Mỗi ngày các bệnh viện trên cả nước đang phân loại “nhầm” một khối lượng lớn chất thải y tế nguy hại vào chất thải thông thường. Bên cạnh các biện pháp thiêu đốt không đảm bảo, nhiều bệnh viện vẫn chôn lấp chất thải rắn khiến môi trường bị đầu độc nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 13.511 cơ sở y tế, trong đó có 1.361 cơ sở khám chữa bệnh. Mỗi ngày lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 140 tấn, trong đó có hơn 30 tấn chất thải rắn y tế nguy hại.
Chất thải rắn y tế nguy hại vẫn đầu độc môi trường mỗi ngày
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 95,6% bệnh viện thực hiện phân loại và khoảng 91% bệnh viện thu gom chất thải rắn hàng ngày. Nhưng việc phân loại và thu gom vẫn chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn hiện tượng phân loại nhầm chất thải nguy hiểm cho môi trường, tỷ lệ BV có nơi lưu giữ chất thải đảm bảo vệ sinh theo qui định mới đạt khoảng 45% tổng số BV trong toàn quốc.
Việc xử lí chất thải rắn y tế nguy hại hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, mới có khoảng 73% bệnh viện xử lí bằng lò đốt, trong số đó chỉ có một số nơi áp dụng công nghệ hiện đại, còn lại gần 27% bệnh viện đang sử dụng biện pháp đốt ngoài trời hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện hoặc bãi rác chung của địa phương.
Tại Hội thảo triển khai đề án tổng thể xử lí chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 tổ chức tại TPHCM (chiều 15/8) Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và năm 2025 sẽ xử lý được 100% lượng rác thải nguy hại đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.
Theo Dân Trí