩ cũng lạ, chúng tôi tò mò hỏi thêm việc ông tự hào nói đến cái tivi trắng đen thì ông Luông hỏi: “Vậy, nhà báo có biết chỗ nào bán tivi màu mà chạy bằng bình sạc như thế này không? Chỉ tôi mua với. Nhà tôi tối om thế này, bình sạc ắc quy cũng chỉ dành xem thời sự trên tivi hoặc nghe đài thôi. Hết thời sự là tắt luôn, quay về với… đèn dầu”.
“Nghĩ ở tận vùng sâu vùng xa, hay vùng cao, biên giới chưa có điều kiện để kéo điện, đưa nước sạch về cho người dân dùng mà chúng tôi chán quá. Sống ở ngay sau lưng TP.Thủ Dầu Một, cách đường ĐT744 không đầy 1.000m mà phải leo lét cảnh đèn dầu đến tận bây giờ”, ông Trần Văn Gôn (50 tuổi), Tổ trưởng tổ 4, ấp Phú Thứ than thở.
Chị Đặng Thị Lâm Tuyền (37 tuổi, tổ 4, ấp Phú Thứ) cho biết, mong muốn có điện thắp sáng nên những người dân gần nhau tại khu vực này đã chung tiền mua máy phát điện. Tuy nhiên, máy phát điện thì cũng chỉ phần nào hỗ trợ cho điện sinh hoạt vào ban đêm, hoặc tiệc tùng, giỗ tết, chứ ban ngày thì đành chịu thua. Điện sinh hoạt còn chưa có, nói gì đến điện sản xuất. Người dân nơi đây “khát” điện còn hơn khát nước. “ Nhà cửa ngon lành, lắp đặt hệ thống điện hoàn chỉnh, bao lâu nay, mỗi lần nghe chính quyền nói sắp có điện, vợ chồng tôi lại gom tiền đi mua một món đồ điện tử. Tính đến nay, nhà tôi đã đủ đồ điện từ tivi, máy giặt, tủ lạnh nhưng đành đắp mền để đó, điện đâu mà xài. Tội mấy đứa con tôi, thời buổi này mà cứ phải học đèn dầu. Học xong mà quên không rửa mặt thì y như rằng vừa chơi quẹt lọ do ám khói đèn dầu”, chị Tuyền than. Bà Lê Thị Tuyết Hoa đang lau đèn dầu chuẩn bị thắp sáng khi tối trời
Ông Nguyễn Thế Hùng (55 tuổi), Trưởng ấp Phú Thứ cho biết, khu vực bờ bao sông Thị Tính là vùng đất màu mỡ. Người dân có thể làm ăn, phát triển kinh tế tốt. “Dân cư tập trung ở đây từ bao giờ thì tôi không biết. Chỉ biết từ thời cha ông đã ra đây sinh sống. Khi có điều kiện kinh tế tốt hơn, đa phần mọi người chuyển đi nơi khác sống, vì ở đây thiếu điện. Những hộ bám trụ lại mảnh đất quê hương này tính ra cũng trên dưới 30 năm. Hiện tại, có 26 hộ (hộ đã được cấp hộ khẩu) tại tổ 4 và tổ 5 của ấp Phú Thứ sống gần khu vực bờ bao sông Thị Tính là không có điện”.
Cùng chia sẻ với ông Hùng, ông Nguyễn Văn Lý (57 tuổi), Trưởng ấp Bến Liễu nói: “Nói là sống tại Bình Dương - tỉnh kinh tế công nghiệp nổi tiếng cả nước - mà không có điện thì không ai tin đâu, nhưng thực tế là vậy. Không điện, kéo theo nhiều hệ lụy lắm. Hiện tại, ấp tôi có hơn 10 hộ sống gần bờ bao sông là không có điện”.
Lời hứa với dân chưa thực hiện
Đó là con số do đại diện chính quyền cơ sở cung cấp, còn theo tìm hiểu của chúng tôi, ở ấp Bến Liễu và ấp Phú Thứ có gần 100 hộ dân là chưa có điện (nhiều hộ chưa được cấp hộ khẩu nên không thể hiện trong biên bản các cuộc họp). Nhiều hộ dân đã tự thân vận động bằng cách nhờ câu điện từ bên kia sông Thị Tính về, hoặc móc điện từ những hộ dân cuối nguồn gần đó. Tuy nhiên, việc sử dụng điện cuối nguồn, lại truyền tải xa trên dây dẫn có tiết diện nhỏ nên dòng điện ở những hộ dân may mắn đó (bởi được câu nhờ điện) vừa yếu, lại hao phí…
Trong dịp ghé ấp Phú Thứ viết về gương làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trên đường về, chúng tôi lấy làm lạ khi trời đã chập choạng tối, nhưng chẳng thấy nhà của các hộ dân sống dọc theo đê bao sông Thị Tính sáng đèn. Dò hỏi mới hay đã hơn 35 năm qua, hàng chục hộ dân ở địa bàn 2 ấp Phú Thứ và Bến Liễu chưa một lần được sử dụng điện lưới quốc gia để học tập, sinh hoạt, hay phục vụ cho mục đích tiếp cận thông tin, mở mang kiến thức từ truyền hình, internet.
Ông Nguyễn Thế Hùng, cho biết: “Đã có nhiều cuộc họp của dân ấp Bến Liễu, Phú Thứ cùng chính quyền xã Phú An, trong các lần lãnh đạo huyện Bến Cát tổ chức tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã phản ảnh về chuyện khát… điện. Sau mỗi cuộc họp là những lời hứa “sẽ lưu tâm tới vấn đề này”. Nhưng đến nay đã gần hết năm 2013, mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì, ngoài mấy lần nhân viên điện lực xuống khảo sát rồi… về”.
Mang những bức xúc của người dân ấp Phú Thứ và ấp Bến Liễu chúng tôi đến gõ cửa cơ quan chức năng. Khi vừa nghe chúng tôi trình bày về tình cảnh của gần 100 hộ dân suốt hơn 30 năm chưa có điện sinh hoạt, Phó Giám đốc Điện lực huyện Bến Cát (phụ trách kỹ thuật), ông Nguyễn Văn Xuân ngỡ ngàng nói: “Mới nghe phản ánh thông tin này. Chúng tôi cũng chưa nắm được chỗ nào, có đơn không?” và sau đó kiên quyết từ chối trả lời vấn đề này vì lý do “ Giám đốc điện lực đang đi công tác. Tôi không được phép phát ngôn, không đủ thẩm quyền trả lời cho báo chí. Mấy anh chị liên hệ giám đốc nhé…”!
CHÍ THANH - ĐỖ ĐẶM