Gia đình ông Phạm Văn Nia với bữa cơm gia đình ý nghĩa Ảnh: THIÊNLÝ
Từ bao đời nay, đối với các thế hệ người Việt, bữa cơm GĐ có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, gắn kết các thành viên trong GĐ. Theo kinh nghiệm của nhiều GĐ hạnh phúc, thành đạt, bữa cơm không chỉ giúp các thành viên ngon miệng, có lợi cho sức khỏe, tiết kiệm chi phí mà còn là dịp để các thành viên chăm sóc, san sẻ yêu thương, giúp tình cảm GĐ thêm khắng khít. Nhiều năm nay, GĐ ông Phạm Văn Nia (khu phố 3, phường Phú Mỹ, TP.TDM) đều tổ chức và duy trì bữa cơm GĐ. GĐ ông hiện có 4 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà với 7 thành viên gồm vợ chồng ông Nia, vợ chồng người con trai lớn, vợ chồng đứa cháu út, cùng 1 đứa chắt. Ông Nia tâm sự: “Tôi đã già, giờ đây không còn mong muốn gì, chỉ mong các con, cháu sống yêu thương, đoàn kết lẫn nhau. Tôi biết mỗi đứa một công việc nên thời gian gần nhau rất khó. Do đó, tôi đã định ra cái lịch sẵn, sáng, trưa ai ăn ở đâu cũng được, nhưng chiều phải về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, tôi có cơ hội để nhắc nhở, khuyên răn các con, cháu”.
GĐ chị Trương Ngọc Bích (xã An Điền, TX.Bến Cát), có 4 thế hệ (bà cố, bà nội, vợ chồng chị và 2 con). GĐ nhiều thế hệ nên khẩu phần ăn cũng rất khác nhau. Trong những bữa cơm, chị quan sát ai thích ăn món gì, ăn lạt hay mặn để nấu cho đúng. Thấy vợ, mẹ tỉ mỉ chăm chút bữa ăn, chồng và các con chị cũng phụ nấu. Riêng bà cố, bà nội lâu lâu ngó xuống bếp “bay đưa đây tao lặt rau cho”. Từ lúc nấu đến khi dọn ăn, GĐ luôn tràn ngập tiếng cười. “Trong GĐ ngoài bà, ba mẹ tuổi đã cao thì còn có 2 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn (13 và 18 tuổi), nên mỗi khi lên thực đơn, tôi đều phải tính làm sao để cân đối”, chị Bích nói. Chị cho biết thêm, vợ chồng chị đều bận công việc cơ quan, rồi lo học hành để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên rất ít thời gian dành cho GĐ. Hơn nữa, ngoài công việc, anh chị còn nhiều mối quan hệ cần phải ngoại giao. Muốn tổ ấm của mình được trọn vẹn, hạnh phúc thực sự thì mỗi thành viên phải biết “giữ lửa” cho GĐ và bữa cơm GĐ chính là thước đo hạnh phúc.
Cũng theo nhiều GĐ, trước đây cuộc sống khó khăn, bữa cơm chỉ có dưa muối và rau nhưng không khí GĐ vẫn đầm ấm. Hiện nay, chạy theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người bị “cuốn” vào dòng chảy của công việc. Nhiều người quên đi ý nghĩa của bữa cơm. Nhiều thành viên, sáng đi sớm, tối mịt mới về vô tình đã tạo ra “vết nứt” giữa bố mẹ, vợ chồng, con cái. Chị Lê Thị Chung, cán bộ Sở Công Thương, cho biết nhà chị ở Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), do điều kiện công tác xa nhà nên chị phải thuê trọ tại TDM. Những ngày sống xa nhà, ăn cơm “bụi” nên chị thấm thía và rất “thèm” bữa cơm GĐ. Mỗi lần về nhà, chị dành thời gian cùng mẹ và các em xuống bếp. Những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng đem lại cho chị niềm vui và càng yêu GĐ mình hơn.
Đối với Sở VH,TT&DL, để hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, sở đã triển khai xuống các huyện, thị, thành phố tổ chức ngày hội. Bên cạnh đó, nhấn mạnh chủ đề năm nay “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, nhằm trân trọng những giây phút sum họp của mọi GĐ Việt Nam bên bữa cơm GĐ hạnh phúc, đầm ấm. Bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong GĐ. Thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng GĐ tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, nêu cao những giá trị vô giá của GĐ, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính các bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ. Do đó, các GĐ hãy cố gắng xây dựng những bữa ăn ngon để các thành viên trong GĐ thêm gắn kết.
THIÊN LÝ