Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X: Giải quyết những vấn đề “nóng” để “thích ứng an toàn”

Cập nhật: 08-12-2021 | 08:52:48

Nhiều ý kiến của cử tri, nhân dân quan tâm đến những giải pháp hỗ trợ khôi phục, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) và ổn định đời sống cho người lao động (NLĐ) trong thời kỳ thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 được nêu ra tại phiên chất vấn đối với các “tư lệnh” ngành liên quan.

Đại biểu Trần Thị Diễm Trinh nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo về những giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trường học. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ổn định sản xuất

Theo đại biểu Nguyễn Thái Minh Quang, Tổ đại biểu TP.Thuận An, trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có biện pháp “đông cứng, khóa chặt”, do vậy nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động, SXKD gặp nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. “Giám đốc Sở Công thương có giải pháp gì để tham mưu cho tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp DN khôi phục SXKD trong thời kỳ hậu Covid-19?”, đại biểu Quang đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã xây dựng giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ DN khôi phục, ổn định hoạt động SXKD; trong đó có những giải pháp ngắn hạn, tập trung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh bùng phát trở lại; phục hồi chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; tăng cường việc kết nối cung cầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua việc xúc tiến thương mại trực tiếp, online..., đơn giản hóa thủ tục, áp dụng quản lý số hóa để tạo điều kiện rút ngắn thời gian liên quan đến thủ tục hành chính cho DN…

Nhà ở cho NLĐ

Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nên thu hút một lượng lớn NLĐ ngoài tỉnh tới làm việc và sinh sống. Do vậy, nhà ở đang là một trong những vấn đề đang được cử tri, NLĐ rất quan tâm. Đại biểu Nguyễn Hồng Nguyên, Tổ đại biểu TX.Tân Uyên, cho rằng trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các công ty xây nhà lưu trú cho NLĐ bảo đảm phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy hiệu quả, ổn định sản xuất. Trong khi đó, các khu nhà trọ do người dân xây dựng có diện tích phòng rất chật hẹp, không bảo đảm vệ sinh, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để dịch bệnh lây lan trong NLĐ. Do vậy, ngoài chính sách xây nhà ở với giá ưu đãi cho NLĐ thuê, mua của tỉnh thì Sở Xây dựng cần tham mưu cho tỉnh sớm có chính sách ưu đãi đối với DN tự xây dựng nhà lưu trú cho NLĐ ở để thu hút DN tham gia giải quyết vấn đề này. Đại biểu Trần Thành Trọng, Tổ đại biểu TP.Thuận An, đặt câu hỏi về dự án triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà cho NLĐ thuê, mua; đồng thời cho rằng việc bán và cho thuê nhà ở xã hội (NƠXH) cần đúng đối tượng là NLĐ, tránh tình trạng NƠXH bị đầu cơ, nâng giá dẫn đến NLĐ không thể tiếp cận được.

Trả lời những vấn đề đại biểu quan tâm, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn 2011-2015, có 23 dự án NƠXH hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng diện tích sàn là 431.488m2, số căn hộ là 9.618, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Ngoài ra, có khoảng 200 DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ, với tổng diện tích sàn là 269.982m2, đáp ứng cho khoảng 46.974 người. Thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng hơn 1,8 triệu sàn NƠXH, có trên 600.000 phòng trọ cho NLĐ thuê. Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án phát triển nhà ở cho NLĐ, trong đó sở đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh triển khai 4 loại hình nhà ở cho NLĐ, gồm NƠXH, nhà ở cho thuê, nhà lưu trú trong các khu, cụm công nghiệp và nhà ở giá thấp. “Việc bán và cho thuê NƠXH được kiểm soát bán cho đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sở sẽ thông tin công khai danh sách người mua NƠXH trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi và giám sát”, ông Ngân cho hay.

Sớm mở cửa trường học

Đại biểu Trần Thị Diễm Trinh, Tổ đại biểu TP.Dĩ An, nêu câu hỏi: “Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành giáo dục - đào tạo đã có những phương án như thế nào để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trường học khi học sinh được quay trở lại học trực tiếp, đồng thời vừa bảo đảm chất lượng dạy và học trong thời gian tới?”. Đại biểu Nguyễn Thanh Toàn, Tổ đại biểu TP.Thuận An, đặt câu hỏi: “Rất nhiều cử tri, đặc biệt là NLĐ phản ánh, hiện nay phần lớn các DN đã hoạt động, NLĐ trở lại làm việc, ngành giáo dục - đào tạo đã có giải pháp gì để tổ chức lại trường lớp, nhất là bậc mầm non để cha mẹ an tâm làm việc?”.

Trả lời những câu hỏi của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết ngành đã phối hợp với ngành y tế triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 2 ở cấp THPT đạt trên 97%, học sinh khối 7, 8, 9 đạt trên 95% mũi 1, riêng khối 9 đã hoàn thành mũi 2. Dự kiến cuối tháng 12-2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Ngành cũng đã xây dựng phương án cũng như kịch bản xử lý, điều trị khi phát hiện F0 trong trường học. Sở đã xây dựng phương án và đề xuất với UBND tỉnh về việc tổ chức học trực tiếp đối với cấp mầm non và tiểu học ở địa bàn cấp độ dịch thuộc cấp 1, cấp 2 (nguy cơ thấp và trung bình), được tổ chức theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 13 đến 24-12, thí điểm cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 có cha, mẹ tham gia lao động sản xuất, có nhu cầu bức thiết, cần gửi con được đến trường học trực tiếp. Giai đoạn 2, từ ngày 27-12-2021 đến 28-1-2022, mở rộng đối tượng trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non cho toàn bộ cha, mẹ có nhu cầu gửi trẻ, tự nguyện đăng ký; học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có cha, mẹ tham gia lao động sản xuất, tự nguyện đăng ký. Đối với các đối tượng còn lại vẫn tiếp tục tổ chức dạy học theo phương thức trực tuyến. Giai đoạn 3, từ ngày 7-2-2022 (sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần), nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ tổ chức học trực tiếp cho toàn bộ học sinh tiểu học và mầm non.

Đối với cấp THCS, THPT, từ ngày 6-12-2021, ngành tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 thuộc địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 và toàn bộ học sinh THPT. Dự kiến, từ ngày 3-1-2022, các trường THCS, THPT trong tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục ngoài giờ, trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống… tổ chức đón 100% học sinh, học viên trở lại trường để dạy học trực tiếp trong trạng thái “bình thường mới”.

ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên