“Chắp cánh” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(BDO) UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 4895/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2024. Theo đó, kế hoạch nhằm đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN.
Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu của cả nước về thu hút đầu tư. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần sản xuất thương mại He Vi (TP.Bến Cát)
Đồng hành vượt khó
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm 2024 toàn tỉnh có 5.182 DN đăng ký mới với số vốn đăng ký 30.039 tỷ đồng, nâng tổng số DN trong nước trên địa bàn tỉnh đến nay lên 70.912 DN với tổng số vốn 777.492 tỷ đồng. Số DN thành lập mới tăng 25,9% nhưng giảm 5,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, trên địa bàn tỉnh có 370 DN giải thể, với số vốn giải thể trên 2.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, nhận định các DN trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Nhiều DN đã chủ động, linh hoạt, ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn của thế giới; tích cực kiểm soát nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm khách hàng, bảo đảm thanh khoản. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển tăng, áp lực dòng tiền ngắn hạn đang ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN. Do đó, các DN xuất khẩu cần chủ động đa dạng hóa thị trường, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, linh hoạt với những biến động của thị trường; DN trong nước cần liên kết chặt chẽ hơn...
Ghi nhận cho thấy các DN giải thể là những DN mới thành lập, quy mô nhỏ. Các DN này dễ tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc từ bên ngoài. Đáng chú ý, DN khu vực tư nhân trong nước hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay, thị trường xuất khẩu… Các DN mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp đột phá để tiếp tục hỗ trợ DN vượt khó.
Tạo động lực mới phát triển DN
Kế hoạch số 4895/KH-UBND của UBND tỉnh hỗ trợ DNNVV năm 2024 nêu rõ, đối tượng được hỗ trợ là DN được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và đáp ứng các quy định tại chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định DNNVV; các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có nhu cầu phát triển chuyển đổi thành DN trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV. Theo đó, DN sẽ được hỗ trợ tư vấn và mua giải pháp chuyển đổi số, hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ; đồng thời được hỗ trợ nâng cao trình độ công nghệ, kết nối thị trường, phát triển thương hiệu và thực hiện các thủ tục sản xuất thử nghiệm. DN khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành sẽ được hướng dẫn về trình tự, thủ tục hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần chế biến gỗ Thuận An
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2024, Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu của cả nước về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, DN; cụ thể phấn đấu số lượng DN đăng ký thành lập mới trong năm 2024 đạt 6.744 DN; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho DN và người dân. Cùng với đó, Bình Dương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh; nâng cao vị trí của tỉnh trong bảng xếp hạng Chỉ số PCI và các chỉ số khác như PAPI, PAR INDEX, SIPAS.
Để chủ động hơn nữa trong công tác nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm, tích cực tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 đến các DN và người lao động gặp khó khăn trên trang thông tin điện tử của sở. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thành lập nhóm Zalo với cộng đồng DN, đến nay có hơn 400 DN tham gia. Thông qua đó, sở tiếp nhận và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN.
Hiện nay, xây dựng thương hiệu là việc khó nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các DN tư nhân trong nước, nhất là DNNVV càng cần theo kịp công nghệ để không bị bỏ lại phía sau.
NGỌC THANH