Chật vật tìm chỗ trọ ngày nhập học
(BDO) Chưa tận hưởng hết niềm vui đậu đại học, nhiều tân sinh viên bắt đầu bước nào nỗi lo mới: tìm nhà trọ. Với số lượng sinh viên nhập học khá đông, nhiều khu trọ dường như đã kín chỗ.
Việc tìm nhà trọ để học tập và sinh hoạt sau khi đậu đại học là nỗi lo của nhiều tân sinh viên.
Từ giữa tháng 7 đã hết phòng
Đi từ TP.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đến TP.Thuận An để tìm trọ, nhưng từ sáng đến trưa, chị Trần Thị Thảo Nguyên (33 tuổi) vẫn chưa tìm được nơi ở thích hợp cho hai người em vừa trúng tuyển đại học.
“Vì lên trễ nên sáng nay mấy chị em đi 3 khu trọ đều đã có người đặt hết. Hai em của mình lại ngại ở ký túc xá vì đông người nên cố gắng tìm thêm. Nếu trong ngày không tìm được chỗ trọ, phải tìm chỗ cho các em ở tạm rồi đi hỏi tiếp, đến khi nào có chỗ trọ mình mới về quê”, chị Nguyên chia sẻ.
Cũng như chị Nguyên, chị Phạm Thị Nhung (36 tuổi), ngụ phường Lái Thiêu, TP.Thuận An cũng đang chật vật tìm trọ khu vực gần Trường Đại học Bình Dương cho con gái. “Vì con tôi thích ở trọ rộng rãi, đảm bảo an ninh và muốn ở một mình nên rất khó tìm được chỗ phù hợp. Nếu như không tìm được trọ, có thể tôi sẽ cho con ở trọ ghép với 1 - 2 bạn hoặc ở ký túc xá của trường”, chị Nhung cho hay.
Một số nhà trọ đã được đặt trước từ giữa tháng 7
Để hiểu rõ hơn tình hình các khu nhà trọ, chúng tôi đã đến nhiều khu trọ ở khu vực TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một… Nhiều chủ trọ ở gần các trường đại học cho biết hầu như các phòng đã kín chỗ, nhiều nơi còn được đặt trước từ giữa tháng 7.
Chị Đặng Thị Ánh Nguyệt, Quản lý ký túc xá Thanh Bình tại khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An cho hay, giá thuê phòng ở đây giao động từ 750.000 - 1,6 triệu đồng/tháng. “Như thời điểm này năm trước, thường sẽ trống khoảng 30 phòng, nhưng năm nay chỉ còn 10 phòng nên gần đến ngày nhập học đã không còn chỗ. Nhiều phụ huynh đến đây tìm trọ, tôi cũng khuyến khích liên hệ trường để được hỗ trợ”.
Anh Phạm Phú Kính, quản lý nhà trọ Kim Anh tại phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một cho biết, tất cả 55 phòng đều đã có người thuê hoặc đặt cọc trước; khu vực xung quanh chỉ còn một số phòng trọ còn trống.
“Hiện giờ chờ nhập học mới tìm trọ là khá trễ, vì đa phần các bạn đã truy cập mạng xã hội của nhà trọ để đặt xem phòng từ sớm. Các bạn tân sinh viên nên chọn những khu trọ rộng rãi có hệ thống phòng cháy, chữa cháy đảm bảo, có lắp đặt camera hoặc khóa từ, đặc biệt cần xem kỹ các điều khoản hợp đồng để tránh bị mất cọc mà không có chỗ ở”, anh Kính cho hay.
Vẫn còn phòng trọ rẻ và tiện nghi
Ông Trần Đăng Ý, cán bộ Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương (TP.Thuận An) cho biết, trước khi nhập học, đã có hơn 200 sinh viên đăng ký tìm trọ gần trường. Đến ngày 20-8, 100 suất ở tại ký túc xá đã kín chỗ và hơn 30 phòng trọ liên kết với nhà trường đã được đặt trước.
Chị Đặng Thị Ánh Nguyệt, Quản lý ký túc xá Thanh Bình đang tư vấn phòng trọ cho một tân sinh viên
“Nhiều phụ huynh mong muốn tìm chỗ trọ gần trường, chỉ có sinh viên ở nên nhờ chúng tôi liên hệ tìm từ sớm. So với năm trước, nhu cầu phòng trọ tăng gấp 3 lần nên việc tìm trọ cũng khá vất vả. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu ăn ở cho các em tốt nhất có thể”, ông Ý nói.
Cũng theo ông Ý, hiện tại nhà trường đang tư vấn cho các tân sinh viên và phụ huynh lựa chọn các khu trọ trong bán kính 1km vì vẫn còn nhiều phòng trống. Do đó, các tân sinh viên và phụ huynh có thể trực tiếp đến trường để đăng ký nhờ hỗ trợ tìm trọ.
Tân sinh viên nên liên hệ nhà trường để được hỗ trợ tìm phòng trọ còn trống
“Chúng tôi cũng đang cải tạo một khu ký túc xá cách trường 800m, diện tích mỗi phòng 20m2, đủ tiện nghi và giá thuê tầm 1,6 triệu đồng/tháng, nếu ở ghép khoảng 4 - 5 sinh viên sẽ rất rẻ. Các tân sinh viên có thể đăng ký phòng trước và sẽ được sắp xếp ở tạm tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của trường cho đến ngày ký túc xá được đưa vào hoạt động chính thức vào đầu tháng 11”, ông Ý cho hay.
Để tìm trọ an toàn, Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cho biết, tân sinh viên phải biết bảo vệ mình đầu tiên khi thực hiện ký kết hợp đồng đặt cọc.“Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thực hiện hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng miệng đều có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu lập bằng miệng thì khả năng sau này có tranh chấp sẽ dẫn đến việc đòi lại tiền cọc rất khó khăn. Vì thế, tân sinh viên cần lập hợp đồng bằng văn bản và có xác nhận của bên thứ ba”, Thạc sĩ Hải lưu ý.
“Nhà trọ mỗi nơi khác nhau nên tân sinh viên cần tìm hiểu thông tin trước khi xác định ở trọ để biết môi trường hay tính cách chủ trọ ra sao. Nếu lần tiếp xúc đầu tiên cảm thấy không ổn thì đừng vội ký kết hợp đồng, vì sẽ rất ảnh hưởng đến chuyện sinh sống và học tập ở môi trường mới”. (Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh) |
THƯỢNG HẢI