Châu Âu lại giằng co giữa chi tiêu và cắt giảm

Cập nhật: 04-10-2011 | 00:00:00

Dự toán ngân sách của Chính phủ Hy Lạp đưa ra ngày 2-10 cho biết dù thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng khẩn cấp, nước này vẫn không thể đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách như đã đề ra.

 Hy Lạp vẫn chưa có lối ra

Bản dự toán của Hy Lạp được đưa ra trong bối cảnh các thanh sát viên từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tới Athens đánh giá các chương trình thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp trước khi đưa ra các gói cho vay mới. Nếu không có thêm khoản vay mới nào, Hy Lạp sẽ hết tiền mặt trong tháng này.

  Người biểu tình tại Manchester, Anh phản đối các biện pháp siết chặt chi tiêu của Chính phủ Anh.Theo bản dự toán ngân sách 2012 của Chính phủ Hy Lạp, mức thâm hụt ngân sách nước này trong năm 2011 là 8,5% GDP, cao hơn so với mục tiêu đề ra 7,6%. Còn trong năm 2012, dự đoán mức thâm hụt ngân sách khoảng 14,6 tỷ EUR, tức 6,8% GDP so với mục tiêu 6,5%. Điều này cho thấy, các biện pháp cắt giảm lương, tăng thuế trong vòng 2 tháng qua đã không đủ giúp Hy Lạp đạt mục tiêu đề ra. Và trong vài tháng còn lại của năm 2011, Hy Lạp cần thêm ít nhất 2 tỷ EUR.

Một trong những biện pháp Chính phủ Hy Lạp đề ra hôm 2-10, cho phép 30.000 nhân viên nhà nước hưởng 60% lương và sẽ nghỉ việc sau 1 năm nữa. Tuy nhiên, biện pháp này không giảm được chi tiêu là bao khi 2/3 số người này gần ở tuổi nghỉ hưu, số còn lại nằm trong các cơ quan nhà nước chuẩn bị đóng cửa hoặc sáp nhập.

Thâm hụt ngân sách lan rộng

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đang có dấu hiệu ngày càng lan rộng sang nhiều nước khác, thậm chí cả những nước được xem có nền kinh tế phát triển hàng đầu ở châu Âu như Italia hay Anh. Ngay tại phiên khai mạc hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Manchester ngày 2-10, các liên đoàn Anh đã huy động 35.000 người biểu tình phản đối các biện pháp cắt giảm ngân sách. Dòng người tuần hành yêu cầu việc làm, công lý và tăng trưởng.

Để cắt giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Anh đề ra ưu tiên cắt giảm ngân sách và tăng thuế từ nay đến năm 2015. Ngoại trưởng Anh William Hague đã đổ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm của Công đảng về tình trạng thâm hụt ngân sách.

Tại Anh đang có nhiều dư luận cho rằng cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay về việc Anh có nên rút ra khỏi EU hay không. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC, Thủ tướng David Cameron cho rằng Anh không nên rời EU mà nên thúc đẩy EU đẩy mạnh cải cách hơn để tránh kéo dài khủng hoảng nợ công.

Tại Bồ Đào Nha, cuộc biểu tình của 130.000 người vào cuối tuần qua cũng không có gì khác hơn là phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ. Kể từ 1-10, thuế điện và khí đốt từ 6% lên 23%. Để nhận được khoản vay 78 tỷ EUR vừa qua, Bồ Đào Nha đã buộc phải đáp ứng các điều kiện như tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, cải cách cơ cấu kinh tế, tư nhân hóa nhiều tài sản công… Các biện pháp này gây nhiều khó khăn đối với người làm công ăn lương, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên trên 12% và giảm tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, tại Hungary, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cũng đang trải qua một “mùa thu nóng bỏng” về phương diện xã hội khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, cắt giảm an sinh, thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao... khiến ít nhất 50.000 người dân nước này tham gia biểu tình trong suốt 3 ngày qua tại thủ đô Budapest và dự báo sẽ còn diễn ra đồng loạt trên khắp cả nước và kéo dài vô thời hạn.

Những người tổ chức biểu tình cho biết các cuộc đình công và biểu tình sẽ kéo dài vô thời hạn chừng nào yêu sách 8 điểm đưa ra hồi tháng 9 vừa qua của họ chưa được đáp ứng.

Theo đó, đề nghị chính phủ ngừng thực thi các biện pháp kinh tế khắc khổ và chấm dứt sự cắt giảm một số quyền lợi của người lao động, bảo đảm chế độ lương hưu cho những người nghỉ hưu sớm, đặc biệt là giới nhân viên lĩnh vực công. Hungary có lực lượng lao động thấp nhất với 55,4% trong tổng số dân (năm 2010). Do vậy, tuổi hưu trí kéo dài tới 64.

Các biện pháp siết chặt này được nội các Thủ tướng Orban thông qua đầu năm 2011, được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2012 xuống dưới mức 3% theo quy định của EU, đồng thời giảm mức vay nợ.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=216
Quay lên trên