Xăng, điện, gas và các mặt hàng thiết yếu tăng giá trước và sau tết đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống những người công nhân (CN) lao động. Bữa cơm công nhân vốn đã đạm bạc nay lại càng đạm bạc hơn.
Tổ chức nấu ăn cho CN không qua đấu thầu sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng chất lượng bữa ănLiên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH River Wood and Lumber (xã An Phú, Thuận An) để giải quyết kiến nghị của hàng trăm CN liên quan đến chất lượng bữa ăn. CN của công ty phản ánh mỗi bữa ăn được chi 8.000 đồng/người. Tuy nhiên, công ty đã tổ chức cho người ở ngoài đấu thầu nấu ăn, do đó thực chất mỗi bữa ăn của CN chỉ còn lại khoảng 4.000 - 5.000 đồng/người. Vì thực tế, khi tổ chức đấu thầu nấu ăn cho CN, nhà thầu phải chi 10% tiền thuế, tiền công phục vụ, vận chuyển, tiền lãi... Nói chung là bữa cơm của CN bị bớt xén chỉ còn phân nửa.
Chị Nguyễn Thị Thiện, CN may mặc Công ty TNHH H7 (Bình Chuẩn, Thuận An) than thở: “Mỗi bữa ăn công ty cho 7.000 đồng, do giá cả tăng nên dĩa cơm chỉ có mấy cọng rau, vài ba miếng thịt mỡ ăn cho qua bữa chứ nói gì đến chất lượng”. Chị Nguyễn Thị Phương, CN một công ty ở KCN Đại Đăng cho biết công ty chi tiền ăn bằng tiền mặt 9.000 đồng/bữa, nhưng lại không tổ chức bếp ăn tập thể nên hầu hết CN ở công ty phải đạp xe về nhà trọ hoặc đi cách nơi làm từ 3 - 4km mới có quán ăn bình dân, nhưng cũng phải bù thêm chứ 9.000 đồng với thời giá như hiện nay thì làm sao có cơm ăn! Còn theo nhiều CN phản ánh, bữa cơm ở công ty chỉ có 7.000 đồng/người cho nên một nhóm 5 người ăn chỉ có 4 con cá biển hoặc 4 miếng thịt gà công nghiệp: “Như vậy không biết ai ăn, ai đừng? Nhiều chị em khi đi làm phải mang theo hũ muối vừng hay chai nước mắm để ăn thêm”.
Từ sau tết, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm (đã tăng từ trước tết) chưa hề giảm và đang có xu hướng tiếp tục tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống của CN lao động. Không riêng gì chất lượng mỗi bữa ăn của CN ở trong công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình họ. Có mặt tại nhà chị Đàm Thị Huyền (quê Nam Định) là CN Công ty TNHH JME Vina (TX.TDM), chúng tôi mới có dịp chứng kiến bữa ăn đạm bạc của một gia đình CN. Khoảng 19 giờ, chị Huyền đón con ở nhà trẻ về rồi cắm vội nồi cơm chờ chồng đi làm về. Một bữa ăn trễ so với những gia đình khác, nhưng nó lại khá quen thuộc với rất nhiều gia đình CN ở Bình Dương. Bữa cơm nhà chị Huyền chỉ có một bát canh lỏng bỏng nước với ít rau, mấy con tép kho mặn và lưng bát thịt mỡ. Chị Huyền, nói: “Mua 2.000 đồng tiền rau nấu được có 1 bát canh và 8.000 đồng da heo còn dính mỡ về rang cho mấy đứa nhỏ ăn cơm”.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang chi tiền ăn cho CN dưới 10.000 đồng/bữa, có doanh nghiệp chi bữa ăn có 6.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Khương cũng thừa nhận: “Chất lượng bữa ăn của CN ngày càng tệ hơn trước bởi giá cả tăng liên tục”. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh, trước và sau tết giá cả đều tăng ở tất cả các mặt hàng từ thịt, cá, nấm, đậu, thực phẩm chế biến sẵn đến các mặt hàng như trái cây, đường trắng... Các loại rau và củ như khổ qua, kiệu tươi tăng từ 15 - 50%; các loại gạo tăng từ 25 - 45%. Cụ thể như rau cải ngọt trước tết chỉ có 5.000 đồng/kg nhưng sau tết là 8.000 đồng/kg, rau muống từ 1.500 đồng/bó tăng lên 2.000 - 2.500 đồng/bó.
Mặc dù các DN đã có nhiều cố gắng quan tâm, hỗ trợ khó khăn, cải thiện đời sống cho CN. Tuy nhiên, không ít DN vào thời điểm sau tết cũng rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì phải điều chỉnh và nâng lương cho CN. Trong khi đó, DN ở các ngành nghề như giày da, may mặc đang phải chịu ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu do chống bán phá giá và bị “ép giá”. Để cải thiện bữa ăn cho CN ông Nguyễn Văn Khương đề nghị Nhà nước cần có chính sách giám sát, quản lý giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, các DN bố trí, sắp xếp tổ chức bếp ăn cho CN tại công ty để giảm chi phí, nâng chất lượng bữa ăn.
ĐỖ TRƯỜNG