Theo nghiên cứu của Liên hiệp quốc, châu Á đã “mất” tới 96 triệu phụ nữ, phần lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ - những người đã thiệt mạng do sự phân biệt đối xử trong y tế, bị bỏ rơi, hoặc bị sát hại từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
AFP cho biết theo báo cáo của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), nạn phá thai nhi nữ đã gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở châu Á, và vấn đề đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn bất chấp tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ của khu vực.
Hai người phụ nữ cặm cụi quét rác trên một con đường ở Kolkata, Ấn Độ trong ngày Quốc tế phụ nữ 8-3
“Tư duy trọng nam khinh nữ cổ lỗ đã kết hợp với công nghệ hiện đại”, AFP dẫn lời chuyên gia Anuradha Rajivan, tác giả báo cáo. “Nạn phá thai nhi nữ khi còn trong bụng mẹ đã dẫn tới việc châu Á mất hàng chục triệu phụ nữ”.
Theo báo cáo của UNDP, Đông Á có tỷ lệ chênh lệch nam-nữ khi sinh cao nhất thế giới, với 199 trai - 100 gái, vượt xa tỷ lệ trung bình 107 trai - 100 gái của thế giới. “Sự tồn tại của nữ giới không được đảm bảo,” báo cáo viết. “Nạn phá thai và thiệt mạng do sự phân biệt đối xử trong chữa trị y tế và dinh dưỡng đã khiến châu Á mất 96 triệu phụ nữ, và các con số đang ngày càng gia tăng”.
Báo cáo cho biết chỉ riêng ở Trung Quốc và Ấn Độ, số phụ nữ bị “mất” lên đến 85 triệu, chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân phá thai. Ngoài ra, hàng triệu phụ nữ không được tiếp cận với y tế, giáo dục, công việc, chính trị… Ở Đông Nam Á, cứ 100.000 trẻ em ra đời thì có 500 phụ nữ chết, tỷ lệ tồi tệ chỉ đứng thứ hai sau Tiểu vùng Sahara ở châu Phi. Chỉ 50% phụ nữ trong khu vực biết đọc và viết, mức thấp nhất trên thế giới.
Châu Á - Thái Bình Dương cũng chỉ hơn có thế giới Ả Rập ở lĩnh vực phụ nữ tham gia vào chính trị. Tại các nước giàu như Nhật hay Hàn Quốc, tỷ lệ phụ nữ là thành viên Quốc hội chỉ lần lượt là 10% và 14%. Ở châu Á, mức lương trung bình của phụ nữ chỉ bằng 50% nam giới, và họ thường phải nhận những công việc bị đàn ông chê.
AFP dẫn lời bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand, hiện là giám đốc UNDP, khẳng định cần phải cải thiện quyền phụ nữ ở ba lĩnh vực là quyền lực kinh tế, tham gia vào chính trị và bảo vệ trên phương diện luật pháp. Theo bà Clark, cả hai giới đều sẽ có lợi nếu thế giới đạt được những tiến bộ về quyền phụ nữ trong cả ba lĩnh vực trên.
“Sự tham gia của phụ nữ vào xã hội có thể cải thiện địa vị kinh tế của một quốc gia… những nước không làm được điều đó sẽ không bao giờ khai thác được hết tiềm năng của họ”, bà Clark khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)