Chất lượng giáo dục sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “hai không”: Hãy đánh giá đúng thực chất

Cập nhật: 10-08-2010 | 00:00:00

  Cần có thái độ đánh giá chất lượng học sinh nghiêm túc và chặt chẽ hơnBộ GD&ĐT đã công bố, kết quả đậu tốt nghiệp THPT cả nước năm nay đạt 92,57%. Song song đó, sau mùa thi đại học, cao đẳng vừa qua thì có đến hàng trăm ngàn bài của sĩ tử bị điểm 0, điểm kém. Với kết quả tỷ lệ nghịch của hai kỳ thi sát nhau như vậy khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Có hay không những con số ảo? Bệnh thành tích trong giáo dục (GD) có đang tái phát?

Nhiều nơi tăng vọt

Rõ ràng, nhìn từ phương diện “thi đua”, sau 3 năm thực hiện chiến dịch “hai không”, tỷ lệ % thí sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT tuy có hụt hẫng ở năm đầu (2007) với trên 400.000 sĩ tử rớt đài thì 2 năm gần đây, thành tích của các tỉnh, thành đã ngày càng tốt hơn - không hiếm nơi tăng lên cả vài chục phần trăm tú tài mỗi năm. Đành rằng kết quả đó có sự chuyển biến từ kỷ cương học tập, ý thức của thầy cô giáo và các em học sinh, nâng cao dần chất lượng dạy - học song ở quá nhiều nơi, “thành tích” ấy lên cao tới không ngờ đã buộc dư luận phải đặt ra nhiều nghi ngờ, lo ngại.

Bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha của ngành GD, từng gây bức xúc lớn trong xã hội. Nhằm chấn chỉnh “căn bệnh” này, năm 2006, lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương “hai không”, trong đó có “Nói không với bệnh thành tích trong GD”. Chủ trương này nhanh chóng được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn ngành GD từ năm học 2006-2007, và nhận được đồng thuận cao trong dư luận, xã hội và cả ngành GD.

Nhờ có chủ trương “hai không” đúng đắn và hợp lòng dân, ý Đảng nên việc chống “căn bệnh” thành tích đã có những chuyển biến tích cực, đáng khích lệ trong nhà trường, các địa phương. Cấp trên ít ép, ấn chỉ tiêu xuống cấp dưới, giáo viên nữa, nhiều thầy cô giáo có thái độ đánh giá chất lượng học sinh nghiêm túc, chặt chẽ hơn, học sinh ít ỷ lại, chăm lo việc học hành hơn.

Những tưởng chủ trương, phong trào tốt đẹp, đúng đắn ấy tiếp tục được duy trì, đi vào nề nếp và sẽ ngày một nghiêm túc hơn. Nhưng hai năm trở lại đây, căn bệnh thành tích này đang có chiều hướng bùng phát trở lại. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT: riêng số học sinh bậc THCS đạt giỏi chiếm 1/7, đạt loại khá chiếm trên 1/3 tổng số học sinh. Khi nghe con số học sinh khá, giỏi nhiều đến như vậy, không ít người tỏ ra lo ngại, băn khoăn, hoài nghi về tính khả thi của chủ trương “Nói không với bệnh thành tích trong GD”.

Bình Dương - không chạy theo phong trào

Tại Bình Dương, với tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh năm nay là 86,15%, tăng 9% so với năm trước. Trong kỳ họp HĐND vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương đã khẳng định tỷ lệ đó là đúng với thực chất khi được nghe một số đại biểu chất vấn về việc tỷ lệ tốt nghiệp tăng thấp so với các tỉnh, thành khác.Quả thật, so với các tỉnh, thành lân cận, tỷ lệ học sinh tốt nhiệp THPT cũng như ĐH, CĐ là còn rất thấp. Nhưng cũng phải công nhận rằng, trong vài năm trở lại đây, chất lượng dạy và học ở Bình Dương đang được dần tăng lên. Cụ thể, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT trong 4 năm qua đều tăng theo từng năm từ 62%, 63,5%, 77,4% và 86,15%. Dù tỷ lệ tăng mỗi năm không cao, nhưng với sức nỗ lực hết sức cũng như thực hiện nghiêm túc với cuộc vận động hai không của ngành GD tỉnh nhà thì những con số này là đúng thực chất.

Căn bệnh sính thành tích, đánh giá dễ dãi chất lượng học sinh trong suốt một thời gian dài, nay như đang bùng phát trở lại. Nó cũng là nguyên nhân gây ra biết bao nhiêu hệ lụy, nguy cơ cho học sinh, cho xã hội. Vô hình chung, nó tạo ra những sản phẩm thấp kém, không đúng thực chất và không mang lại lợi ích cho xã hội. Bên cạnh đó, bệnh thành tích cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phân luồng học sinh từ hết lớp 9 hầu như không triển khai được, gây lãng phí, tốn kém lớn về nhân lực và tiền của cho gia đình và xã hội.

Giải trình về tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh năm học vừa qua, ông Dương Thế Phương đã thẳng thắn cho biết: “Nỗ lực của ngành GD tỉnh trong thời gian qua là rất cao. Quan điểm của tôi là không chạy theo phong trào mà phải là chất lượng thực sự. Sau khi Bộ GD&ĐT phát động “phong trào 2 không”, Bình Dương tổ chức thực hiện rất tốt trong thi cử. Nếu việc tổ chức coi thi mà không chặt chẽ thì tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn. Chính vì vậy mà khi biết thông tin về kết quả tốt nghiệp của cả nước, tôi cũng rất buồn vì tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh mình còn thấp quá. Nhưng tôi cam đoan rằng tỷ lệ đó là thực. Còn các tỉnh bạn, vì sao cao như vậy thì tôi không biết, nếu tỷ lệ ấy cũng đúng với thực chất thì tôi rất khâm phục họ và sẽ học hỏi. Theo tôi, muốn chất lượng GD phát triển phải có thời gian, giải pháp, đầu tư... chứ không chỉ trong thời gian ngắn mà có thể thành công được”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=392
Quay lên trên
X