Chắp cánh để gốm bay xa...

Cập nhật: 13-01-2023 | 09:22:27

Trong một không gian nhỏ, tĩnh lặng, đôi vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng cứ lặng lẽ, tỉ mỉ từng chút một để cho ra đời những tác phẩm gốm handmade nổi tiếng từ Nam chí Bắc. Từ cái hồn, cái cốt của gốm Lái Thiêu, Biên Hòa xưa, được điểm tô, pha trộn thêm cái mới, cái hiện đại đã làm nên những tác phẩm gốm đáp ứng gu thẩm mỹ của nhiều người…


Nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng chăm chút từng chi tiết cho tác phẩm của mình

Ngọn lửa đam mê

Đôi vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng khá nổi tiếng trong làng gốm thủ công ở Việt Nam. Chỉ một khuôn viên nhỏ hơn 100m2 ở phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), họ đã làm nên biết bao tác phẩm gốm nổi tiếng khắp cả nước. Chị Dũng vừa tỉ mỉ gắn từng nhụy hoa mẫu đơn lên bình gốm, vừa trò chuyện. Chị bảo: “Thành quả ngày hôm nay của hai vợ chồng chưa gọi là thành công, tuy nhiên chúng tôi là một trong số ít nghệ sĩ gốm sống được bằng nghề. Với chúng tôi, có thu nhập ổn định, có nơi để thỏa mãn niềm đam mê sáng tác... là điều quý giá nhất…”.

Xưởng gốm mini này xuất phát từ đam mê của chị Dũng. Cả hai vợ chồng đều xuất thân từ nghề gốm ở trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Theo nghề gốm khá cực nên sau khi học xong, anh Văn rẽ hướng sang thiết kế thời trang. Còn chị Dũng may mắn hơn, ngoài đam mê của bản thân, chị được tiếp lửa bởi những “học trò” người Nhật. Chị Dũng tâm sự: “Nếu không có những học trò truyền lửa chưa chắc có tôi của ngày hôm nay” .

Chuyện là sau khi tốt nghiệp, chị Dũng được một ông chủ người Nhật thuê để dạy cho những người Nhật đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam học làm gốm. Họ chủ yếu học làm những sản phẩm đơn giản như ly, tách... nhưng luôn dành cả tâm huyết, sự khéo léo. Ngọn lửa ấy đã truyền thêm cảm hứng cho chị. Sau đó, chị Dũng tiếp tục đi làm cho nhiều công ty chuyên về gốm. Tuy nhiên, có một điểm chung ở những công ty này là rất ít chú trọng về mẫu mã. Mỗi năm họ chỉ cần vài chục mẫu mã mới và đem sản xuất đại trà. Vì vậy, chị Dũng không có đất dụng võ... và ý tưởng mở xưởng gốm mini ra đời. Hàng ngày, sau giờ tan ca ở công ty, chị Dũng cùng anh Văn trở về xưởng của mình để sáng tác. Khi ấy, chị Dũng không nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu hay sản xuất những mặt hàng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đơn giản chỉ là được làm cái mình thích.

Người tiên phong

Có thể nói, vợ chồng anh Văn, chị Dũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực gốm thủ công ở miền Nam. Chị Dũng nói, kiểu làm gốm này ở miền Bắc thì nhiều nhưng thời điểm đó trong miền Nam thì chưa có ai. Đặc biệt như Bình Dương thì chủ yếu làm theo quy mô công nghiệp, sản xuất số lượng lớn, đại trà. Vì vậy, vợ chồng chị phải tự mò mẫm, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm từ kỹ thuật nung đến cả pha màu. Bởi, ngày xưa học thì chủ yếu sử dụng đất trắng, rất dễ pha màu. Nhưng khi làm nghề, chị Dũng quyết theo đuổi dòng đất đỏ. Xét về mặt kinh tế thì Bình Dương chủ yếu là nguồn đất đỏ nên có nguồn nguyên liệu rẻ. Còn về tính nghệ thuật thì đất trắng mang màu sắc hiện đại, hào nhoáng, mới nhìn rất sang nhưng nhìn lâu dễ nhàm chán bởi sự đơn điệu. Ngược lại, đất đỏ được ví như cô nàng đỏng đảnh. Đất đỏ rất dễ tạo hình, nhưng khó lên màu như ý, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm. Nhưng trên hết ở đất đỏ có cái hồn của sự thô mộc, càng nhìn càng thấy mê.

Và những lô nung gốm đầu tiên hư liên tục. Như lời chị Dũng nói thì càng đốt càng hư. Đốt riết muốn nghèo luôn. Bởi tỷ lệ hư ban đầu lên đến 90%, sau đó còn 70-80%... “Có thời điểm tiền lương hàng tháng lãnh về chỉ để “đốt lò”, cứ như là mình đang đốt tiền vậy”, chị Nguyễn Thị Dũng chia sẻ về những gian nan ngày đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, cái lạ ở gốm là trong vô số cái hư đó, nếu cái nào nên thì màu sắc lên cực kỳ đẹp, cực lạ... Đó chính là niềm hy vọng, nhen nhóm ngọn lửa nghề và thổi bùng như hôm nay.


Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm gốm thủ công của mình

Hai vợ chồng cùng đam mê, cùng chí hướng là điều rất đáng trân quý. Tuy nhiên, trong cái chung có nét riêng, làm nên đặc trưng của từng người. Với chị Dũng, phong cách gốm đã phần nào thể hiện bản chất con người chị, mộc mạc, nữ tính và đầy tinh tế. Chị thường sử dụng kỹ thuật chạm hay đắp nổi, thể nghiệm với men màu để mang đến cho người xem những cảm xúc tươi mới, trong trẻo, chia sẻ tình yêu cuộc sống và luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Chủ đạo trong các sáng tác của chị Dũng là hoa nên chị từng được nhắc tới với tên gọi “người làm hoa nảy mầm từ đất sét”. Mỗi năm, chị sẽ chọn một loài hoa để sáng tác để luôn có điều mới mẻ.

Tương phản với sự nữ tính của vợ, tác phẩm của nghệ sĩ Ngô Trọng Văn mang đến những đường nét mạnh mẽ, gồ ghề đầy trăn trở. “Tôi thường sử dụng phương pháp khái quát bố cục để chắt lọc hình tượng, kết hợp sự chuyển biến của men màu với lửa sau quá trình nung, tạo nên những ẩn tàng về ý niệm, để mỗi người khi nhìn vào sẽ có những suy tưởng của riêng mình”, anh Văn cho biết.

Chia tay đôi vợ chồng nghệ sĩ gốm đầy tài năng, điều đọng lại trong tôi, chính là họ đã biến đam mê thành hiện thực, thổi hồn để những sản phẩm gốm mộc mạc, xưa cũ thành những tác phẩm nghệ thuật. Họ bắc lại nhịp cầu quá khứ với hiện tại, đưa nghề gốm truyền thống của Bình Dương bay xa…

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=778
Quay lên trên